(Tổ Quốc) - “Từng bước nâng cao vị trí, vai trò của du lịch trong phát triển kinh tế- xã hội của vùng, góp phần cải thiện, nâng cao đời sống người dân, góp phần quảng bá hình ảnh vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) với cả nước và quốc tế”.
Đây là mục tiêu chính của Quy hoạch tổng thể Phát triển du lịch vùng ĐBSCL đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030, được Chính phủ phê duyệt tháng 11-2016.
Khách du lịch tham quan rừng tràm Trà Sư mùa nước nổi ở An Giang - Ảnh Vi Phong
Theo đó, đến năm 2020, du lịch ĐBSCL đón khoảng 34 triệu lượt khách, trong đó có khoảng 3,5 triệu lượt khách quốc tế; và tăng lên khoảng 52 triệu lượt khách, trong đó khoảng 6,5 triệu lượt khách quốc tế, vào năm 2030.
Tổng thu từ khách du lịch đến năm 2020 đạt khoảng 25.000 tỉ đồng và đến năm 2030 đạt trên 111.000 tỉ đồng.
Số lượng cơ sở lưu trú: Đến năm 2020 có khoảng 53.000 buồng khách sạn, trong đó tỷ lệ buồng đạt tiêu chuẩn từ 3 sao đến 5 sao chiếm khoảng 15%. Phấn đấu đến năm 2030 có khoảng 100.000 buồng khách sạn, trong đó tỷ lệ buồng đạt tiêu chuẩn từ 3 sao đến 5 sao chiếm khoảng 30%.
Chỉ tiêu việc làm: Đến năm 2020 tạo việc làm cho khoảng 230.000 lao động, trong đó khoảng 77.000 lao động trực tiếp. Phấn đấu đến năm 2030 tạo việc làm cho khoảng 450.000 lao động, trong đó khoảng 150.000 lao động trực tiếp.
Theo quy hoạch tổng thể Phát triển du lịch vùng ĐBSCL đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030, du lịch ĐBSCL được chia thành 2 cụm. Cụm phía Đông gồm các tỉnh Đồng Tháp, Long An, Tiền Giang, Trà Vinh, Vĩnh Long, Bến Tre; cụm phía Tây gồm TP Cần Thơ và các tỉnh Bạc Liêu, Cà Mau, Sóc Trăng, An Giang, Hậu Giang, Kiên Giang.
ĐBSCL hiện có 42 điểm du lịch tiêu biểu cấp đồng bằng, 12 điểm du lịch đang xây dựng, khoảng 53.000 khách sạn, trong đó có 15% khách sạn đạt chuẩn 3 sao trở lên.
Tổng doanh thu từ ngành du lịch của toàn vùng ĐBSCL vào năm 2018 ước đạt 24.000 tỉ đồng, tăng 34% so với năm 2017./.