• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Bảo tồn và phát huy giá trị di sản: Bài 2 - Quan tâm, khai bền vững di sản văn hóa Việt Nam

Văn hoá 18/08/2023 14:04

(Tổ Quốc) - Theo số liệu của Cục Di sản văn hóa (Bộ VHTTDL) cả nước đã kiểm kê được hơn 40.000 di tích lịch sử - văn hóa và danh lam thắng cảnh. Cùng với các di sản thế giới được UNESCO ghi danh, hàng trăm di tích quốc gia đặc biệt, hàng ngàn di tích cấp quốc gia, cấp tỉnh và các di sản văn hóa phi vật thể trải rộng trên cả nước. Di sản được coi là tài sản văn hóa, vô giá đối với cộng đồng, dân tộc, quốc gia và đóng góp vào công cuộc phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, đất nước.

Quan tâm bảo tồn, tôn tạo và phát huy các giá trị di sản

Di sản văn hóa ngày càng khẳng định được vai trò và vị trí quan trọng trong đời sống xã hội, trực tiếp đóng góp vào công cuộc phát triển kinh tế xã hội của các địa phương nơi có di sản. Nghị quyết Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đã xác định 1 trong 3 đột phá chiến lược và sáu nhiệm vụ trọng tâm trong nhiệm kỳ Đại hội XIII, đó là "Phát huy giá trị văn hóa, sức mạnh con người Việt Nam trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, hội nhập quốc tế".

Bảo tồn và phát huy bền vững giá trị di sản văn hóa Việt Nam - Ảnh 1.

Từ di sản cần "cứu trợ", Quần thể di tích cố đô Huế đã trở thành Di sản văn hóa thế giới với giá trị nổi bật toàn cầu

Tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc vào tháng 11/2021, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh: "Nhìn lại những thành tựu trên lĩnh vực xây dựng và phát triển văn hóa Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Đảng, đặc biệt là trong 35 năm đổi mới gần đây, chúng ta có quyền tự hào về những đóng góp to lớn của nền văn hóa vào sự nghiệp cứu quốc và kiến quốc. Những thành tựu nổi bật cần khẳng định là nhận thức về văn hóa ngày càng toàn diện và sâu sắc hơn trên các lĩnh vực, các loại hình; các sản phẩm văn hóa ngày càng đa dạng, phong phú, đáp ứng yêu cầu mới, nhiều mặt của xã hội. Nhiều giá trị văn hóa truyền thống và di sản văn hóa của dân tộc được kế thừa, bảo tồn và phát triển".

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã khẳng định "quan tâm hơn nữa đến việc bảo tồn, tôn tạo và phát huy các giá trị văn hóa dân tộc, các giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể của các vùng, miền, của đồng bào các dân tộc, kết hợp với tiếp thu tinh hoa văn hóa của thời đại, phát triển "sức mạnh mềm" của văn hóa Việt Nam, góp phần nâng cao sức mạnh tổng hợp quốc gia trong thời gian tới" là một trong những giải pháp để chấn hưng văn hóa dân tộc trong bối cảnh hiện nay.

Trước đó, Chương trình Bảo tồn và phát huy bền vững giá trị di sản văn hóa Việt Nam giai đoạn 2021-2025 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt (Quyết định 230/QĐ-TTg ngày 15/7/2021). Mục tiêu của Chương trình là bảo tồn và phát huy giá trị các di sản, các công trình có giá trị tiêu biểu quốc gia, có ý nghĩa chính trị, văn hóa, lịch sử, truyền thống đặc sắc, góp phần xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam vì sự phát triển bền vững đất nước.

Nhiệm vụ chủ yếu của Chương trình là tu bổ, tôn tạo tổng thể các di tích lịch sử-văn hóa, kiến trúc nghệ thuật, danh lam thắng cảnh, khảo cổ được UNESCO ghi danh, cấp quốc gia đặc biệt và các di tích quốc gia có giá trị tiêu biểu. Cụ thể, đầu tư tu bổ, tôn tạo tổng thể ít nhất 3 di sản đã được UNECO ghi danh và 13 di tích quốc gia đặc biệt; đầu tư tu bổ ít nhất 11 di tích cách mạng - kháng chiến quan trọng, tiêu biểu trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ và 6 di tích khảo cổ tiêu biểu; đầu tư tu bổ, tôn tạo ít nhất 20 di tích lịch sử - văn hóa, kiến trúc nghệ thuật, danh lam thắng cảnh, khảo cổ cấp quốc gia có giá trị đang bị xuống cấp.

Để cụ thể hóa các quan điểm, chính sách của Đảng, pháp luật của nhà nước, Bộ VHTTDL đã xây dựng, trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Chiến lược phát triển văn hóa đến năm 2030, trong đó "Bảo vệ và phát huy giá trị các di sản văn hóa dân tộc" là một trong các nhiệm vụ, giải pháp chính thực hiện Chiến lược.

Bảo tồn và phát huy bền vững giá trị di sản văn hóa Việt Nam - Ảnh 2.

Làng cổ Đường Lâm có nhiều hộ triển khai dịch vụ du lịch, có thu nhập ổn định

Có thể khẳng định, trong những năm qua, công cuộc bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa của Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu khả quan, góp phần bảo vệ, lưu giữ, trao truyền các giá trị văn hóa của quá khứ, đồng thời, khai thác tốt phương diện kinh tế của di sản, đóng góp hiệu quả cho ngân sách quốc gia.

Năm 1993, Quần thể di tích cố đô Huế là di sản đầu tiên ở Việt Nam được UNESCO ghi danh vào danh sách Di sản văn hóa thế giới với giá trị nổi bật toàn cầu biểu trưng cho một kinh đô phong kiến phương Đông vào thế kỷ XIX. Trước thời điểm được vinh danh, phần lớn di tích trong khuôn viên cố đô Huế đã xuống cấp nghiêm trọng, nhiều di tích trở thành phế tích. Nhờ sự vào cuộc của chính quyền địa phương, các chuyên gia về bảo tồn, bảo tàng ở trong nước và quốc tế, sau một thời gian, Quần thể di tích cố đô Huế từ chỗ được UNESCO đánh giá là di sản cần được cứu trợ khẩn cấp đã "lột xác" trở thành một điểm đến di sản hấp dẫn, đi đầu trong việc ứng dụng công nghệ số để phát triển du lịch. Đến nay, mỗi năm Quần thể di tích Cố đô Huế đã thu về hàng trăm tỉ đồng từ dịch vụ bán vé. Các di sản khác của Việt Nam cũng đem lại nguồn thu lớn từ dịch vụ du lịch, vé tham quan như Vịnh Hạ Long, Phong Nha-Kẻ Bàng, Đô thị cổ Hội An…

Hài hòa lợi ích để phát triển bền vững

Di sản đem lại nguồn lợi to lớn trong phát triển kinh tế, du lịch. Tuy nhiên, nhiều địa phương phải đối mặt với thách thức, khó khăn trong việc xử lý hài hòa mối quan hệ giữa bảo tồn và phát triển, giữ gìn và khai thác, mục tiêu kinh tế và mục tiêu văn hóa.

Tròn 10 năm trước, năm 2013, câu chuyện người dân làng cổ Đường Lâm (Hà Nội) xin trả lại danh hiệu di tích quốc gia gây xôn xao dư luận. Lý do là nhiều ngôi nhà cổ bị xuống cấp, người dân không được tự xây sửa, khiến cho cuộc sống, sinh hoạt rất khổ. Trong khi đó, dù được xếp hạng là di tích quốc gia từ năm 2005 nhưng đến thời điểm đó, địa phương vẫn chưa hoàn thành quy hoạch.

Bảo tồn và phát huy bền vững giá trị di sản văn hóa Việt Nam - Ảnh 3.

Các di sản của Việt Nam đem lại nguồn lợi kinh tế

Xác định phát triển du lịch là mục tiêu mũi nhọn trong phát triển kinh tế - xã hội của thị xã, trong những năm qua, Sơn Tây đã ban hành nhiều văn bản để lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện hiệu quả công tác bảo tồn và phát huy giá trị di tích làng cổ.

Thị xã đã tổ chức các lớp tập huấn về thực hiện Quy hoạch bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị di tích làng cổ Đường Lâm, phát triển du lịch cho các hộ dân tại di tích, quản lý trật tự xây dựng, đào tạo bồi dưỡng kỹ năng về chuyên môn cho đội ngũ nhân lực làm công tác du lịch trên địa bàn. Ngoài ra, thị xã cũng phối hợp với Cục Du lịch quốc gia Việt Nam, Sở Du lịch Hà Nội và các công ty lữ hành tổ chức nhiều lớp tập huấn cho người dân tại làng cổ về cách làm các sản phẩm du lịch phục vụ du khách, triển khai mô hình dịch vụ, du lịch Homestay tới các gia đình có nhà cổ, đến nay, đã có nhiều hộ triển khai dịch vụ du lịch, có thu nhập ổn định.

Tương tự, câu chuyện hài hòa lợi ích của người dân trong vùng di sản ở Hội An là bài học trong quản lý, bảo tồn và phát huy giá trị di sản.

Bảo tồn và phát huy bền vững giá trị di sản văn hóa Việt Nam - Ảnh 4.

Du khách tham quan phố cổ Hội An

Cụ thể là Hội An hiện có đến 06 quy chế quy định từng lĩnh vực như: Quy chế về quản lý, tu bổ, sử dụng khu phố cổ; quy chế về trật tự kinh doanh; quy chế về biển hiệu quảng cáo; quy chế về tham quan, du lịch; quy chế về hoạt động du lịch trên sông; quy chế về các cơ chế phối hợp quản lý di sản. Các quy chế này quy định, chi phối cơ chế quản lý, sử dụng di tích; quy định việc buôn bán, làm du lịch trong di tích; quy định các hạng mục sửa chữa, thời gian cho phép sửa chữa các di tích, nhất là những di tích hạng 1, hạng 2 và cả hạng đặc biệt…

Tất cả những quy chế này đều được chính quyền TP.Hội An công khai, minh bạch để người dân nắm bắt, đồng thuận và tham gia thực hiện. Cùng với đó, để đưa các quy chế đi vào cuộc sống, từ nhiều năm qua chính quyền TP.Hội An đã ban hành một "cẩm nang" để các chủ di tích căn cứ thực hiện. Trong "cẩm nang" này đã chi tiết từng nội dung, lĩnh vực, đặc biệt là chi tiết từng ngôi nhà cổ thuộc hạng nào, thuộc khu vực nào, khi muốn sửa thì được sửa những gì, hạng mục nào; thời gian sửa chữa; thời gian cấp phép bao lâu…Điều đáng nói nữa là Hội An rất coi trọng vấn đề bảo tồn di sản đi đôi với chia sẻ lợi ích cho cộng đồng. Khi lợi ích đem lại cho cộng đồng thì lợi ích đó phải được chia sẻ cho từng đối tượng có liên quan. Với những người trực tiếp sở hữu di tích, TP ưu tiên những quyền lợi cho đối tượng này tùy vào loại di tích, cấp độ của di tích mà họ sở hữu, sử dụng.

Kinh nghiệm bảo tồn di sản ở Huế, làng cổ Đường Lâm và phố cổ Hội An... chỉ là số ít trong rất nhiều bài học về bảo tồn di sản ở Việt Nam, có thể áp dụng cho nhiều di sản đang đứng trước thách thức về sự tồn tại, bảo vệ và phát huy giá trị./.

Hồng Hà

NỔI BẬT TRANG CHỦ