(Toquoc)-Nhìn người phụ nữ nhỏ nhắn ấy,ít ai tin đó lại là nghệ nhân đúc đồng có tiếng của làng Ngũ Xã.
(Toquoc)-Nhìn người phụ nữ xinh đẹp với vóc dáng nhỏ nhắn ấy, không ai nghĩ chị lại theo đuổi một nghề vất vả mà xưa nay dường như là “đặc quyền” của nam giới- nghề đúc đồng. Nhưng Lê Diệu Hương bảo, với chị đó là niềm đam mê, giống như máu thịt của mình từ tấm bé.
Cần mẫn và nhiệt thành, nghệ nhân đúc đồng có tiếng của làng nghề Ngũ Xã ấy đã và đang tô điểm thêm cho đời bằng những sản phẩm mỹ nghệ đẹp, có hồn, trong đó phải kể đến 1000 con rồng thời Lý- món quà lưu niệm biểu trưng cho Hà Nội 1000 năm tuổi.
Với nghệ nhân Lê Diệu Dương, nghề đúc đồng là niềm đam mê giống như máu thịt của mình từ tấm bé (Ảnh:Khánh Nguyên)
Diệu Hương bảo, nghề đúc đồng đến với chị hết sức tự nhiên. Vốn sinh ra trong một gia đình có truyền thống về nghề đúc đồng, từ nhỏ, Diệu Hương đã được sống trong thế giới của những chuông đồng, đỉnh đồng, hoành phi, câu đối, tranh đồng… Niềm say mê với những hoạ tiết hoa văn đã nảy nở trong cô bé Diệu Hương từ đó. Hàng ngày, được nghe những câu chuyện ông ngoại kể về những sản phẩm đồng rằng pho tượng kia của thời nào, gắn với tích nào… Hương càng cảm thấy gần gũi và gắn bó với nghề của cha ông. Chị bảo, những câu chuyện ông kể khi ấy giống như những câu chuyện cổ tích cứ thấm dần trong tâm trí của chị. Thấy cháu gái đam mê với nghề đúc đồng, ông ngoại Hương vừa mừng nhưng cũng không khỏi lo ngại bởi đây là một nghề hết sức vất vả mà sức vóc của một người con gái khó theo nổi, nhất là khi Hương lại là chị cả của 3 cô em gái. Nhưng rồi ông cũng phải chịu “khuất phục” trước ý chí và niềm đam mê của cô cháu nhỏ…
Được sự hướng dẫn và động viên của ông và cha, Diệu Hương đã từng bước đứng trong nghề. 12 tuổi, chị đã tự tay vẽ mẫu sản phẩm đồng đầu tiên, 15 tuổi được biết đến như một trong những nghệ nhân nhí của làng nghề đúc đồng Ngũ Xá và 22 tuổi trở thành chuyên gia thiết kế mẫu mã sản phẩm đúc đồng mới. Những sản phẩm của chị là sự sáng tạo trên cơ sở kế thừa những tinh hoa hoa văn cổ của cha ông để lại.
Từ sáng đến tối, Hương có thể ngồi lì tại xưởng say mê, bay bổng với những hoạ tiết hoa văn trên sản phẩm. Có sản phẩm hoàn toàn theo ý tưởng của Hương và cũng có sản phẩm làm theo yêu cầu của khách hàng, nhưng với sản phẩm nào chị cũng dồn tất cả tâm huyết và sự tỉ mẩn trong sáng tạo. Các sản phẩm chỉ được “xuất xưởng” khi chính chị cảm thấy hài lòng dù cũng lắm khi khách hàng đã khá ưng sản phẩm. Chị bảo: “Khách hàng cũng chính là người đồng sáng tạo với mình. Những yêu cầu của họ đôi khi là gợi ý cho những sáng tạo của mình. Nhưng quan trọng là khi làm một sản phẩm phải thực sự say mê và kiên trì. Mỗi sản phẩm là một sự sáng tạo, là chuỗi dài của những đam mê chứ không phải chỉ đơn thuần là đáp ứng nhu cầu của khách”.
Chính bởi sự tâm huyết ấy mà tiếng tăm về nghệ nhân đúc đồng Diệu Hương ngày càng lan xa. Khách hàng tìm đến với chị ngày càng nhiều… Để đáp ứng đòi hỏi của những đơn đặt hàng, năm 2000, Diệu Hương quyết định “nâng tầm” xưởng sản xuất đồ đồng truyền thống của gia đình lên thành cơ sở sản xuất mang tên mình, và giờ là Công ty cổ phần Mỹ nghệ Đông Sơn. Những giải thưởng như Ngôi sao Việt Nam, Tinh hoa Việt Nam, nghệ nhân có đôi bàn tay vàng… liên tiếp đến, nhưng với chị, phần thưởng quý nhất vẫn là sự tin yêu mà khách hàng dành cho mình. Bây giờ, nhớ lại những ngày đầu khởi nghiệp, chị càng thấm và thầm cảm ơn sư thầy ở chùa Hương, người đã cho chị 5 chữ “hữu xạ tự nhiên hương”, 5 chữ đã trở thành kim chỉ nam cho chị trên con đường không ít chông gai của một nghề truyền thống.
Nhà có 4 cô con gái, tất cả cũng đều học qua nghề đúc đồng, nhưng chỉ có chị trụ lại với nghề, đó âu cũng là cái duyên. Mối duyên ấy càng sâu sắc hơn khi mà trên mỗi cung đường, chị lại có thêm những nhân duyên mới. Công ty của chị giờ là địa chỉ được khách hàng chọn lựa đầu tiên khi muốn có những sản phẩm tín ngưỡng như tượng hay chuông, đỉnh đồng. Nhiều pho tượng do chị đúc đang đặt tại chùa Hương, đền Thái Vi và nhiều chùa lớn trong cả nước. Cũng có nhiều sản phẩm được khách hàng đặt để xuất khẩu ra nước ngoài. Với chị, đó là cơ duyên mà không phải ai cũng có được. Các cụ xưa vẫn khuyên con cháu lấy việc “làm chùa, tô tượng, đúc chuông” làm việc thiện, chị có được cái cơ duyên ấy nên càng cố gắng, càng say nghề hơn bởi nếu nghề đúc đồng bị mai một thì nền văn hoá, tín ngưỡng của dân tộc cũng sẽ mất mát đi rất nhiều.
Lê Diệu Hương đang miệt mài thực hiện dự án đúc 1000 con rồng thời Lý làm quà lưu niệm biểu trưng cho Đại lễ 1000 năm Thăng Long- Hà Nội.
(Ảnh: Khánh Nguyên)
Những ngày này, chị và 50 người thợ của Công ty cổ phần Mỹ nghệ Đông Sơn đang dốc toàn tâm toàn sức cho dự án đúc 1000 con rồng thời Lý làm quà lưu niệm biểu trưng cho Đại lễ 1000 năm Thăng Long- Hà Nội. Đây là dự án đã được chị ấp ủ từ lâu bởi mong muốn lớp trẻ như mình phải làm gì đó để chào mừng ngày Đại lễ của dân tộc. Hơn nữa, chị cũng là một người con của Hà Nội, phải làm gì để khắc hoạ được vẻ đẹp của thủ đô ngàn năm văn hiến? Cái tên Thăng Long- thành phố rồng bay đã gợi cho chị ý tưởng làm về chính những con rồng thời Lý- con rồng duy nhất người Việt sáng tạo ra. Để có được những hình ảnh chuẩn xác nhất về rồng thời Lý, Diệu Hương đã học hỏi và tham khảo nhiều ý kiến của các nhà sử học, điêu khắc trong nước. Mẫu rồng đã hoàn thiện và những công đoạn đúc sản phẩm đang được tiến hành. Dự kiến 1000 con rồng sẽ ra mắt công chúng khoảng 1 đến 2 tháng trước ngày Đại lễ. Khi hoàn thiện, Công ty cũng sẽ tổ chức lễ cầu an tại Hà Nội. Nhiều người khi biết đến dự án đã cho rằng Công ty đang muốn PR cho tên tuổi mình, nhưng với giám đốc Lê Diệu Hương thì dự án đó chỉ đơn giản là lòng say mê và sự tri ân với lịch sử 1000 năm của đất Thăng Long, mảnh đất đã dung dưỡng cho nghề đồng Ngũ Xá phát triển đến ngày nay.
Hiện giờ, trong những tất bật của công việc kinh doanh thì niềm đau đáu lớn nhất của Lê Diệu Hương vẫn là làm sao truyền được nghề, giữ được nghề của cha ông. Chị tâm sự: thời gian trước, nghề đồng rất khó phát triển và càng khó thu hút những bạn trẻ. Cuộc sống có thêm nhiều hướng mới nên không còn nhiều người quan tâm tới nghề truyền thống này, nhất là khi đây lại là nghề rất vất vả, đòi hỏi sự kiên trì. Nghề giờ có phát triển hơn nhưng tìm được người thực sự say nghề để truyền nghề cũng không hề dễ dàng. Mong ước lớn nhất của chị lúc này chính là truyền được tình yêu với các bạn trẻ, làm sao họ quay lại với nghề truyền thống của cha ông và yêu hơn nền văn hoá giàu bản sắc của người Việt. Chị bảo, giờ mình được lợi hơn các cụ ngày xưa ở thông tin, và chị sẽ dùng chính phương tiện ấy để đem nghề đúc đồng truyền thống đến gần với những người trẻ. Ở tuổi 33, con đường trước mắt Diệu Hương vẫn còn rất dài, nhưng với lòng yêu nghề và một cái tâm thì chắc chắn nghề sẽ chẳng phụ chị.
Khánh Nguyên