• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Ông Phạm Nhật Vượng thuộc Top 100 người giàu nhất hành tinh; PGBank dừng sáp nhập về VietinBank sau gần 2 năm đàm phán

Kinh tế 08/04/2018 11:59

(Tổ Quốc) - Ông Phạm Nhật Vượng thuộc Top người 100 giàu nhất hành tinh; PGBank dừng sáp nhập về VietinBank sau gần 2 năm đàm phán; Nhóm Bầu Kiên vẫn còn nợ ACB hơn 600 tỷ đồng… là những thông tin gây chú ý dư luận trong tuần qua (2/4-6/4).

Ông Phạm Nhật Vượng có 7 tỷ USD: Top 100 giàu nhất hành tinh

Ông Phạm Nhật Vượng (Nguồn: Internet)

Liên tiếp lập các kỷ lục và công bố một loạt dự án mới, tỷ phú USD Phạm Nhật Vượng đã chứng kiến túi tiền của mình tăng hơn 2,4 lần trong vòng tròn 6 tháng qua lên 7 tỷ USD và lọt top 240 người giàu nhất hành tinh.

Đây là lần đầu tiên một vị tỷ phú người Việt lọt vào top 250 người giàu nhất thế giới.

Hàng loạt tham vọng của tỷ phú USD Phạm Nhật Vượng tiếp tục nuôi dưỡng đà tăng cho cổ phiếu Vingroup (VIC). Với tốc độ này, ngay trong năm 2018, ông Phạm Nhật Vượng, chủ tịch Tập đoàn Vingroup (VIC) sẽ có 15 tỷ USD và lọt top 100 người giàu nhất hành tinh.

Trong vài phiên gần đây, cổ phiếu VIC của Vingroup của tỷ phú USD Phạm Nhật Vượng liên tục bứt phá và lập các đỉnh cao mới. Trong phiên 5/4, VIC tăng thêm 3.500 đồng lên đỉnh cao mới: 131.000 đồng/cp, giúp vốn hóa của Vingroup lên 345 ngàn tỷ đồng (15,2 tỷ USD).

Vingroup vượt qua Vinamilk (VNM) trở thành doanh nghiệp có vốn hóa lớn nhất trên thị trường chứng khoán (TTCK) .

Trước đó, cuối năm 2017, ông Phạm Nhật Vượng từng 1 ngày lịch sử chiếm 2 đỉnh cao: Giành lại vị trí người giàu nhất trên TTCK Việt Nam vừa sở hữu doanh nghiệp tư nhân lớn nhất nước.

PGBank dừng sáp nhập về VietinBank sau gần 2 năm đàm phán

VietinBank cho biết tính tới thời điểm lập báo cáo tài chính hợp nhất kiểm toán năm 2017, sau gần 2 năm đàm phán về việc sáp nhập, ngân hàng này và PGBank đã chính thức có thỏa thuận tạm dừng giao dịch sáp nhập.

Cả 2 ngân hàng sẽ báo cáo cấp có thẩm quyền của mỗi bên, để phê duyệt chấm dứt giao dịch sáp nhập.

Câu chuyện sáp nhập PGBank đã bắt đầu từ năm 2013, khi có nhiều ngân hàng lớn "dòm ngó" và thể hiện ý muốn sáp nhập nhà băng này vào hệ thống, trong đó nổi bật nhất là VietinBank. Hai ngân hàng cũng đã gửi tới cổ đông tờ trình kế hoạch sáp nhập, với tỷ lệ 1:0,9. Các cổ đông hai bên cũng đã đồng thuận và ủy quyền cho HĐQT đàm phán về thời gian cũng như các thủ tục sáp nhập.

Hai bên đã có quá trình đàm phán nhiều năm, thậm chí đã tiến tới ký kết Hồ sơ sáp nhập theo phê duyệt của ĐHĐCĐ VietinBank năm 2015 .

Doanh nhân Nguyễn Hoài Nam chuyển 240 triệu đồng cho tài xế bẻ lái cứu người

Doanh nhân Nguyễn Hoài Nam (Nguồn: Internet)

Ngày 3/4, doanh nhân Nguyễn Hoài Nam đã chuyển đầy đủ số tiền 240 triệu đồng vào tài khoản của vợ tài xế Đỗ Văn Tiến.

Chia sẻ với báo giới lý do sẵn sàng bỏ ra một số tiền không nhỏ để giúp tài xế Đỗ Văn Tiến, doanh nhân Nguyễn Hoài Nam cho biết: “Tôi chỉ muốn những tài xế khác biết rằng, nếu họ hành động đúng, cứu mạng người thì họ sẽ không bao giờ bị xã hội bỏ rơi. Luôn luôn sẽ có người trong xã hội đứng ra bảo vệ lẽ phải”.

Vị doanh nhân cũng cho biết, anh không đợi xác nhận xem tài xế có phải đền hay không đền là bởi “Đã là nghĩa cử thì tôi cứ chuyển, họ sẽ tự quyết định số tiền đền bù và quyết định cuộc sống của họ”.

Trước đó, vào chiều tối ngày 2/4, trên mạng xã hội liên tục có chia sẻ về dòng trạng thái của một doanh nhân trẻ liên quan tới vụ việc tài xế xe tải Đỗ Văn Tiến bẻ lái cứu mạng 2 nữ sinh.

Vị doanh nhân tuyên bố trên trang cá nhân: “Nếu anh lái xe bẻ lái cứu 2 cô gái đi xe máy bị đền 240 triệu và giam bằng lái. Tôi xin nộp thay số tiền trên và trả lương cho ảnh tới khi trả lại bằng. Tôi chỉ muốn nói "Cảm ơn anh, và phản xạ tuyệt vời của anh đã cứu 2 mạng người. Các anh lái xe, hãy luôn cứu người, mọi người sẽ không bỏ rơi các Anh”.

Nhóm Bầu Kiên vẫn còn nợ ACB hơn 600 tỷ đồng

Báo cáo tài chính kiểm toán 2017 của ACB vừa hé lộ tình hình khoản vay của nhóm 6 công ty này.

Cụ thể, tính đến ngày 30/11/2017, tổng dư nợ, đầu tư và phải thu liên quan nhóm 6 công ty này tại ACB gần 3.394 tỷ đồng, trong đó cho vay 1.048 tỷ, chứng khoán đầu tư 1.718 tỷ và phải thu 627 tỷ.

Đến cuối năm 2017, ACB còn các khoản phải thu khác trị giá 616 tỷ đồng tại nhóm 6 công ty này và đã trích lập dự phòng đầy đủ. Cùng năm, ACB thu hồi tổng cộng thêm gần 819 tỷ đồng từ số dư nợ của nhóm 6 công ty; năm 2016 cũng thu gần 1.854 tỷ đồng.

Như vậy, sau gần 5 năm vướng vào các khoản nợ của nhóm 6 công ty liên quan bầu Kiên, ACB đã gần như xử lý xong.

Năm 2012, ông Nguyễn Đức Kiên (bầu Kiên) bị bắt về hành vi "kinh doanh trái phép" theo điều 159 - Bộ Luật hình sự. Thời điểm đó, ông Kiên cùng những người thân trong gia đình đang nắm giữ lượng cổ phiếu lớn tại nhiều ngân hàng, trong đó có Ngân hàng TMCP Á Châu (ACB).

Đến cuối năm 2012, báo cáo tài chính kiểm toán của ACB chỉ ra nhóm 6 công ty mà bầu Kiên làm Chủ tịch hoặc thành viên Hội đồng quản trị (HĐQT) có các khoản vay, chứng khoán đầu tư với tổng dư nợ gần 7.130 tỷ đồng tại ACB, bao gồm, 3.511 tỷ cho vay, 2.450 tỷ chứng khoán đầu tư và gần 1.166 tỷ đồng phải thu tại ACB./.

Hà Giang

 

NỔI BẬT TRANG CHỦ