(Tổ Quốc) - “Tôi kỳ vọng Quốc hội khóa XV sẽ tiếp tục truyền thống của Quốc hội khóa XIV. Trước hết là tiếp tục “khó tính” trong việc thẩm định các dự luật. Quốc hội chỉ thông qua một dự luật khi dự luật đó thật sự cần thiết…Quốc hội cũng cần “khó tính” hơn trong việc áp đặt trách nhiệm giải trình”, ông Nguyễn Sĩ Dũng – nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội chia sẻ.
Hội đồng Bầu cử Quốc gia đã công bố danh sách 499 người trúng cử đại biểu Quốc hội khóa XV. Dù diễn ra trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 bùng phát với nhiều diễn biến phức tạp nhưng kết quả công bố đã cho thấy sự thành công rất lớn của cuộc bầu cử, được dư luận trong nước cũng như bạn bè quốc tế ghi nhận và đánh giá cao.
Báo Điện tử Tổ Quốc đã phỏng vấn ông Nguyễn Sĩ Dũng – nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội về thành công này:
-Thưa ông, Hội đồng Bầu cử Quốc gia đã công bố danh sách những người trúng cử đại biểu Quốc hội khóa XV. Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, Chánh Văn phòng Hội đồng bầu cử quốc gia Bùi Văn Cường cho biết trong phiên họp thứ 57 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội ngày 14/6 rằng, kết quả bầu 499 đại biểu Quốc hội đã khẳng định công tác nhân sự được chuẩn bị kỹ lưỡng, dân chủ, đúng quy định của pháp luật. Ông có thể chia sẻ về điều này?
+ Ông Nguyễn Sĩ Dũng: Về cơ bản, tôi đồng ý với đánh giá của ông Bùi Văn Cường, Chánh văn phòng Hội đồng bầu cử quốc gia. Công tác nhân sự đã được chuẩn bị qua ba lần hiệp thương: Lần 1 để thỏa thuận về cơ cấu và sơ lượng đại biểu giữa các cơ quan tổ chức, giữa Trương ương và địa phương; Lần 2 để các cơ quan có cơ cấu lựa chọn nhận sự, lấy phiếu tín nhiệm nơi công tác và giới thiếu các ứng cử viên của mình; Lần 3 để tổ chức lấy phiếu tín nhiệm nơi cư trú và để Mặt trận Tổ quốc xem xét và chính thức giới thiệu.
Quy trình này quả thật rất kỹ lưỡng và theo đúng quy định của Luật bầu cử. Nhờ vậy, các nhân sự được giới thiệu là có chất lượng và đủ tiêu chuẩn. Trường hợp của ông Trần Văn Nam, Bí thư tình Ủy Bình Dương không được Hội đồng bầu cử quốc gia phê chuẩn là rất ngoại lệ và vi phạm của ông cũng ở nhiệm kỳ trước. Quả thực, mọi quy trình đều có thể có sai sót. Quy trình kỹ hơn thì đỡ sai sót hơn thôi.
-Kết quả bầu cử cho thấy tỷ lệ đại biểu nữ đã có sự thay đổi và bước tiến vượt bậc (Trước đây chúng ta đứng thứ 71 thế giới, thứ 9 Châu Á, thì hiện nay chúng ta đứng thứ 51 thế giới và thứ 4 ở Châu Á). Bên cạnh đó, kết quả cũng chỉ ra người dân tộc thiểu số đạt tỷ lệ cao nhất từ trước đến nay, trong đó có 02 dân tộc ít người lần đầu tiên có ứng viên trúng cử đại biểu Quốc hội; tỷ lệ đại biểu chuyên trách cũng tăng cao nhất so với trước đây; có 14 đại biểu là người ngoài Đảng. Những tiêu chí trên đã cho thấy tinh thần dân chủ, công khai, minh bạch của cuộc bầu cử. Xin ông chia sẻ quan điểm về nội dung này?
+ Ông Nguyễn Sĩ Dũng: Những số liệu trên cho thấy năng lực đại diện của Quốc hội khóa XV có thể được nâng cao. Nữ giới và các thành phần dân tộc, xã hội khác nhau có nhiều đại biểu hơn, thì tiếng nói của họ trong nghị trường sẽ vang vọng hơn, các vấn đề của họ cũng sẽ được quan tâm hơn.
-Trong danh sách 499 đại biểu trúng cử, có 8 đại biểu thế hệ 9X. Đây có lẽ là nhiệm kỳ đầu tiên có số lượng đại biểu trẻ nhiều như thế này. Trong đó, đại biểu trẻ nhất là một phụ nữ dân tộc Khơ Mú mới 24 tuổi. Ông nhận định thế nào về nỗ lực và khát vọng của tuổi trẻ cũng như sự công bằng của cuộc bầu cử?
+ Ông Nguyễn Sĩ Dũng: Các đại biểu trẻ là một nguồn sinh lực mới cho Quốc hội. Thông thường, những người trẻ tuổi hơn thì cảm nhận thời đại tốt hơn. Nhờ đó họ có thể giúp Quốc hội có thêm góc nhìn cập nhật hơn đối với các vấn đề mới của đất nước và cũng có những phản ứng chính sách hợp thời hơn.
Tuy nhiên, thách thức đối với các đại biểu trẻ là rất lớn. Thách thức thứ nhất là năng lực làm nhà lập pháp chưa hình thành. Thách thức thứ hai là văn hóa coi trọng "lão làng". Quá non trẻ, thì ít được lắng nghe là một nét văn hóa Á Đông. Muốn đóng góp được thì các đại biểu trẻ phải nhanh chóng phát triển kỹ năng lập luận và diễn thuyết của mình.
-Trong cuộc bầu cử lần này, có không ít ứng cử viên do Trung ương giới thiệu đã không trúng cử đại biểu Quốc hội. Điều này cho thấy rõ bầu cử không phải là hình thức, đồng thời khẳng định chắc chắn hơn nữa quyền bầu cử là một trong những quyền chính trị quan trọng của công dân. Quan điểm của ông về vấn đề này như thế nào?
+ Ông Nguyễn Sĩ Dũng: Ứng cử viên của Trung ương không trúng cử là điều bình thường. Ứng cử viên của Trung ương không trúng cử lần này chỉ có 9 người, nhưng lần trước (khóa XIV) là 15 người. Thực ra, ứng cử viện của Trung ương phải về địa phương ứng cử thường có nhiều rủi ro hơn. Rủi ro lớn nhất là xu thế lựa chọn "người nhà mình" của đa số cử tri. Xu thế dành thiện cảm cho đồng hương là một xu thế tự nhiên.
Trong một cuộc điều tra hơn 15 năm trước đây của Trung tâm Thông tin, Thư viện và Nghiên cứu Khoa học của Văn phòng Quốc hội, thì có đến 75% cử tri khẳng định là sẽ ưu tiên bầu cho ứng cử viên thuộc địa phương mình. Nếu các ứng của viên của Trung ương được cử về quê của họ để ứng cử thì rủi ro bị xem là không phải "người nhà mình" sẽ ít hơn.
Ứng cử viên của Trung ương thường thuộc cơ cấu cứng. Khi các ứng cử viên này thất cử, thì cơ cấu sẽ bị ảnh hưởng ngay. Ví dụ, do có đến 7 ứng cử viên của Trung ương thất cử, nên chúng ta chưa bầu đủ được 40% đại biểu hoạt động chuyên trách.
-Là người nghiên cứu sâu về Quốc hội và có nhiều năm phục vụ Quốc hội, ông kỳ vọng như thế nào về Quốc hội khóa XV?
+ Ông Nguyễn Sĩ Dũng: Tôi kỳ vọng Quốc hội khóa XV sẽ tiếp tục truyền thống của Quốc hội khóa XIV. Trước hết, là tiếp tục "khó tính" trong việc thẩm định các dự luật. Quốc hội chỉ thông qua một dự luật khi dự luật đó thật sự cần thiết, thật sự có chất lượng, thật sự loại trừ được lợi ích nhóm.
Chất lượng các đạo luật thấp, sự chồng chéo và xung đột với nhau của không ít các quy phạm pháp luật đang là một trong những vấn đề lớn nhất của nền quản trị quốc gia. Sự chồng chéo, xung đột đang làm ách tắc nghiêm trọng quá trình triển khai các dự án đầu tư, các công trình xây dựng, các hoạt động sản xuất, kinh doanh. Đó là chưa nói tới việc rủi ro chính sách, cũng như chi phí tuân thủ pháp luật đang tăng cao chưa từng thấy.
Thứ hai, Quốc hội cần "khó tính" hơn trong việc áp đặt trách nhiệm giải trình. Mọi chính sách được ban hành đều phải giải trình được với Quốc hội. Và Quốc hội phải áp đặt trách nhiệm nếu các quan chức không giải trình được các quyết sách của mình.
-Xin cảm ơn ông!