• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Nuôi chim cút thu lãi gần trăm triệu đồng mỗi tháng

Kinh tế 23/12/2017 05:58

(Tổ Quốc) - Nhờ sự đam mê học hỏi, vợ chồng anh Ngọc hiện đã là chủ của một trang trại chim cút lớn, mỗi tháng thu về gần cả trăm triệu đồng.

Mỗi tháng thu gần trăm triệu đồng

Chúng tôi tìm về trang trại chim cút của gia đìnhh anh Nguyễn Quang Ngọc (SN 1984) và chị Phan Thị Thu (SN 1986) ở thôn Tân Thượng Hải, xã Ngư Thủy Trung, huyện Lệ Thủy, Quảng Bình.

Dẫn chúng tôi đi thăm từng trại nuôi chim cút, chị Phan Thị Thu cho biết, hiện trang trại của vợ chồng chị có tổng diện tích trên 2 ha, trong đó chia làm 3 trại nuôi từ 25.000 đến 35.000 con chim cút với công nghệ nuôi khép kín.

Trung bình mỗi ngày, vợ chồng anh chị xuất bán ra thị trường khoảng 10.000 trứng cút lộn, 7.000 trứng cút ngang và khoảng 250 con chim cút thịt. Trứng và chim cút thịt được vợ chồng anh chị cung cấp thường xuyên cho thị trường trong và ngoài tỉnh. Nếu tính riêng thu nhập từ bán chim và trứng cút, mỗi tháng gia đình anh chị lãi khoảng 60-70 triệu đồng.

Chị Thu cho biết: “Chim cút bắt đầu đẻ trứng sau khoảng 35 ngày tuổi. Nếu chăm sóc đúng kỹ thuật, mỗi con chim đẻ 1 quả trứng/ngày. Trứng chim cút được cho vào 6 lò ấp để tạo thành trứng lộn và nguồn giống mới cho các lứa sau. Khi nào thấy năng suất đẻ trứng giảm thì sẽ xả đàn”.

Theo chị Thu, chim cút rất ít khi bị dịch và hầu như không bị dịch. Chỉ cần vệ sinh chuồng trại, khử mùi khử trùng thường xuyên cho thoáng mát, khô ráo.

Ngoài thu nhập từ trứng và chim cút, gia đình chị Thu cũng tận dụng phân chim cút làm thức ăn nuôi cá và bán cho những gia đình sản xuất nông nghiệp. Với diện tích mặt hồ nuôi cá khoảng 1ha, gia đình anh chị thu lãi gần 500 triệu đồng/năm.

Từ nguồn thu của trang trại, anh Ngọc đã đầu tư mua 2 xe ô tô tải để vận chuyển các sản phẩm từ chim cút đi tiêu thụ và kinh doanh dịch vụ vận tải trên địa bàn.

 Mỗi tháng, gia đình chị Thu lãi khoảng 60-70 triệu đồng từ việc bán trứng và chim cút.

Những ngày đầu gian khó

Để có được một trang trại lớn với nguồn thu như bây giờ, vợ chồng chị Thu đã trải qua những ngày đầu lập nghiệp rất khó khăn.

Chị kể, trước đây vợ chồng anh chị chỉ học đến cấp 2, sau đó cùng vào miền nam làm công nhân. Khi có ý định kết hôn, cả hai về quê làm đám cưới và lập nghiệp.

Hoàn cảnh gia đình hai bên đều khó khăn, vợ chồng chị vay vốn 30 triệu mua lưới về đánh cá. Làm được một thời gian, vợ chồng anh chị lại chuyển sang nuôi cá lồng, nhưng đều không hiệu quả nên anh chị từ bỏ.

Năm 2005, nghe đứa cháu mách trong Quảng Ngãi người dân làm trang trại nhiều mà rất thành công nên anh Ngọc quyết định vào đó học hỏi. Sau một tháng, anh trở về mang theo 2.000 con chim cút úm.

Không có vốn làm trang trại, anh Ngọc tự làm lồng bằng gỗ rồi đưa vào trong nhà nuôi nhưng vì môi trường không đảm bảo, lại chưa có nhiều kinh nghiệm nên số chim cút chết còn 1.600 con.

Đến một ngày, anh Ngọc thấy một quả trứng rơi ra từ lồng chim. Anh vui mừng đến nỗi cầm quả trứng trên tay và hét lên với vợ: “Chim đẻ rồi em ơi!”.

“Lúc đó, cả hai vợ chồng vui mừng nhìn quả trứng đầu tiên. Sau đó dần dần, hầu hết các chim mẹ đều đẻ trứng, số lượng trứng ngày càng nhiều. Thời điểm đó, hầu như người dân ở mình chưa biết đến trứng cút, chim cút. Vợ chồng tôi đã tìm đến các nhà hàng để chào hàng, sau đó dần dần cũng tìm được mối ở nhiều nơi. Sau khi nuôi thành công và tìm được đầu ra, anh Ngọc lại vay tiền để gây dựng trang trại”, chị Thu tâm sự.

Để nâng cao hiệu quả cho trang trại chim cút của mình, anh Ngọc lên mạng tìm công nghệ nuôi khép kín. Sau đó, anh ra Hà Nội tham quan các trang trại chim cút mà họ nuôi thành công, học cách nuôi để về áp dụng cho trang trại của mình. Theo công nghệ này, anh đã đầu tư số vốn khoảng 5 tỷ đồng, với quy trình chăn nuôi đã được tự động hóa.

Đến thời điểm hiện tại, trang trại của vợ chồng chị Thu không những tạo ra nguồn thu rất lớn cho gia đình chị, mà còn tạo việc làm cho nhiều lao động ở địa phương.

Ông Nguyễn Quang Kiền, Chủ tich Hội Nông dân xã Ngư Thủy Trung cho biết: “Vợ chồng anh Ngọc, chị Thu còn trẻ nhưng rất năng động, sáng tạo trong làm ăn kinh tế. Mô hình của họ đã tạo việc làm cho nhiều lao động địa phương và giúp đỡ vốn, vật tư nông nghiệp cho hàng chục hộ nông dân khác trong xã vươn lên thoát nghèo”.

Hải Thanh

Hải Thanh

NỔI BẬT TRANG CHỦ