(Tổ Quốc) - Ông chủ Masan thành tỷ phú USD thứ 3 của Việt Nam, lời ân hận sau cùng của dàn cựu lãnh đạo PVN, đại gia taxi “cầu cứu” Bộ Tài chính vì nợ hàng trăm tỷ đồng… là những tin tức kinh tế “nóng” tuần qua.
Lời ân hận sau cùng của dàn cựu lãnh đạo PVN
(Nguồn: TTXVN) |
Cuối tuần qua, HĐXX phiên tòa xử bị cáo Đinh La Thăng cùng đồng phạm dành thời gian cho các bị cáo nói lời sau cùng trước khi tòa nghỉ nghị án.
Bị cáo Phùng Đình Thực (nguyên TGĐ PVN), bị cáo Nguyễn Quốc Khánh (nguyên Phó TGĐ PVN), bị cáo Nguyễn Xuân Sơn (nguyên Phó TGĐ PVN)… đã bày tỏ sự xót xa, ân hận, mong HĐXX xem xét để các bị cáo được làm lại cuộc đời, được hưởng chính sách khoan hồng của Đảng và Nhà nước, trở thành người có ích cho xã hội.
Bị cáo Nguyễn Xuân Sơn (nguyên Phó TGĐ PVN) nói: Bị cáo thực hiện công việc trong chuỗi mắt xích của dự án Thái Bình 2 và dự án có những sự thiếu sót ở một số khâu của quá trình thực hành.
Bị cáo nằm trong các khâu, tuy nhiên bị cáo không thực hiện việc làm trái theo quy trình, quy chế, nhưng dây chuyền của dự án đã có những khâu sai sót. Bị cáo đã thành khẩn, thành thật nhận những thiếu sót, sai sót trong việc thực hiện nhiệm vụ của mình, tạo ra sai sót chung.
Bị cáo đang nằm trong giai đoạn oan nghiệt nhất của cuộc đời, cần nhờ vào sự quan tâm, giúp đỡ của vợ con, gia đình, bạn bè, anh em, đồng chí, đồng nghiệp cho tình thương yêu, để bị cáo có thể đứng vững và vượt qua thời kỳ gian khó. Bị cáo cảm nhận rằng, dù có bị tuyên phạt mức án nghiêm minh, bị cáo vẫn nhận được sự khoan dung, độ lượng của HĐXX, cũng như các vị đại diện VKS giữ quyền công tố tại toà.
Đại gia taxi “cầu cứu” Bộ Tài chính vì nợ hàng trăm tỷ đồng
Tính đến ngày 31/10/2017, Công ty cổ phần Tập đoàn Mai Linh nợ đọng nghĩa vụ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp trên 180 tỷ đồng. Trong đó, nợ gốc là trên 150 tỷ đồng, lãi chậm nộp gần 77 tỷ đồng.
Mai Linh khẳng định, nếu không có sự hỗ trợ của Nhà nước thì thời gian tới đơn vị này sẽ mất khả năng thanh toán do nguồn thu không thể trả kịp cho các khoản nợ đến hạn, quá hạn và các khoản nợ đọng nghĩa vụ thuế và bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế cùng các khoản tiền phạt do nộp chậm.
Cụ thể, Mai Linh kiến nghị được miễn tính lãi phát sinh trên số cũ (trên 150 tỉ đồng); cho từng công ty trong hệ thống Mai Linh được thực hiện nghĩa vụ trả nợ gốc trong 20 năm từ năm 2018, mỗi năm 6 tỉ đồng và miễn nghĩa vụ phạt nộp chậm.
Nguyên Bí thư Cao Bằng làm Chủ tịch “siêu uỷ ban”
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc vừa ký quyết định thành lập Tổ công tác của Thủ tướng thực thi việc thành lập Uỷ ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp. Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ giữ vai trò Tổ trưởng Tổ công tác; cựu Bí thư tỉnh uỷ Cao Bằng Nguyễn Hoàng Anh giữ chức Tổ phó, Chủ tịch "siêu uỷ ban" này.
Ông Nguyễn Hoàng Anh, sinh năm 1963 tại Hải Phòng, từng là thạc sĩ kinh tế, ông từng kinh qua nhiều chức vụ tại Quốc hội như Ủy viên chuyên trách Ủy ban Về các vấn đề xã hội, Phó Trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội TP Hải Phòng khóa XI; Phó Chủ nhiệm Ủy ban kinh tế...
Trước đó theo quyết định của Bộ Chính trị cuối tháng 12/2017, ông Nguyễn Hoàng Anh - Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Cao Bằng nhiệm kỳ 2015 – 2020 thôi tham gia Ban Chấp hành, Ban Thường vụ và thôi giữ chức Bí thư Tỉnh ủy Cao Bằng để chờ phân công nhiệm vụ mới.
Tổ công tác có nhiệm vụ tham mưu giúp Thủ tướng chỉ đạo triển khai các công việc phục vụ việc thành lập Ủy ban Quản lý vốn nhà nước và sẽ kết thúc nhiệm vụ khi bộ máy ủy ban này hoàn thiện.
"Siêu ủy ban” này là mô hình được Bộ KH&ĐT đưa ra lấy ý kiến trong dự thảo Nghị định về thực hiện các quyền và trách nhiệm của cơ quan đại diện chủ sở hữu nhà nước. Đây được xem là cơ quan chuyên trách quản lý doanh nghiệp nhà nước có sự tách bạch quyền sở hữu với quyền điều hành chính sách, có quy mô vốn và tài sản tại các doanh nghiệp lên tới 5 triệu tỷ đồng.
Ông chủ Masan thành tỷ phú USD thứ 3 của Việt Nam
Ông Nguyễn Đăng Quang - nhà sáng lập, Chủ tịch tập đoàn Masan (Nguồn: Zing.vn) |
Trong bài viết có tiêu đề "nước mắm sản sinh tỷ phú USD mới nhất của Việt Nam", hãng tin Bloomberg cho biết ông Nguyễn Đăng Quang - nhà sáng lập, Chủ tịch tập đoàn Masan, trở thành tỷ phú USD thứ 3 của Việt Nam nhờ cổ phiếu Masan tăng mạnh.
Cụ thể, theo thống kê của Bloomberg Billionaire Index, cổ phiếu tập đoàn Masan đã tăng gần gấp đôi trong 6 tháng qua, so với mức tăng 37% của chỉ số VN Index. Tài sản của ông Quang theo đó tăng lên 1,2 tỷ USD.
Theo hồ sơ gửi lên Bộ kế hoạch và Đầu tư, ông Quang hiện nắm giữ công ty thông qua Masan Corp. cũng như công ty con Sunflower Construction Co.. Ông Quang và vợ hiện nắm giữ 49% cổ phần Tập đoàn Masan.
Ông Quang bắt đầu kinh doanh từ những năm 1990, sau khi học thạc sĩ Quản trị kinh doanh Đại học Kinh tế Nga Plekhanov tại Nga. Ông cũng có bằng tiến sĩ khoa học kỹ thuật của Học viện Khoa học Quốc gia Belarus.
Ở Nga, ông Quang tìm cách bán mì ăn liền cho cộng đồng người Việt tại đây. Sau đó, ông Quang xây dựng nhà máy công suất 30 triệu gói mì mỗi tháng và mở rộng bán các sản phẩm như nước tương, nước mắm và tương ớt. Năm 2001, ông Quang trở về Việt Nam và tiến vào thị trường kinh doanh trong nước.
Xếp hạng Kantar WorldPanel năm 2017 cho thấy, Masan Consumer là một trong ba nhà sở hữu thương hiệu thực phẩm hàng đầu Việt Nam, cùng với Unilever NV và Vinamilk.
Tài sản tỷ phú Phạm Nhật Vượng tiến tới mốc 5 tỷ USD
Từ cuối tháng 11/2017 đến nay, tài sản của tỷ phú Phạm Nhật Vượng đã tăng thêm 600 triệu USD, giúp ông tiếp tục thăng hạng trong danh sách 500 người giàu nhất thế giới.
Theo thống kê thời gian thực của Forbes, tính đến ngày 16/1, tài sản của tỷ phú Phạm Nhật Vượng là 4,8 tỷ USD, đứng thứ 453 trong top 500 người giàu nhất thế giới, tăng gần 37 bậc so với cuối tháng 11/2017.
Trước đó, ngày 24/11/2017, ông Vượng lần đầu có mặt trong danh sách 500 người giàu nhất hành tinh của Forbes với tài sản tăng gần gấp đôi so với đầu năm.
Tài sản của ông chủ Vingroup tăng nhanh nhờ đà tăng mạnh của cổ phiếu VIC trên sàn giao dịch chứng khoán./.
Hà Giang