Dùng tên gọi Sài Gòn để tiếp thị, giữ hồn cốt xưa, thêm nhiều điểm vui chơi đêm cho du khách… được cho là cách phát triển ngành công nghiệp không khói ở TP HCM.
- 08.03.2017 Nhân viên hàng không học võ vì khách hàng quá hung dữ
- 08.03.2017 Tập đoàn Paradise ra mắt du thuyền lớn và sang trọng nhất Vịnh Hạ Long
- 08.03.2017 Lượng khách Ấn Độ đến Việt Nam năm 2016 tăng 30% so với 2015
- 08.03.2017 Đoàn làm phim “Kong: Skull Island” gửi lời chúc mừng 8-3 tới fan Việt Nam
- 08.03.2017 Pháp: Lở tuyết ở khu trượt tuyết Tignes khiến nhiều người bị chôn vùi
- 09.03.2017 Hà Nội xếp thứ 2/17 thành phố ẩm thực hấp dẫn trên thế giới
Ngày 8/3, tại Hội nghị triển khai Nghị quyết của Bộ chính trị về phát triển ngành du lịch trở thành kinh tế mũi nhọn, ông Võ Anh Tài - Phó tổng giám đốc Công ty du lịch Sài Gòn - nói rằng, ngành du lịch TP HCM đang gặp nhiều thách thức hơn cơ hội vì bị cạnh tranh quyết liệt, nhất là từ các nước trong khu vực.
Điểm du lịch về đêm tại thành phố còn hạn chế, đơn điệu, cần phải tạo ra các nơi vui chơi, hấp dẫn để thực sự trở thành một thành phố "không ngủ". Đồng thời, thành phố cũng cần chú trọng về việc quảng bá, xây dựng thương hiệu thành phố để thu hút thêm du khách.
"Tôi cũng đề xuất dùng tên gọi Sài Gòn song song với TP HCM trong tiếp thị du lịch. Bởi Sài Gòn từ lâu đã là tên gọi thân quen với nhiều người như cách nói 'Sài Gòn - Hòn ngọc viễn đông'", ông Tài nói.
Trong buổi hội nghị do Bí thư Thành ủy TP HCM Đinh La Thăng chủ trì, nhiều doanh nghiệp du lịch trên địa bàn cũng đưa ra những đề xuất, góp ý để giúp ngành du lịch của thành phố phát triển.
Bí thư Thành ủy TP HCM Đinh La Thăng phát biểu chỉ đạo tại hội nghị. Ảnh: Thiên Ngôn
|
Ông Tài mong muốn thành phố cần quan tâm phát triển giao thông, các đường cao tốc để rút ngắn khoảng cách đến các điểm du lịch của thành phố và khu vực lân cận; mở rộng miễn visa cho khách quốc tế.
Để thu hút du khách đến đông hơn, ở lại lâu hơn, thành phố cần phát triển các sản phẩm lợi thế như du lịch đường sông, du lịch sự kiện kết hợp vui chơi giải trí, hay du lịch kết hợp nông nghiệp như ở Củ Chi.
Ông Nguyễn Quốc Kỳ, Tổng giám đốc Vietravel, đề nghị thành phố tập trung phát triển 4 sản phẩm chuyên sâu: hội thảo, y tế, mua sắm, văn hóa (hàn lâm và đường phố). Bên cạnh đó, cần có lực lượng cảnh sát du lịch để bảo đảm an toàn, an ninh cho du khách.
Hai vấn đề khác cũng được ông Kỳ gửi đến lãnh đạo thành phố là giải quyết ô nhiễm môi trường và ùn tắc giao thông. "Không thể chấp nhận được kiểu xả rác bừa bãi trên phố đi bộ Nguyễn Huệ sau các sự kiện. Tại sao cũng người đó sang Singapore không dám xả rác mà ở Việt Nam lại thoải mái quăng ra đường", ông Kỳ nói.
"Giao thông thì thật quá kinh khủng. Du khách được khuyến cáo ra sân bay trước 3 tiếng thì còn đâu tâm trí tham quan, họ chỉ chăm chăm lo bị trễ giờ", ông Kỳ nói về các phàn nàn của du khách.
Còn Tổng giám đốc khách sạn Sheraton Saigon, ông Scott Hodgetts, đề nghị thành phố có hướng dẫn rõ hơn về việc cấp phép hoạt động vui chơi, giải trí sau 0h. Đồng thời, tăng cường đảm bảo an toàn, an ninh, giúp du khách giải quyết các khó khăn khi du khách gặp phải.
"Việc kiểm tra là tốt nhưng thành phố cần thống nhất về nội dung để tránh trùng lắp, gây ảnh hưởng đến các đơn vị kinh doanh du lịch. Trong năm 2016 chúng tôi đã đón 13 đoàn thanh tra, trung bình mỗi tháng hơn một lần, trong đó có một số nội dung giống nhau", ông Scott Hodgetts nói.
Phó chủ tịch UBND TP HCM Trần Vĩnh Tuyến nhìn nhận ngành du lịch thành phố chưa có quy hoạch chiến lược phát triển dẫn đến nhiều thiếu xót và chưa khai thác hết tiềm năng. Sắp tới, thành phố xây dựng sản phẩm du lịch hàng tháng, tầm quốc tế (kiểu như đường hoa Nguyễn Huệ mỗi dịp Tết).
"Chẳng hạn ngày 3/3 là lễ hội áo dài, tháng 9 lễ hội thời trang, tháng 11 lễ hội ánh sáng toàn thành phố với công nghệ hàng đầu thế giới và không dùng kinh phí ngân sách. Thành phố cũng nghiên cứu thêm việc tổ chức ngày hội marathon, mua sắm…", ông Tuyến nói.
Về phàn nàn bị thanh tra nhiều, ông Tuyến cho biết tất cả các kế hoạch kiểm tra doanh nghiệp du lịch sẽ do ông phê duyệt để tránh trùng lắp, gây phiền toái cho doanh nghiệp.
Bí thư Thành ủy Đinh La Thăng cám ơn góp ý, đề xuất của các doanh nghiệp du lịch. Ông yêu cầu các sở, ngành cần liên kết chặt chẽ để giảm giá thành, nâng chất lượng phục vụ du khách. Nhất là xây dựng những nét đặc trưng văn hóa của TP HCM để thu hút khách
Ông Thăng chỉ ra rằng, TP HCM đã bỏ quên một tiềm năng du lịch lớn ở Cần Giờ - nơi có bãi biển 27 km, hệ sinh thái rừng ngập mặn, Khu dự trữ sinh quyển...
"Muốn Cần Giờ phát triển du lịch phải đầu tư xây dựng giao thông, cầu đường để du khách từ trung tâm thành phố ra đó chỉ mất 45 phút. Chúng ta có chiến lược, kế hoạch và công nghệ nên việc đầu tư sẽ rất nhanh. Phát triển du lịch Cần Giờ còn giúp người dân ở đây thoát nghèo", ông Thăng nhấn mạnh.
(Nguồn: Vnexpress)