(Tổ Quốc) - Trở thành nước chủ nhà Olympic đồng nghĩa với sự hoành tráng, thanh thế và tiền bạc? Chưa chắc.
Hôm Thứ ba, Rome vừa thông báo quyết định từ bỏ cuộc chạy đua đăng cai Thế vận hội mùa hè 2024 trước những lo ngại về chi phí tăng cao.
Thị trưởng Rome, bà Virginia Raggi không ủng hộ thành phố của mình trở thành chủ nhà Olympic 2024 |
Trong những năm gần đây, bài toán tiền bạc đã trở thành lý do lớn nhất khiến các thành phố “chùn bước” trước giấc mộng Olympic. Trước Rome, Hamburg (Đức) cũng bỏ qua cơ hội làm chủ nhà của Olympic 2024. Trong danh sách này còn có Stockholm (Thụy Điển) và Krakow (Ba Lan) – hai thành phố đã lặng lẽ rút khỏi cuộc đua đăng cai Olympic mùa đông 2022 ngay trước khi mọi thủ tục được chính thức bắt đầu.
Để trở thành một chủ nhà thành công, thành phố đăng cai phải lên kế hoạch, chi trả và tiến hành xây dựng các dự án cơ sở vật chất khổng lồ. Chi phí cho công tác an ninh có thể lên tới hàng tỷ USD. Hàng nghìn phòng khách sạn cần phản được chuẩn bị tươm tất để đón chào các vận động viên và khách du lịch.
Tất cả những chi phí này được lấy từ những đồng tiền thuế - trong khi lợi nhuận thu được lại chả đáng là bao, thậm chí là còn là con số âm.
Trong khi các nhà lãnh đạo cho rằng tiền bán vé, số lượng công việc được tạo ra và làn sóng du lịch có thể bù lấp được chi phí bỏ ra; thì các chuyên gia kinh tế lại đưa ra các phân tích trái ngược và đầy tính bi quan.
Trường hợp của Montreal, thành phố chủ nhà cho Thế vận hội mùa hè 1976 có lẽ là một ví dụ tiêu biểu nhất.
Trước khi Olympic bắt đầu, thị trưởng Montral tuyên bố rằng: “Thế vận hội không thể tốn nhiều tiền hơn việc một người đàn ông sinh con.” Ông này đã hoàn toàn sai. Những sai lầm trong quản lý và tình trạng chi phí bị đội lên đã khiến thành phố này phải gánh khoản nợ lên tới 1,5 tỉ và cho đến tận 30 năm sau, năm 2006, Montreal mới có thể trả được hết nợ.
Sân vận động Olympic, được biết đến cái tên “Chữ O lớn” trở thành một sân chơi bóng chày và hầu như tổ chức một sự kiện nào lớn – đã khiến người dân địa phương “trào phúng” gọi nó là “Khoản nợ lớn”.
Năm 2013, một nghiên cứu của trường Kinh doanh Said của Đại học Oxford đã chỉ ra rằng, 100% các kỳ Olympic đều bị đội chi phí.
Sân vận động thi đấu bóng chày của Olympic Athens giờ trở nên hoang vắng |
Chỉ có trường hợp của thành phố Los Angeles là khác biệt. Sử dụng mô hình mới, tận dụng các sân vận động đã tồn tại làm địa điểm thi đấu, giúp tiết kiệm được khoản chi phí lớn nhất của việc đăng cai Olympic; đồng thời cũng đã đem lại lợi nhuận cho nước chủ nhà.
Tuy nhiên, mô hình tiết kiệm trên dường như lại không được các quốc gia đăng cai ưa chuộng. Theo nhiều nguồn tin, nước Nga đã tiêu tốn số tiền khổng lồ lên tới 50 tỷ USD cho Olympic Sochi 2014. Chi phí cho Olympic Bắc Kinh 2008 cho đến nay vẫn còn là một ẩn số. Trong khi đó, rất nhiều sân vận động tại Rio đang đứng trước nguy cơ không được sử dụng thường xuyên.
Olympic liệu có còn là giấc mộng vàng cho các thành phố đăng cai?
(Theo CNN)