• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Núi Bà Đen nơi có nhiều huyền thoại

Du lịch 17/11/2008 09:41

(Toquoc)- Núi Bà Đen, một ngọn núi cao và đẹp nằm giữa vùng đồng bằng Nam Bộ, cách thị xã Tây Ninh 11 km về hướng Đông Bắc. Núi Bà Đen là món quà độc đáo mà thiên nhiên đã ban tặng cho con người.

(Toquoc)- Núi Bà Đen, một ngọn núi cao và đẹp nằm giữa vùng đồng bằng Nam Bộ, cách thị xã Tây Ninh 11 km về hướng Đông Bắc. Núi Bà Đen là món quà độc đáo mà thiên nhiên đã ban tặng cho con người.

Núi Bà Đen Tây Ninh ngày nay là một trong những điểm du lịch nổi tiếng của cả nước. Núi Bà Đen có một sức hấp dẫn con người kỳ lạ như vậy bởi ngoài cảnh đẹp thiên nhiên với núi non hùng vĩ còn chứa đựng nhiều huyền thoại, sự tích.     

Điện thờ Linh sơn Thánh Mẫu

Ngoài huyền thoại về sự linh thiêng của vị Linh Sơn Thánh Mẫu được thờ ở chùa Bà, núi Bà Đen còn gắn với nhiều huyền thoại lạ lùng trên từng tảng đá, khe suối. Trên đoạn đường chùa Bà lên Chùa Hang chừng mươi bước du khách sẽ thấy ngay một tảng đá to lớn, cao hơn 3 mét, nứt làm hai hiện ra một lối đi ở giữa trông hết sức kỳ thú. Tảng đá nứt hai ấy gắn liền với huyền thoại mà trong quyển “Tây Ninh xưa và nay”, tác giả Huỳnh Minh đã viết: Ngày xưa khách hành hương khi lên núi Điện Bà, muốn viếng chùa Hang phải đi vòng xuống suối rất cực nhọc khó khăn. Sở dĩ như vậy là vì giữa đường đi có một tảng đá to chặn lấp. Lúc bấy giờ vị tổ thứ ba của Linh Sơn tự là Tánh Thiền thương cảm trước cảnh bá tánh phải vất vả đi vòng quanh như vậy nên đêm đêm Đại sư đến bên ông Đá thành tâm khấn nguyện tụng kinh Kim Cang và khấn nguyện mong chư Phật Thánh Tiên phù trợ giúp đỡ. Và đến một đêm nọ chuyện lạ xảy ra: tảng đá lớn tự dưng chuyển động và bỗng chốc nứt làm hai, dịch ra thành một lối đi nhỏ, chừng 2 mét. Tảng đá ấy theo như huyền thoại trên, qua bao năm tháng ngày nay vẫn còn.

Cũng trong nhiều tài liệu về núi Bà Đen có nói đến một tảng đá mà nơi ấy còn lưu rõ dấu một bàn chân to lớn mà theo huyền thoại từ xưa lưu truyền thì dấu chân in trên đá là của một ông khổng lồ. Thuở xưa ở vùng đất này, có một vị thần thân hình to lớn. Ông có một người vợ trẻ đẹp. Một hôm, sau khi đi công việc về ông không thấy vợ đâu chỉ thấy một con quạ bay ngang cất tiếng trêu chọc ông. Tức giận vì mất vợ và nghe quạ đối đáp vô lễ, ông khổng lồ bèn cầm một tảng đá rượt theo ném con quạ. Tảng đá ném không trúng được quạ mà rơi đúng trên một cây dầu cổ thụ ở Trại Bí thuộc xã Tân Phong huyện Tân Biên ngày nay. Mọi người lưu truyền rằng trên đọan đường lên chùa Bà đến khu vực Tháp Tổ khách tham quan có thể tìm thấy có một tảng đá còn hằn rõ dấu chân to lớn mà theo huyền thoại là dấu chân của Ông Khổng Lồ. Dấu chân ấy đã dần biến mất theo thời gian.

Có biết bao điều huyền bí được mọi người truyền tụng trên ngọn núi Bà Đen, thế nhưng trên ngọn núi này qua bao năm tháng cho đến nay có một điều lạ mà hầu như mọi người không ai giải thích được đó là con suối chảy quanh sườn núi bên dưới luôn óng ánh cát vàng. “Suối Vàng” nước chảy quanh năm nước trong vắt mát lạnh, cát vẫn luôn ngời chiếu sắc vàng, thách thức những lời giải thích. Nhiều người cho rằng đây là vàng non, báo hiệu một mỏ vàng trong tương lai… Dù có mỏ vàng hay không nhưng khi bước chân lên núi Bà Đen, du khách có thể dừng chân nghỉ mệt, rửa mặt bên dòng suối óng ánh cát vàng này.

Còn biết bao nhiêu truyền thuyết chưa khai thác hết ở khu di tích Lịch sử núi Bà Đen. Gần đây căn cứ Phòng Hơi ở địa phận huyện Dương Minh Châu cũng đang được những người từng tham gia cách mạng của huyện này tìm về và tổ chức kỷ niệm những ngày huyện ủy Dương Minh Châu lấy đây làm nơi đóng quân. Động Thanh Long có thể hiểu ngay được cái tên vì những dây thanh long mọc xanh tốt. Hang Gió cũng có thể rất dễ hiểu. Nhưng còn Hang Hổ thì có phải là nơi ngày xưa hổ làm nơi sinh sống? Trên đỉnh Núi Bà, nơi hiện đang đặt Trạm phát sóng truyền hình Tây Ninh cũng còn là một nơi chưa khai thác hết những chuyện đã xẩy ra trong những năm dài kháng chiến, nơi ta và địch giành giật từng ngày. Thời gian rồi sẽ xoá nhoà tất cả. Nếu được tổ chức, thì chuyện đỉnh núi cũng là một kho để khai thác. Hàng năm, cứ đến ngày 14 tháng giêng âm lịch, Huyện ủy Hòa Thành đều tổ chức trọng thể lễ họp mặt truyền Động Kim Quang để tưởng niệm những người đã hy sinh vì sự nghiệp giải phóng dân tộc. Những người đến đây, cả thế hệ ngày trước và ngày nay đã dành phút giây yên lặng để vẳng nghe tiếng vọng của hồn thiêng sông núi, kính cẩn nghiêng mình trước vong linh của những người đã mất từ Động Kim Quang để quyết tử bảo vệ từng tất đất quê hương làm nên huyền thoại lịch sử cho muôn đời sau. Rất tiếc, nó vẫn chỉ là những câu chuyệt truyền miệng, hoặc cũng mới chỉ được ghi vài dòng trong lịch sử. Nếu khai thác được, chúng ta sẽ có những trang viết sống động về những người đã từng kiên cường bám trụ tại đây trong những ngày kháng chiến vĩ đại xưa. Nhất là những người từng sống, chiến đấu ở đây đang vắng dần.

Quá nhiều huyền thoại về những di tích trên núi Bà Đen. Xin nhắc lại vài cái tên: Động Thanh Long với những dây thanh long chịu nắng chịu mưa bám trên đá mà sống. Hang Hổ, nơi người ta truyền tụng rằng ngày xưa là nơi trú ẩn của một vị chúa sơn lâm sống thành tinh, nhưng chưa hại một ai. Còn Hang gió, nơi khách có thể dừng chân tận hưởng ngọn gió kỳ bí từ đâu đó thổi về làm mát rượi bước chân hành hương. Còn Chùa Hang… Núi Bà Đen, nơi nào có tên gọi, nơi đó có huyền thoại. Nhưng làm thế nào để những huyền thoại được ghi lại trên những trang sách để truyền tụng lâu dài cho thế hệ mai sau?

Nguyễn Đức Thiện

NỔI BẬT TRANG CHỦ