(Tổ Quốc) - Theo ông Lê Như Tiến, ngoài việc công khai tên của 12 cựu quan chức "chây ì" không chịu trả nhà công vụ thì phải gửi thông báo về đơn vị từng công tác, nơi cư trú của các vị này.
Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh vừa ký loạt thông báo gửi 12 cựu quan chức yêu cầu trả lại nhà công vụ của Chính phủ tại chung cư CT1-CT2, khu đô thị Yên Hòa, Cầu Giấy, Hà Nội.
12 cựu quan chức mà Bộ Xây dựng "đòi nhà", chủ yếu mang hàm Thứ trưởng hoặc tương đương và Tổng Cục trưởng đã bị nêu đích danh về việc "chây ì" trong vấn đề trả nhà công vụ.
Liên quan đến việc này, trao đổi với PV, đại diện Bộ Xây dựng cho biết, trong ngày hôm nay Bộ sẽ có thông tin cụ thể về vấn đề này đến báo chí, dư luận với quan điểm là công khai, minh bạch.
Còn ông Lê Như Tiến, ĐBQH khóa 12, 13, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội đã bày tỏ bất bình trước việc "chây ì" không trả lại nhà công vụ của 12 cán bộ mới được nêu.
Theo ông Tiến, vào cuối nhiệm kỳ Quốc hội khóa 13, ông đã phát biểu về một hiện tượng, có "dấu hiệu tham nhũng" mới xuất hiện đó là "tham nhũng nhà công vụ, biệt thự công".
"Bên cạnh một số cán bộ, lãnh đạo gương mẫu trả nhà công vụ, biệt thự công thì còn 12 vị như báo chí mới nêu đều từng ở các vị trí cao cấp hàm Thứ trưởng, Tổng Cục trưởng nhưng vẫn giữ nhà công vụ lại, không trả cho Nhà nước.
Việc này là không thể được và chúng ta cần có biện pháp để họ nhận thức được và trả nhà", ông Tiến nói.
Nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, GD,TN,TN và NĐ của QH cho hay, nhà công vụ, biệt thự công, ô tô công là tài sản Nhà nước được giao cho các cán bộ thuộc diện được ở, sử dụng trong thời gian làm công vụ.
"Cán bộ đã được Nhà nước cung cấp nhà công vụ cho để làm việc khi ở địa phương ra Trung ương làm việc phải hiểu rõ, đây là nhà công vụ, cấp theo hạn định.
Sau khi mình đã thôi công tác rồi phải trả lại cho Nhà nước chứ không thể coi đó là nhà riêng và việc chây ì không trả, chẳng khác gì chiếm đoạt tài sản Nhà nước", ông Tiến nêu rõ.
Từ thực tế trên, ông Tiến nhấn mạnh, trường hợp các cựu quan chức vẫn cứ "chây ì", không chịu trả nhà thì Chính phủ, Bộ Xây dựng phải thống kê cụ thể, thông báo rõ ràng tên tuổi các vị này.
"Tôi đề nghị, phải nêu rõ tên, đơn vị từng công tác của các vị này chứ không nên viết tắt theo kiểu ông N.V.N hay Đ.V.C... Sau đó, phải thông báo công khai thông tin các vị này trên các phương tiện thông tin đại chúng, báo chí.
Thứ 2 gửi thông báo về cơ quan nơi vị đó từng công tác để họ cùng có trách nhiệm đôn đốc việc phải trả nhà.
Thứ 3, gửi về nơi cư trú là nơi vị đó sinh hoạt đảng, tổ dân phố để mọi người biết cán bộ này đã nêu gương như thế nào.
Ngoài việc thông báo công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng, cơ quan chức năng cũng cần xem xét xử lý theo quy định với các vị này nếu cố tình không trả", ông Tiến đề xuất.
Vị ĐBQH khóa 12, 13 cũng chia sẻ lại câu chuyện của bản thân, trước khi nhận quyết định nghỉ hưu chính thức 3 tháng, ông đã trả lại phòng làm việc, xe biển 80 đã đưa đón trong suốt 10 năm ngay cho cơ quan.
Cụ thể, ngay ngày 1/7/2016 nhận thông báo đến 1/10 nghỉ hưu chính thức, ông đã mời Cục trưởng Cục Quản trị, Đội trưởng đội xe đến trả xe, trả phòng làm việc cấp Thứ trưởng là 55m2 gồm 1 phòng làm việc, 1 phòng ngủ.
Các sách vở, tài liệu công, ông chuyển cơ quan còn tư trang cá nhân mang về nhà. "Việc trả này, do mình không làm việc nữa phải trả lại phòng, xe cho anh em khác làm việc, đi lại chứ không thể ôm khư khư được", ông Tiến bày tỏ.
Ông Tiến nói thêm, danh dự con người lớn hơn mấy m2 nhà nhiều. Do đó, nếu ai nghĩ rằng danh dự của mình không bằng mấy chục m2 nhà là việc của họ, còn ai còn danh dự sẽ vui vẻ sẵn sàng trả ngay và "đó mới là con người có lòng tự trọng".