• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Ở nơi trường học ấm áp như ở nhà

Giáo dục 08/10/2017 08:37

(Tổ Quốc) - Trường PT Dân tộc nội trú THPT tỉnh Tuyên Quang trải qua hơn 50 năm xây dựng và trưởng thành đã khắc phục mọi khó khăn, không ngừng lớn mạnh về mọi mặt và đã đào tạo được hàng nghìn học sinh thuộc các thế hệ là con em các Dân tộc tỉnh Tuyên Quang, Hà Giang.

Ngôi trường “đa văn hóa”

Trường PT Dân tộc nội trú THPT tỉnh Tuyên Quang được thành lập từ năm 1959 với tên gọi ban đầu là Trường Thiếu nhi rẻo cao. Trải qua hơn 50 năm xây dựng và trưởng thành, nhà trường đã khắc phục mọi khó khăn, phát huy những thành quả đã có, không ngừng lớn mạnh về mọi mặt và đã đào tạo được hàng nghìn học sinh thuộc các thế hệ là con em các Dân tộc tỉnh Tuyên Quang, Hà Giang.

Cô Đỗ Thị Kim Anh (Hiệu trưởng trường PTDTNT THPT tỉnh Tuyên Quang) cho biết, học sinh của trường là con em các dân tộc thiểu số, hoàn cảnh khó khăn, khi được tuyển về đây các em ở tại trường 24/24, vừa học tập vừa sinh hoạt. Nhiệm vụ của nhà trường là vừa nuôi, vừa dạy dỗ các em, giúp các em hòa nhập vào cuộc sống tập thể, tương thân tương ái, đoàn kết, thấu hiểu và có sự giao lưu văn hóa vì mỗi dân tộc có phong tục tập quán riêng, mỗi học sinh có một cá tính riêng, hoàn cảnh gia đình riêng.

 Mỗi học sinh có một cá tính riêng, hoàn cảnh gia đình riêng.

Để giúp các em nhanh chóng làm quen với môi trường mới, nhà trường luôn tổ chức tuần sinh hoạt tập thể đầu năm để giới thiệu về truyền thống và cơ sở vật chất nhà trường, giao lưu với các anh chị lớp trên. Ngay từ ngày đầu nhập học đã có các anh chị đoàn viên thanh niên lớp trên đón các em, đưa về phòng hướng dẫn sử dụng và làm quen với cơ sở vật chất. Cô giáo chủ nhiệm cũng như lực lượng quản lý nhà trường cũng phải nắm bắt tư tưởng tâm lý học sinh, em nào nhớ nhà thì “dỗ”, em nào chưa làm quen với môi trường thì phải hướng dẫn tỉ mỉ.

Nhà trường tổ chức các hoạt động thể dục thể thao, văn nghệ để các em quên đi nỗi nhớ nhà, hòa nhập cuộc sống và thực hiện tốt nhiệm vụ học tập.

Ngoài ra, trường cũng thường xuyên tổ chức những hoạt động bề nổi để các em được thể hiện nét bản sắc dân tộc mình như trình diễn trang phục dân tộc, hội chợ xuân để các em bán những đồ dùng của dân tộc mình, giao lưu ẩm thực, văn hóa,..

Hoạt động giải trí nhà trường giúp gắn kết các em học sinh.

Thầy cô giáo cùng nhà trường chủ trương tạo môi trường thân thiện, chế độ đồng đều hài hòa để các em thấy đây là một môi trường lý tưởng, đáng sống và dù là học bổng ở mức nào các em cũng được ăn đủ 3 bữa, sinh hoạt đầy đủ. Đối với những trường hợp rất đặc biệt như mồ côi cha mẹ không thể có tiền sinh hoạt phí thì nhà trường sẽ phát động phong trào giúp đỡ, các cô giáo thường nhận chăm sóc, nuôi dưỡng những em có hoàn cảnh khó khăn, đón nhận học bổng từ các tổ chức trao tặn.

Đặc biệt, học sinh nội trú chăm sóc nhau rất tốt, có trường hợp bạn học sinh mổ ruột thừa thì chính cô giáo và các bạn cùng lớp sẽ chăm sóc bạn đó chứ không phải là bố mẹ. Dưới sự chăm sóc, quan tâm của thầy cô, học sinh đều thấy ấm áp và yêu quý môi trường học tập vừa có kỷ luật vừa có nề nếp này.

Được Bộ GD&ĐT “đặc cách” cho chủ động chương trình dạy học

Trường nội trú tỉnh Tuyên Quang có thuận lợi được Bộ GD&ĐT cho chủ động chương trình đã được 5 năm, được chủ động nội dung dạy học nên phù hợp với từng trình độ học sinh.

Để đưa các em vào mối quan hệ chung, nhà trường cũng đã xây dựng bộ quy tắc ứng xử lấy đó làm thước đo và dù là dân tộc nào đều phải ứng xử như vậy.

"Học sinh trường nội trú rất hiếu học, nhà trường chú trọng đổi mới phương pháp dạy học để phù hợp với từng đối tượng, học sinh yếu thì dạy theo kiểu học sinh yếu để các em không bị nản mà vẫn theo học được. Em nào học khá thì sẽ có phương pháp dạy theo kiểu học khá, các em hỗ trợ, giúp đỡ cùng nhau tiến bộ.

Khi tuyển sinh, nhà trường tuyển theo vùng miền, theo cơ cấu dân tộc, ví dụ như dân tộc Tày ở Chiêm Hóa thi điểm rất cao cũng chưa đỗ nhưng như dân tộc Mông chỉ 1 điểm thôi cũng vào. Vì vậy, trình độ đầu vào không giống nhau, nhà trường phải phân loại trình độ để dạy", cô Kim Anh cho biết.

 Ngôi trường được Bộ GD&ĐT "đặc cách" chủ động chương trình dạy học.

Một lớp có thể có nhiều học sinh yếu, nhưng không thể chia ra một lớp toàn học sinh yếu hay dồn một lớp toàn học sinh giỏi, thế các bạn học yếu dễ bị mặc cảm. Đầu tiên nhà trường phân loại đối tượng sau đó có phương pháp dạy học riêng cho từng đối tượng để sao cho trong 1 giờ cô giáo vừa phải dạy những đối tượng rất yếu vừa dạy những bạn khá hơn.

Ngoài giờ học chính buổi sáng, buổi chiều nhà trường dành để ôn tập bổ sung kiến thức và buổi chiều lại có riêng lớp cho học sinh yếu để phụ đạo thêm còn bộ phận học khá là mũi nhọn thì tập trung bồi dưỡng thi đại học, thi học sinh giỏi.

Tại trường PT Dân tộc nội trú THPT tỉnh Tuyên Quang, ngoài học được kiến thức, các bạn còn được rèn luyện kỷ luật, nề nếp. Nhiều bạn nói rằng, sau khi ra trường rất nhớ “ngôi nhà nội trú” này./.

Đăng Huy - Nhật Linh

Nhật Linh

NỔI BẬT TRANG CHỦ