Đó là khẳng định của Thượng tá Hồ Thanh Hải, HLV bắn súng Quân đội (Trung tâm Thể thao Quân đội). Theo HLV Thanh Hải, Xuân Vinh là VĐV dự Olympic nên chắc chắn được đảm bảo không thể thiếu đạn tập, tuy nhiên bia điện tử thì đúng là còn thiếu.
Theo ông, việc các xạ thủ tập bia giấy nhưng bắn bia điện tử sẽ ảnh hưởng thế nào tới thành tích?
Nếu mà tập bia giấy thi bia điện tử chắc chắn sẽ bị ảnh hưởng tới thành tích. Tuy nhiên sự ảnh hưởng này không phải đến cự ly hay những phát bắn, mà là cảm giác bắn, cảm giác trạng thái tâm lý. Ví dụ như bạn bắn bia giấy sẽ không biết bắn vào đâu cả, phải nhìn ống kính hoặc kéo bia về mới biết. Nhưng với bia điện tử thì bắn xong nhìn thấy ngay. Thậm chí bia điện tử thay đổi trên màn hình rất dễ nhìn thấy. Nếu ai không quen cảm giác ấy sẽ bị mất tập trung. Như vậy, ảnh hưởng lớn nhất của việc tập bia giấy, bắn bia điện tử là sự mất tập trung, mà khi không có sự tập trung thì thành tích rất khó giữ.
Các nước trong khu vực hầu hết đều được trang bị bia điện tử, trong khi Việt Nam vẫn sử dụng bia giấy lạc hậu. Phải chăng việc mua bia điện tử nằm ngoài khả năng hay vì một lý do nào khác?
Tôi nghĩ rằng Việt Nam gần như không có trường bắn dùng bia điện tử. Ngay như của Quân đội tât cả các tuyến đều có bia điện tử nhưng không đầy đủ. Ví dụ như bắn 25m chỉ được 1 khung, bắn 50m được 5 bệ, 10m thì được 10 bệ. Dù không đầy đủ nhưng Quân đội vẫn có bia điện tử để tập.
Nhiều VĐV chia sẻ rằng họ phải vay đạn hay bắn tập cầm chừng vì không đủ đạn, còn Xuân Vinh thì sao, thưa ông?
Xuân Vinh là VĐV Olympic được đầu tư, lại là VĐV của Quân đội, nên việc thiếu đạn của Xuân Vinh gần như không xảy ra. Trong điều kiện về thi đấu ở địa phương chúng tôi đảm bảo đủ đạn, ở đội tuyển tập luyện thì Vinh cùng Quốc Cường là hai VĐV giành vé dự Olympic chắc chắn cũng sẽ được đảm bảo đạn chứ không thể thiếu được.
Còn các VĐV khác?
Các VĐV khác cơ bản thiếu đạn, chỉ có các VĐV Quân đội chúng tôi sẽ bổ sung đạn cho họ tập luyện khi gần đến giải.
Thường thì một xạ thủ hàng đầu như Xuân Vinh bắn bao nhiêu viên đạn trong mỗi buổi tập?
Không có một định mức cụ thể nào, mà tùy giai đoạn. Ví dụ giai đoạn tập khối lượng thì Xuân Vinh có thể bắn tới 100-150 viên/1 buổi. Còn khi bước vào tập luyện nâng cao căng thẳng, Xuân Vinh có thể chỉ bắn khoảng 80-100 viên/1 buổi. Ngoài ra còn tùy theo yêu cầu của HLV.
Từ thành công của Xuân Vinh, ông cho rằng đây sẽ là cú hích để bắn súng được đầu tư tốt hơn, đặc biệt là trang thiết bị tại trường bắn Trung tâm HLTTQG Nhổn?
Chắc chắn sau thành công này sẽ tạo nên cú hích, nhưng sự thay đổi hay không phụ thuộc vào lãnh đạo cấp trên. Thực sự đây là mốc son lịch sử, không chỉ với thể thao Việt Nam, với Quân đội, với bắn súng Quân đội mà còn với cả dân tộc Việt Nam.
Ngày 10/8 Xuân Vinh sẽ bước vào nội dung thứ 2 và cũng là cuối cùng ở Olympic là 50m súng ngắn, ông đánh giá thế nào về cơ hội có huy chương ở nội dung này?
Với Vinh, đây không phải sở trường nhưng về trình độ chung ở thế giới thì hoàn toàn có thể tranh chấp huy chương. Chúng ta hãy chờ vào sự xuất sắc và một chút may mắn. Nếu có thêm huy chương, niềm vui không chỉ nhân đôi mà còn nhân lên rất nhiều.
Xin cảm ơn ông về cuộc trao đổi!
Song Ngư (thực hiện)
vietnamnet.vn