(Tổ Quốc) - Ông Lê Như Tiến nhấn mạnh, những cán bộ mua bằng giả của ĐH Đông Đô đã lừa dối Đảng, Nhà nước, cơ quan, tổ chức nên cần công khai danh tính và xử lý nghiêm trước pháp luật.
Xử lý nghiêm những người "mua" bằng giả ĐH Đông Đô
Theo kết luận điều tra của Cơ quan ANĐT Bộ Công an xác định, các bị can tại Đại học Đông Đô đã cấp bằng cử nhân ngành ngôn ngữ tiếng Anh cho 626 trường hợp nhưng chỉ có 216 trường hợp có thông tin để xác minh.
Kết quả xác minh cho thấy, trong số 216 trường hợp nêu trên có tới 193 người được cấp bằng không qua tuyển sinh, đào tạo hoặc không đủ điều kiện để cấp bằng; 23 người có tham gia học tập tại các cơ sở nhưng do ĐH Đông Đô chưa được cấp phép đào tạo văn bằng 2 nên số bằng đã cấp cho những người này không có giá trị.
Đối với 193 người được Trường ĐH Đông Đô cấp bằng giả, có 60 người đã sử dụng bằng. Đáng chú ý có 55 trường hợp sử dụng bằng giả này để xét tuyển nghiên cứu sinh hoặc bảo vệ luận án tiến sĩ, 1 trường hợp làm điều kiện bảo vệ thạc sĩ, 1 trường hợp thi nâng ngạch thanh tra viên, 1 trường hợp thi tuyển công chức, 2 trường hợp kê khai vào hồ sơ cán bộ...
Cơ quan An ninh điều tra đã có văn bản kiến nghị các cơ quan chủ quản xử lý cán bộ vi phạm theo quy định đối với 58 trường hợp sử dụng bằng giả của ĐH Đông Đô...
Ông Lê Như Tiến.
Liên quan đến vấn đề này, trao đổi với PV vào trưa 30/11, ông Lê Như Tiến, nguyên Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Văn hoá, Giáo dục, Thanh niên, thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội cho rằng, bản thân thấy rất bức xúc về sự việc "mua - bán" bằng giả xảy ra tại ĐH Đông Đô.
Theo ông Tiến, qua kết luận điều tra của Cơ quan ANĐT Bộ Công an đã cho thấy, có không ít người là cán bộ đã mua bằng tiếng Anh giả của ĐH Đông Đô để làm tiến sĩ, thạc sĩ, thăng tiến trong các cơ quan, tổ chức.
"Các cơ quan quản lý nhà nước, cơ quan chức năng liên quan cần khẩn trương rà soát để công khai danh tính những người đã mua văn bằng 2 Tiếng Anh giả của trường ĐH Đông Đô nhằm những mục đích phục vụ lợi ích cho bản thân dù người đó là ai, đang giữ chức vụ gì.
Nêu danh tính những người gian dối đó để làm gương cho các thế hệ sau và là tiếng chuông cảnh tỉnh cho những người sau này không dám làm như vậy nữa", ông Tiến nói.
Nguyên Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Văn hoá, Giáo dục, Thanh niên, thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội nêu rõ, nếu không công khai, xử lý nghiêm những người dùng bằng giả, bằng bất hợp pháp do ĐH Đông Đô cấp sẽ tạo tiền lệ xấu, giúp họ leo cao, luồn sâu vào bộ máy gây nguy hại cho đất nước.
"Những người này đã vi phạm pháp luật, lừa dối Đảng, Nhà nước, cơ quan tổ chức và làm vấy bẩn vào nền giáo dục, khiến niềm tin của người dân vào bộ máy cán bộ bị suy giảm, do đó, không có lý gì mà không công khai danh tính.
Thanh tra Bộ GD&ĐT, Thanh tra Chính phủ cần vào cuộc để có hình thức xử lý, loại những người mua bằng, mua điểm này ra khỏi bộ máy. Đồng thời, tiếp tục xem xét xử lý theo các quy định của Đảng, bộ Luật Giáo dục, pháp luật cán bộ, công chức, viên chức, luật hình sự ", ông Tiến nhấn mạnh và cho hay, những người mua, sử dụng bằng giả này không còn xứng đáng là cán bộ, đảng viên.
Ông nói thêm, trong vụ việc cấp bằng giả ở ĐH Đông Đô, ngoài vấn đề liên quan đến "cung cầu" còn có trách nhiệm của cơ quan chức năng thuộc Bộ GD&ĐT.
Do đó, ông Tiến đề nghị, cùng với việc xử lý người "mua - bán" bằng giả thì cũng phải làm rõ trách nhiệm, xử lý các cá nhân, đơn vị sai phạm thuộc Bộ GD&ĐT.
Cái gốc từ công tác tuyển dụng, đề bạt, bổ nhiệm cán bộ
Từ vụ việc tại trường ĐH Đông Đô, ông Lê Như Tiến bày tỏ lo ngại, không chỉ bằng cấp trong nước mà vấn đề bằng cấp nước ngoài cũng xảy ra tình trạng "bằng giả, chỉ cần bỏ tiền, không học cũng có bằng tiến sĩ, thạc sĩ".
Ông nêu, thực tế hiện nay có tình trạng ghi tên, nộp số tiền lớn mà không cần học hành gì sau một thời gian là có bằng thạc sĩ, tiến sĩ gắn mác nước ngoài.
"Theo tôi, sở dĩ có việc gian dối mua - bán bằng giả, chạy điểm, bằng gắn mác nước ngoài chính là do cái gốc của vấn đề ở công tác tuyển dụng, đề bạt, bổ nhiệm nhân sự của chúng ta vẫn còn dựa vào vào bộ hồ sơ đẹp.
Tôi đã từng nói, nếu vẫn tuyển dụng, bổ nhiệm, đề bạt theo cách đánh giá hồ sơ đẹp sẽ còn tình trạng mua bán bằng, học giả bằng thật", ông Tiến nêu.
Từ thực tế trong thời gian qua, ông Lê Như Tiến cho rằng, điều quan trọng nhất cần thay đổi về tư duy, cách tiếp cận trong công tác tuyển dụng, đề bạt, bổ nhiệm công tác cán bộ.
"Thay vì ngồi phòng máy lạnh xem những bộ hồ sơ đẹp, bằng gắn mác nọ, mác kia thì chúng ta hãy tuyển dụng, bổ nhiệm qua những bài kiểm tra về công việc thực tiễn, xử lý tình huống rất sát thực với thực tế, vị trí việc làm...
Chỉ khi nào, cái gốc của vấn đề được giải quyết mới mong tránh tình trạng mua bán bằng cấp", ông Tiến nhấn mạnh thêm.