(Tổ Quốc) - "Bộ VHTTDL có nhiều nỗ lực, đổi mới cách thức tiếp cận và tư duy quản lý, nhất là chuyển tư duy từ làm văn hóa sang quản lý nhà nước về văn hóa" - đó là đánh giá của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ khi ghi nhận về công tác xây dựng thể chế của Bộ VHTTDL tại buổi làm việc với tập thể lãnh đạo Bộ VHTTDL vào tháng 3/2023. Đó là sự ghi nhận về những nỗ lực trong việc thay đổi tư duy toàn ngành Văn hóa trong nửa nhiệm kỳ qua nhằm kiến tạo để đưa lĩnh vực Văn hóa phát triển ngang tầm với chính trị, kinh tế.
Thay đổi toàn diện tư duy từ làm văn hóa sang quản lý nhà nước về văn hóa
Từ Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII, phát biểu chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc 2021 cho đến Hội thảo Văn hóa 2022, quan điểm chỉ đạo của Đảng, Nhà nước, Quốc hội về tháo gỡ “điểm nghẽn”, hoàn thiện thể chế, chính sách, tạo động lực phát triển văn hóa tiếp tục được khẳng định rõ nét. “Cánh cửa” về thể chế, chính sách tạo đột phá cho phát triển văn hóa đã mở rộng; thúc đẩy sự quan tâm, đầu tư xứng tầm cho văn hóa.
Để có thể cụ thể hóa hết các chủ trương, quan điểm của Nghị quyết Đại hội Đảng khóa XIII về lĩnh vực Văn hóa, bên cạnh với việc phát huy sức mạnh tổng hợp, đòi hỏi cần có một tư duy quản lý đổi mới mang tầm chiến lược đến từ người đứng đầu các cơ quan tham mưu cho Đảng, Nhà nước trong lĩnh vực này.
Ngay từ đầu nhiệm kỳ, Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Văn Hùng đã xác định văn hóa chính là "dây cương" khi ví von Văn hóa- Thể thao- Du lịch là một "cỗ xe tam mã".
"Văn hóa chỉ có thể phát huy hiệu quả khi đầu tư cho văn hóa phải thực sự được chú trọng thông qua các chiến lược, chương trình và lộ trình phù hợp. Nhận thức này cũng chính là nền tảng cho các nỗ lực của Bộ VHTTDL trong việc xây dựng, triển khai các chiến lược, kế hoạch và chương trình cũng như hoàn thiện khung khổ chính sách văn hóa nhằm tạo môi trường vận hành tốt nhất cho văn hóa" - Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng đã nhiều lần khẳng định.
Với tinh thần chủ động, nghiêm túc, quyết liệt, linh hoạt, việc thay đổi tư duy từ làm văn hóa sang quản lý nhà nước về văn hóa bằng công cụ pháp luật được Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng cụ thể hóa với nhiều giải pháp thiết thực, hiệu quả.
Năm 2022, gắn với việc tiếp tục tập trung thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng ở lĩnh vực Văn hóa, Thể thao và Du lịch, tổ chức thực hiện có hiệu quả Kết luận chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc, Bộ VHTTDL đã lựa chọn chủ đề công tác năm là “Năm xây dựng môi trường văn hóa cơ sở và công tác tổ chức cán bộ”, trong đó môi trường văn hóa là trọng tâm, là trung tâm để thúc đẩy cho Du lịch và Thể thao phát triển.
Bộ xác định xây dựng môi trường văn hóa phải tạo ra được sản phẩm là hoạt động văn hóa, thiết chế văn hóa, cảnh quan văn hóa, ứng xử văn hóa, nếp sống văn hóa… cùng với xây dựng con người Việt Nam thời kỳ đổi mới là nhiệm vụ quan trọng để góp phần xây dựng, giữ gìn, chấn hưng và phát triển nền văn hóa của dân tộc.
Có thể thấy rằng, chỉ sau hơn 2 năm triển khai thực hiện bằng sự vào cuộc đồng bộ từ các cơ quan chuyên môn của ngành, một trong những khâu đột phá tạo ra "cú hích" của ngành VHTTDL đó chính là hoàn thiện thể chế chính sách để không chỉ tạo điều kiện cho quản lý nhà nước mà còn mục đích kiến tạo và phát triển.
Theo đó, 2 bộ luật quan trọng mà Bộ VHTTDL đã chủ trì tham mưu Chính phủ trình Quốc hội đã được thông qua trong hai kỳ họp liên tiếp đó là: Luật Điện ảnh (sửa đổi); Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi). Phối hợp để cùng tham mưu Chính phủ trình Quốc hội ban hành Luật Sở hữu trí tuệ (sửa đổi); Luật Thi đua khen thưởng (sửa đổi)…
Với sự tham mưu tích cực của Bộ VHTTDL, tháng 12/2022, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết thống nhất về sự cần thiết và mục đích xây dựng Đề nghị xây dựng Luật Di sản văn hóa (sửa đổi) nhằm thể chế hóa đầy đủ các chủ trương, chính sách của Đảng về bảo vệ, phát huy giá trị của di sản văn hóa; Tạo cơ sở pháp lý đầy đủ, hệ thống pháp luật đồng bộ, thống nhất; đẩy mạnh phân công, phân cấp và xã hội hóa công tác bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa; giải quyết hài hòa mối quan hệ giữa bảo tồn di sản văn hóa và phát triển, giữa các vấn đề liên quan tới quyền văn hóa, quyền con người vì mục tiêu phát triển bền vững.
Nằm trong chuỗi các hoạt động kỷ niệm 80 năm ra đời Đề cương Văn hóa Việt Nam (1943-2023), ngày 27/2/2023, 4 cơ quan Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ VHTTDL, Hội đồng Lý luận Trung ương và Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh đã phối hợp tổ chức Hội thảo "80 năm Đề cương về Văn hóa Việt Nam - Khởi nguồn và động lực phát triển" với mục đích khẳng định và phát huy những giá trị cốt lỗi của một văn kiện lịch sử - Đề cương về văn hóa Việt Nam.
Với sự khởi nguồn từ bản Đề cương về văn hóa Việt Nam về xây dựng một nền văn hóa mới và khát vọng chấn hưng, phát triển nền văn hóa Việt Nam, một trong những giải pháp quan trọng được đề ra tại Hội thảo đó là: hoàn thiện thể chế, pháp luật và chính sách tạo môi trường cho các hoạt động văn hóa và huy động nguồn lực cho phát triển văn hoá, con người.
Trong đó, tập trung tháo gỡ những điểm nghẽn, vướng mắc trong huy động, phân bổ các nguồn lực từ cả Nhà nước và xã hội, nhất là về các cơ chế phân cấp, phân quyền, hợp tác công – tư, khuyến khích các doanh nghiệp, người dân tham gia bảo tồn, phát triển văn hóa, nghệ thuật… khắc phục tình trạng đầu tư dàn trải, nhỏ giọt, kéo dài; xây dựng, tổ chức thực hiện thật sự hiệu quả các chương trình, kế hoạch, dự án phát triển văn hoá, con người trong giai đoạn tới.
Nhìn lại nửa nhiệm kỳ qua, nguồn lực đầu tư cho văn hóa từng bước được khơi thông. Bộ VHTTDL đã tham mưu, báo cáo với Trung ương, Chính phủ, Quốc hội và Hội nghị Trung ương 6 khóa XIII đã thông qua nhiều chủ trương hết sức quan trọng của đất nước, trong đó có lĩnh vực văn hóa, đặc biệt là xây dựng và triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia về chấn hưng và phát triển văn hoá. Đây là nhiệm vụ mà Bộ đang rất nỗ lực, tích cực phối hợp với các địa phương để triển khai.
Bộ VHTTDL có nhiều nỗ lực, đổi mới cách thức tiếp cận và tư duy quản lý
Một điểm nhấn rất quan trọng, mang tính đột phá trong vấn đề thể chế, chính sách đó là Bộ VHTTDL đã tham mưu để Quốc hội chủ trì tổ chức thành công Hội thảo văn hóa năm 2022 với chủ đề "Thể chế, chính sách và nguồn lực cho phát triển văn hóa".
Hội thảo do Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ chủ trì với sự tham gia của hơn 800 đại biểu nhằm rà soát, phân tích hệ thống chủ trương, nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về phát triển văn hóa.
Đồng thời, đánh giá tình hình thực hiện các chủ trương, nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về phát triển văn hóa; việc huy động, bố trí nguồn lực cho bảo tồn và phát triển văn hóa và các vấn đề đặt ra. Đề xuất, kiến nghị hoàn thiện thể chế, chính sách và các giải pháp đẩy mạnh các nguồn lực cho bảo tồn, phát triển văn hóa.
Tại Hội thảo Văn hóa năm 2022, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh: "9 nhóm chính sách lớn, quan trọng cần được tập trung nghiên cứu, thể chế hóa để tháo gỡ các điểm nghẽn, tạo sự phát triển đột phá cho phát triển văn hóa, bao gồm: chính sách phát triển con người Việt Nam toàn diện; chính sách xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh; chính sách nâng cao hiệu quả thông tin tuyên truyền và giáo dục văn hóa; chính sách bảo tồn, phát huy các giá trị di sản văn hóa dân tộc; chính sách thúc đẩy sự phát triển văn học nghệ thuật; chính sách phát triển công nghiệp văn hóa; chính sách về đẩy mạnh chuyển đổi số và ứng dụng các thành tựu khoa học công nghệ trong lĩnh vực văn hóa; chính sách phát triển nguồn nhân lực văn hóa; chính sách thúc đẩy hội nhập quốc tế về văn hóa, tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại".
Chưa đầy một năm sau khi chủ trì Hội thảo Văn hóa năm 2022, cuối tháng 3/2023, Chủ tịch Quốc hội đã có buổi làm việc với lãnh đạo Bộ VHTTDL ngay tại trụ sở của Bộ.
Phát biểu kết luận buổi làm việc, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ ghi nhận và đánh giá cao công tác xây dựng thể chế: "Bộ VHTTDL có nhiều nỗ lực, đổi mới cách thức tiếp cận và tư duy quản lý, triển khai thực hiện nhiệm vụ với tinh thần chủ động, nghiêm túc, quyết liệt, linh hoạt, nhất là chuyển tư duy từ làm văn hóa sang quản lý nhà nước về văn hóa, chú trọng công tác xây dựng pháp luật".
Tinh thần từ buổi làm việc của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ với Bộ VHTTDL và Hội thảo Văn hóa năm 2022 do Quốc hội - Cơ quan quyền lực Nhà nước cao nhất và duy nhất có quyền lập hiến và lập pháp tổ chức đã cho thấy yêu cầu cấp bách nhằm tháo gỡ những tồn tại, vướng mắc về thể chế chính sách của ngành Văn hóa để tạo ra sức mạnh nội sinh, động lực cho các mục tiêu phát triển đất nước mà Đại hội Đảng lần thứ XIII đã đề ra./.