“Tôi nghĩ là phải nhìn nhận khách quan, toàn diện, vô tư, vừa nghiêm khắc với đồng chí của mình, nhưng đồng thời phải bảo vệ đồng chí của mình”, ông Tiến nói.
“Tôi nghĩ là phải nhìn nhận khách quan, toàn diện, vô tư, vừa nghiêm khắc với đồng chí của mình, nhưng đồng thời phải bảo vệ đồng chí của mình”, ông Tiến nói.
Ông Lê Như Tiến - nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội - đánh giá cao nỗ lực của Bộ Thông tin Truyền thông trong công tác xử lý vụ việc này, đồng thời ủng hộ nếu Ủy ban Thường vụ Quốc hội vào cuộc giám sát xử lý những vấn đề hậu AVG.
Ông Lê Như Tiến: “Kết luận vụ AVG cần khách quan, toàn diện, vô tư”
|
- Sau khi Thanh tra Chính phủ công bố kết luận thanh tra việc Mobifone mua 95% cổ phần AVG, Bộ thông tin Truyền thông đã phản bác, cho rằng bản kết luận này có nhiều điểm chưa đúng bản chất sự việc và cần thiết phải trao đổi lại, trong đó có việc MobiFone và AVG đã hủy hợp đồng nhưng lại không được ghi nhận trong kết luận thanh tra. Theo ông, trước những ý kiến còn khác nhau giữa các bên thì nên làm thế nào để đảm bảo công bằng, minh bạch?
Khi có những thông tin MobiFone mua 95% AVG, tôi cũng tìm hiểu rất nhiều và xem xét rất nhiều.
Tôi rất chia sẻ, ủng hộ việc Bộ TT&TT đã nhanh chóng chủ trì cuộc làm việc giữa MobiFone và AVG hủy hợp đồng, phục hồi lại tiền cho nhà nước, đồng thời sau đó thông tin rộng rãi đến các cơ quan thông tin đại chúng.
Tôi cho rằng đây là việc làm hết sức kịp thời của Bộ TT&TT, điều đó là chưa từng có trong các thương vụ kinh tế, vì thế việc làm ấy cũng đã lấy lại niềm tin của dư luận xã hội.
Về việc Thanh tra Chính phủ ra kết luận như thế nhưng phía Bộ TT&TT có nhiều điểm không hài lòng thì tôi cũng rất chia sẻ với các cơ quan này, cho nên hiện nay thì nên để cho Ủy ban Kiểm tra TƯ và các cơ quan khác tiếp tục làm rõ.
Tôi thấy rằng mọi việc phải được thực hiện theo quy định của pháp luật, căn cứ vào kết luận công tâm khách quan của các cơ quan có chức năng, chứ chúng ta không thể nào bình luận một cách không có căn cứ pháp lý.
Khi thảo luận về luật phòng chống tham nhũng tại Quốc hội, tôi cũng đã nhiều lần phát biểu thể hiện quan điểm rằng điều quan trọng nhất (cuối cùng) không phải là ai đi tù bao nhiêu năm mà là toàn bộ thất thoát tài sản (nếu có) phải trả về cho nhà nước, trả về cho nhân dân.
Đối với thương vụ Mobifone mua 95% cổ phần AVG, tôi không nói về chuyện đúng sai, mà ở đây khi có những thông tin bất lợi thì lập tức Bộ TT&TT đứng ra chủ trì để hai phía hủy hợp đồng, như vậy là rất nhạy bén.
Tôi đánh giá cao việc làm này của Bộ TT&TT.
Tuy nhiên, tôi vẫn mở ngoặc lại là kết luận thế nào thì phải do các cơ quan chức năng và nếu như sai phạm như thế nào thì cá nhân người đó phải chịu, đúng như tinh thần chỉ đạo của Ban Bí thư, sai đến đâu xử lý đến đó.
- Bộ TT&TT cho biết, có thể đề nghị chuyển tài liệu vụ việc này sang Ủy ban Thường vụ Quốc hội cùng vào cuộc giám sát xử lý. Quan điểm của ông thế nào?
Tôi cho rằng mỗi vụ việc liên quan đến pháp luật thì cơ quan ban hành pháp luật là Quốc hội và thường trực giữa 2 nhiệm kỳ của Quốc hội là Ủy ban thường vụ Quốc hội phải vào cuộc để xem xử lý như thế có đúng người, đúng việc, đúng pháp luật hay không?
Chỉ có Ủy ban thường vụ Quốc hội là cơ quan duy nhất được Quốc hội ủy quyền giải thích pháp luật.
Theo tôi, Ủy ban thường vụ Quốc hội nên vào cuộc để giải thích pháp luật và để cho các cơ quan thực thi nhiệm vụ hiểu chính xác về pháp luật.
Tôi cho là Ủy ban Thường vụ Quốc hội cần có tiếng nói trong vụ việc này.
- Ông đánh giá như thế nào về chỉ đạo của Ban Bí thư đối với vụ việc này là cơ quan thanh tra ra kết luận và chịu trách nhiệm về việc công bố kết luận ấy?
Tôi thấy Ban Bí thư chỉ đạo rất đúng bởi vì anh đã kết luận một vấn đề gì đó thì phải chịu trách nhiệm trước pháp luật, phải chịu trách nhiệm trước kết luận thanh tra của mình. Anh kết luận mà không chịu trách nhiệm thì ai chịu trách nhiệm?
Cho nên là thanh tra kết luận thế nào thì phải chịu trách nhiệm trước kết luận của mình và các cơ quan khác cũng vậy.
Tôi cho đấy chính là trách nhiệm của cơ quan và người đứng đầu cơ quan đó, theo đúng pháp luật.
Kết luận không thể vô cớ mà phải tuân theo Hiến pháp và pháp luật, nếu ai sai người đó phải chịu trách nhiệm.
Còn nếu như các cơ quan thực thi pháp luật mà không tuân thủ pháp luật thì coi như luật mà Quốc hội xây dựng và ban hành không đi vào đời sống và không trở thành hiện thực.
Đối với vụ việc này và kể cả các vụ việc khác cũng vậy, cơ quan thanh tra, cơ quan kiểm tra của trung ương và kể cả cơ quan giám sát của Quốc hội vào cuộc thì cũng phải thực hiện theo đúng pháp luật, bởi pháp luật chính là công cụ quan trọng nhất và duy nhất để phán xét mọi việc.
Còn nếu anh không phán xét theo pháp luật thì không còn gì để nói nữa cả.
Nhân đây tôi cũng nói thêm rằng việc gì cũng phải có tình và có lý, pháp luật nào cũng từ con người xây dựng lên, cho nên làm phải có tình có lý.
Có vấn đề do lịch sử để lại mà bây giờ cứ lôi lại coi như chuyện hiện tại thì cũng không phải.
Có những việc do rất nhiều nhiệm kỳ trước để lại thì mình phải lần theo dấu vết để xem lại việc ấy nguyên nhân là ở đâu, nó xuất phát từ ở đâu và kết thúc từ ở đâu?
Để từ đó kết luận phải khách quan, trung thực, vô tư, vừa nghiêm khắc với cán bộ của mình nhưng phải có tinh thần nhân văn bảo vệ cán bộ của mình.
Tôi thấy đây là hai mặt của một vấn đề, chứ đừng chỉ nhăm nhăm tìm khuyết điểm của cán bộ để diệt đến cùng.
Thí dụ với thương vụ Mobifone mua 95% cổ phần AVG, phải thấy lý do lúc ấy là thế nào, việc mua bán này có lợi chung không, chứ mình đừng nhăm nhăm đây là lợi ích nhóm thì cũng không phải.
Tôi cho rằng cái gì cũng do lịch sử để lại, cái việc này xảy ra từ nhiệm kỳ trước, mình phải lần theo dấu vết từ nhiệm kỳ trước chứ bây giờ lại bảo đây là do nhiệm kỳ này thì không phải.
Tôi nghĩ là phải nhìn nhận khách quan, toàn diện, vô tư, vừa nghiêm khắc với đồng chí của mình, nhưng đồng thời phải bảo vệ đồng chí của mình.
Theo GDVN