• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Ông Nguyễn Viết Thanh đã thao túng “siêu dự án” chống ngập như thế nào?

Kinh tế 01/11/2018 14:27

(Tổ Quốc) - Không giữ chức danh gì trong Liên danh Tư vấn giám sát hợp đồng (TVGSHĐ) Dự án chống ngập do triều có tổng mức đầu tư (giai đoạn 1) gần 10.000 tỷ đồng, nhưng ông Nguyễn Viết Thanh toàn quyền chỉ đạo, điều hành các thành viên Đoàn Tư vấn.

Không chỉ  "duyệt" các báo cáo quan trọng đã được Trưởng Đoàn tư vấn thông qua, khi hành vi sử dụng chữ ký bằng dấu bị lật tẩy, ông này đã chỉ đạo những người liên quan cách đối phó với cơ quan chức năng.

Tiết lộ gây sốc

Báo CAND từng có bài phản ánh tuy không có chức danh và vai trò gì nhưng ông Nguyễn Viết Thanh vẫn thường vào trụ sở UBND TP Hồ Chí Minh để tham dự các cuộc họp do lãnh đạo thành phố chủ trì về Dự án giải quyết ngập do triều khu vực TP Hồ Chí Minh có xét đến yếu tố biến đổi khí hậu (giai đoạn 1, gọi tắt là Dự án chống ngập do triều) với tư cách là đại diện Liên danh Tư vấn giám sát hợp đồng (TVGSHĐ).

Không chỉ "chém gió" trong các cuộc họp liên quan đến dự án, ông Thanh còn điều hành toàn bộ công việc nội bộ của Liên danh TVGSHĐ và công việc của các thành viên Đoàn Tư vấn với vai trò như là một… lãnh đạo.

Dưới sự điều hành của ông Thanh, chức năng tư vấn, hướng dẫn các bên liên quan tuân thủ pháp luật và hợp đồng đã ký kết của TVGSHĐ đã bị "bẻ cong", có xu hướng tìm những sơ suất của dự án, kể cả những vấn đề không thuộc nhiệm vụ TVGSHĐ được giao để… phản biện với UBND TP Hồ Chí Minh.

Ông Nguyễn Viết Thanh đã thao túng “siêu dự án” chống ngập như thế nào? - Ảnh 1.

Ông Nguyễn Viết Thanh tham dự một cuộc họp liên quan đến Dự án chống ngập do triều tại UBND thành phố.

Thực tế đấy là những việc làm gây trở ngại cho quá trình triển khai thực hiện dự án. Rõ nhất là việc thay đổi địa điểm đổ bùn thải đã xảy ra rất lâu và Sở TN&MT thành phố đã phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường; UBND thành phố đã có văn bản chấp thuận, nhưng ông Thanh vẫn yêu cầu nhân viên dưới quyền lục lạo, tìm mọi sơ hở có thể nhằm "né" trách nhiệm của TVGSHĐ trong việc đẩy dự án đến bước "chết chìm".

Sự điều hành chuyên quyền, thiếu thiện chí của ông Thanh đã gây bức xúc cho không ít thành viên trong Đoàn TVGSHĐ. Một chuyên gia trong Đoàn TVGSHĐ (đề nghị không nêu tên) có văn bản gửi cơ quan chức năng thành phố cho biết: Quyền lực của ông Thanh là số 1, còn ông L. Fernando Requena, Trưởng đoàn Tư vấn chỉ là có mặt, có tên để hợp thức hóa yêu cầu của UBND TP Hồ Chí Minh về việc Tư vấn có yếu tố nước ngoài.

Đơn cử như tại cống Bến Nghé, ông Thanh yêu cầu các chuyên gia làm rõ việc thay vật liệu thép hạng mục cửa cống của nhà đầu tư và khi các báo cáo gửi về chỉ ra loại thép được thay là thép Nhật nhưng bền hơn thì ông Thanh yêu cầu "bổ sung thêm những nội dung còn thiếu và chưa chính xác" để làm văn bản.

Vẫn chưa yên tâm, ông Thanh còn chỉ đạo nhân viên sau khi vị Trưởng đoàn tư vấn người nước ngoài thông qua thì phải trình văn bản cho ông xem trước khi phát hành. Thậm chí với nhiều báo cáo, ông Thanh còn yêu cầu nhân viên soạn thảo, ông duyệt rồi phát hành, chỉ đóng dấu chứ không cần phải xin ý kiến Trưởng đoàn tư vấn hoặc xin sau đó để hợp thức hóa…

Việc xin ý kiến ông L. Fernando Requena, Trưởng Đoàn tư vấn trong các báo cáo gửi UBND thành phố cũng chỉ mang tính hình thức vì ông này đã từng khẳng định với các sở ngành chức năng rằng mình không biết tiếng Việt và luật pháp Việt Nam.

Vì tin tưởng các nhân viên người Việt nên ông L. Fernando Requena ký các văn bản bằng tiếng Việt?! Từ đây cũng đặt ra vấn đề là liệu một dự án lớn như vậy có cần thiết phải có người nước ngoài đứng tên cho có để hợp thức hoá chữ ký; phía sau là một người khác (ông Thanh - PV) điều hành nhằm thực hiện ý đồ cho riêng mình; còn khi có chuyện xảy ra, mọi trách nhiệm thuộc về ông L. Fernando Requena.

Một thành viên trong Đoàn TVGSHĐ còn tiết lộ, để "phá" dự án, ông Thanh tuyên bố: "Làm mọi cách để dẹp tan các sở, ngành đang bắt tay với nhà đầu tư. Nhà đầu tư trình vấn đề gì, lập tức ông Thanh chỉ đạo làm văn bản bác ngay. Rõ nhất là khi nhà đầu tư thi công xong và xin xác nhận giá trị hoàn thành cống Tân Thuận trị giá 76 tỷ, ông Thanh yêu cầu làm báo cáo bác bỏ. Các sai sót của nhà đầu tư, ông Thanh chỉ đạo làm báo cáo gửi cơ quan chức năng trả hồ sơ để nhà đầu tư tự làm, chứ TVGSHĐ không hướng dẫn".

Ông Thanh là ai?

Theo tìm hiểu của PV Báo CAND, ông Thanh từng điều hành một đơn vị tư vấn nước ngoài tham gia dự án "Cải thiện môi trường lưu vực Nhiêu Lộc - Thị Nghè" nổi đình, nổi đám một thời. Ông L. Fernando Requena cũng tham gia dự án này dưới sự "điều hành" của ông Thanh. Và từ sau dự án kể trên đến nay, ông Thanh luôn khoe mình có mối quan hệ thân tín với một vài cán bộ lãnh đạo thành phố (?).

Cũng cần kể thêm, sau khi việc tự ý trở về Mỹ từ ngày 14-7-2018 và việc một số đối tượng lợi dụng chữ ký dấu của L. Fernando Requena để phát hành hàng chục văn bản "tố" dự án, bị phanh phui, trong một văn bản do ông Thanh chỉ đạo soạn thảo, TVGSHĐ viện dẫn lý do: Vị trí Trưởng Đoàn tư vấn chỉ có 7 tháng được tính lương nhân công trên tổng số 24 tháng thi công và 30 tháng bảo hành của dự án, nên không thể có mặt thường xuyên, phải chỉ đạo từ xa qua email, fax… Và bộ phận thường trực phải sử dụng chữ ký dấu.

Thậm chí, TVGSHĐ còn "thách thức" muốn Trưởng Đoàn tư vấn làm việc 100% thời gian, thành phố phải bố trí thêm ngân sách để trả lương, chi phí ăn ở, đi lại… Trong khi đó, thời gian qua, thù lao trả cho ông L. Fernando Requena là hơn 363 triệu đồng/tháng, cao gấp hơn 5 lần lương của Phó trưởng Đoàn tư vấn người Việt Nam; đó là chưa kể khoản công tác phí dành cho chuyên gia nước ngoài ở mức hơn 820 triệu đồng.

Được hưởng mức thù lao cùng với các chính sách ưu đãi cao ngất ngưởng, song có một thực tế là từ lúc còn ở Việt Nam (trước ngày 14-7-2018), chẳng mấy khi ông L. Fernando Requena có mặt ở Văn phòng dự án tại TP Hồ Chí Minh để làm việc mà hầu hết thời gian là lưu trú ở TP Hải Phòng để làm… một dự án khác.

Do đó, việc TVGSHĐ sử dụng chữ ký bằng dấu và con dấu của Công ty Tư vấn Meinhardt rồi chuyển cho ông Thanh xem trước khi phát hành đã diễn ra từ khi ông L. Fernando Requena còn ở Việt Nam. Từ tháng 1-2018 đến ngày 14-7-2018, Liên danh TVGSHĐ đã phát hành 45 văn bản.

Do ông L. Fernando Requena sinh sống, làm việc chủ yếu ở Hải Phòng nên chỉ có vài văn bản được ông này ký trực tiếp, còn lại là ký bằng cách... đóng dấu.

Việc cản trở dự án, gây lãng phí cho ngân sách đến mức như vậy, nhưng tại cuộc họp với nhân viên, ông Thanh luôn tuyên bố TVGSHĐ đang thực hiện chủ trương chống... tiêu cực, lãng phí, thất thoát(?). Có nhiều bằng chứng mà PV Báo CAND thu thập được cho thấy ông Thanh và một số người liên quan đang tìm mọi cách để hợp thức hóa các chứng cứ vi phạm, dàn dựng các kịch bản, thống nhất lời khai nhằm đối phó với cơ quan điều tra.

Dư luận và người dân thành phố đề nghị cơ quan điều tra cần khẩn trương đưa ra ánh sáng hành vi sử dụng chữ ký đóng dấu trái pháp luật của TVGSHĐ cũng như làm rõ ông Thanh là ai mà khuynh đảo và có những việc làm lộ ý "một tay che trời"…


Theo Bảo Sơn/CAND

NỔI BẬT TRANG CHỦ