(Tổ Quốc) - Theo hãng tin ABS-CBN News của Philippines, tập đoàn nhà hàng lớn nhất Philippines Jollibee Foods Corp sẽ thoái vốn khỏi thương hiệu Phở 24 tại nước này nhưng đang hướng tới mở rộng sự hiện diện tại thị trường Việt Nam.
Jollibee Foods Corp là tập đoàn nhà hàng lớn nhất Philippines và một quan chức của thương hiệu này ngày 17/5 cho biết họ sẽ thoái vốn khỏi thương hiệu Phở 24 để tập trung vào các phân khúc đã chọn, đó là gà, cà phê và trà, bánh mì kẹp thịt và ẩm thực Trung Quốc.
Điều chỉnh chiến lược kinh doanh
"Chúng tôi tin rằng ít nhất trong ba năm tới, các phân khúc mà chúng tôi đã chọn sẽ mang lại giá trị từ 1,5 nghìn tỷ đến 2 nghìn tỷ USD... Chúng tôi không phải là công ty lớn nhất thế giới, chúng tôi có những hạn chế của mình và vì vậy để giành được thị phần, chúng tôi cần thực sự có trọng tâm nên chúng tôi sẽ tập trung vào bốn phân khúc này", Giám đốc tài chính của Jollibee Foods Corp Richard Shin nói với các phóng viên trong một cuộc họp ngắn trực tuyến.
"Tôi biết điều đó nghe có vẻ khó tin, đó là một con số doanh thu lớn nhưng nếu bạn nghĩ về cà phê, trà và bạn nghĩ tới những quốc gia như Trung Quốc, tôi nghĩ tất cả chúng ta đều có thể thấy rằng 'ồ thực sự có một nhóm khách hàng lớn,'" ông Richard Shin nói.
Đơn vị điều hành chuỗi nhà hàng lớn nhất Philippines trước đó cho biết họ đã có một thỏa thuận nhượng quyền với thương hiệu Phở 24 tại Philippines. Nhưng hiện thỏa thuận này đã bị dừng lại.
"Vì thỏa thuận đó không phù hợp với chiến lược của chúng tôi và vì nó là một thương hiệu tương đối nhỏ đối với chúng tôi nên chúng tôi quyết định sẽ thu được lợi nhuận cao hơn cho các cổ đông và công ty nếu chúng tôi thực sự tập trung sức lực vào các thương hiệu hàng đầu của mình, chẳng hạn như Jollibee," ông Shin cho biết.
"Chúng tôi vô cùng hào hứng với những thương hiệu mạnh của mình và chúng tôi cũng rất vui khi từ bỏ những thương hiệu mà chúng tôi tin rằng sẽ không thể cạnh tranh được," ông Richard Shin đánh giá thêm.
Mục tiêu lớn tại Việt Nam
Dù từ bỏ hoạt động liên quan với Phở 24 tại Philippines – một món ăn Việt nhưng tập đoàn Jollibee Foods Corp đang rất quan tâm tới Việt Nam.
Ngoài Mỹ và Trung Quốc, "thị trường lớn tiếp theo" bên ngoài Philippines là Việt Nam, nơi Jollibee có 157 cửa hàng "cực kỳ sinh lời", ông Shin nói. Có thể nói đây là một chặng đường tích cực khi cửa hàng đầu tiên của Jollibee mở tại Việt Nam từ năm 2005. Việt Nam cũng là quốc gia có số lượng cửa hàng nhiều nhất trên thị trường quốc tế của thương hiệu này.
"Về mặt nhân khẩu học, Việt Nam rất giống với Philippines. Dân số Việt Nam vào khoảng 100 triệu người, độ tuổi trung bình rất trẻ, có nền kinh tế đang hoạt động rất tốt và đang phát triển về mặt sản xuất cũng như các hình thức thương mại khác. Vì vậy chúng tôi quan tâm tới một thị trường như Việt Nam và coi đây là một thị trường thực sự phù hợp", Giám đốc tài chính của Jollibee Foods Corp nhận định.
Ông Shin cho biết Jollibee Foods Corp cũng đang xem xét mở rộng sang các thị trường Đông Nam Á khác mà họ chưa có mặt.
Ông Shin cũng cho biết Mỹ là thị trường quốc tế mang đến nhiều cơ hội cho họ và Jollibee Foods Corp đã vạch ra mục tiêu của mình là trở thành một trong 5 nhà hàng phục vụ nhanh (QSR) hàng đầu trên toàn cầu.
Vị giám đốc này tiết lộ Jollibee Foods Corp đã mua lại Coffee Bean và Tea Leaf cũng như Smashburger nhằm chiếm lĩnh thị trường rộng lớn hơn ở Mỹ. Ông nói rằng họ sẽ không mạo hiểm kinh doanh ẩm thực cao cấp dù rất tình cờ là một trong những thương hiệu của họ, Tim Ho Wan đã có 1 sao Michelin.
Giống như KFC, Jollibee cũng là một câu chuyện khởi nghiệp thành công. Chỉ từ 2 tiệm kem nhỏ hình thành vào năm 1975, chuyên bán các món ăn nóng và bánh mì kẹp, Jollibee đã trở thành công ty với 7 cửa hàng vào năm 1978 và chuyên về burger. Sau đó, tập đoàn này đã mở ra một cuộc cách mạng thức ăn nhanh tại Philippines. Tính đến cuối tháng 1/2023, tập đoàn Jollibee Foods Corp cho biết mạng lưới của họ là 6.481 cửa hàng trên toàn cầu.
Tập đoàn này cũng dự kiến doanh thu cả năm sẽ tăng từ 15 đến 20% và mạng lưới cửa hàng tăng không dưới 5%. Trong năm tài chính 2022, Jollibee Foods Corp ghi nhận doanh thu tăng trưởng 38% so với cùng kỳ năm trước, đạt 211,9 tỷ peso Philippine (3,8 tỷ USD).
Tập đoàn này đã mở 542 cửa hàng chỉ riêng trong năm ngoái, đánh dấu số lượng cửa hàng được mở cao nhất trong một năm.