Thế vận hội thể thao lớn nhất hành tinh (Olympic 2016) có thể sẽ không giúp kinh tế của Brazil tăng trưởng là nhận định của nhiều chuyên gia kinh tế thế giới.
Kể từ khi Rio de Janeiro giành được quyền đăng cai Olympic 2016 năm 2009, Brazil đã đi từ trạng thái bùng nổ đến vỡ nợ. Một năm sau, tăng trưởng kinh tế Brazil tụt xuống 3,8% từ mức 7,5%.
Một phụ nữ vô gia cư ngủ bên vệ đường trước đường hầm giao thông có sơn khẩu hiệu Olympic 2016 - "Một thế giới mới". (Nguồn: Jornalagazeta).
|
Theo các chuyên gia, phần lớn các nước đăng cai tổ chức Thế vận hội sẽ bị thua lỗ, ngay cả khi tính đến các lợi ích kinh tế trong dài hạn. Thế vận hội mùa Hè tại Brazil cũng không phải là ngoại lệ bởi chi phí cho sự kiện này được ước tính lên tới hơn 10 tỷ USD, trong bối cảnh đất nước này đang phải đối mặt với vấn đề căng thẳng rất lớn về tài chính cùng các cáo buộc tham nhũng tại các khu vực công và tư nhân.
Nhiều dự đoán cho rằng, doanh thu từ phòng vé sẽ không bù lại được các khoản chi cho thế vận hội. Ủy ban Olympic Brazil dự định phát hành 7,5 triệu vé vào cửa, nhưng sau đó đã giảm xuống còn 6,1 triệu vé vì nhiều hạng mục công trình đã bị thu nhỏ hơn so với dự kiến trong quá trình xây dựng do thiếu vốn. Bên cạnh đó, với hơn 400 hộ gia đình Rio phải di dời trong quá trình chuẩn bị, những hệ lụy về kinh tế hậu Olympics sẽ còn phức tạp.
Năm 2015, kinh tế Brazil suy giảm 3,8%, mức tồi tệ nhất trong vòng 25 năm qua. Bên cạnh đó, nền kinh tế đầu tàu Mỹ Latinh đang phải đối mặt với mức thâm hụt ngân sách cao, chi tiêu tiêu dùng sụt giảm, tỷ lệ thất nghiệp ở mức 6,9%, đồng nội tệ real mất giá gần 50%, lạm phát ở mức hơn 10%, nợ công tương đương 65% GDP...
Dự kiến năm nay, kinh tế Brazil sẽ lại tiếp tục suy thoái và ở mức âm 3,6%. Nếu điều này xảy ra, đây sẽ là đợt suy thoái tồi tệ nhất của Brazil trong gần chín thập kỷ, kể từ cuộc Đại Suy thoái hồi thập niên 1930 của thế kỷ trước.
Theo chuyên gia kinh tế Brazil Mauricio Santoro, cuộc khủng hoảng này không phải do Olympic mà đã bắt nguồn từ nhiều năm trước. Đó là kết quả của sự yếu kém trong quản lý, chi tiêu quá mức và lãng phí của Chính phủ, Olympic chỉ như “giọt nước tràn ly”.
Các chuyên gia đánh giá rằng kỳ thế vận hội sắp tới sẽ giúp thành phố Rio de Janeiro cải thiện cơ sở hạ tầng và tăng nguồn thu thuế, song một khi sự kiện này kết thúc, kinh tế Brazil sẽ tiếp tục khó khăn vì suy thoái. Tờ Global & Mail ước tính, Brazil có thể lỗ khoảng 6 tỷ USD sau Olympic 2016, nhưng con số dự tính còn lớn hơn.
Thuỷ Bích (tổng hợp)