• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Ông Trần Bắc Hà liên quan thế nào đến vụ cho vay 4.700 tỷ?

Kinh tế 02/06/2018 15:42

(Tổ Quốc) - Ngày 3/10/2013, ông Trần Bắc Hà ký 12 quyết định phê duyệt chủ trương cho vay mua vật liệu xây dựng cho 12 công ty do Phạm Công Danh đề xuất.

Kỳ họp 26 của Uỷ ban Kiểm tra (UBKT) vừa kết luận về vi phạm của Ban Thường vụ Đảng ủy Ngân hàng Thương mại cổ phần Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV). 

Ông Trần Bắc Hà (Nguồn: Vietnamfinance)

Đối với trường hợp ông Trần Bắc Hà, nguyên Bí thư Đảng ủy, nguyên Chủ tịch Hội đồng quản trị (HĐQT) – UBKT kết luận, ông Hà chịu trách nhiệm chính về những vi phạm, khuyết điểm của Ban Thường vụ Đảng ủy nhiệm kỳ 2010-2015, 2015-2020, UBKT cho biết, ông Hà đã vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ, quy chế làm việc, có biểu hiện áp đặt, thiếu dân chủ trong chỉ đạo, điều hành; vi phạm nghị quyết của Ban Thường vụ Đảng ủy về nghĩa vụ, trách nhiệm của người giữ chức vụ trong hệ thống BIDV.

“Ông Trần Bắc Hà vi phạm quy trình, thủ tục, thẩm quyền, quy định về tín dụng trong việc phê duyệt chủ trương, quyết định một số khoản cho vay, bảo lãnh, đầu tư, quản lý nợ, trong đó có việc phê duyệt chủ trương cho vay 4.700 tỷ đồng đối với 12 công ty liên quan đến vụ án xảy ra tại Ngân hàng Xây dựng”, kết luận nêu rõ.

Liên quan đến “vụ cho vay 4.700 tỷ đồng”, trước đó, tại phiên xét xử đại án Phạm Công Danh (cựu Chủ tịch HĐQT Ngân hàng Xây dựng - VNCB) diễn ra vào sáng 8/1/2018 và kéo dài gần một tháng, TAND TP HCM đã triệu tập gần 200 người, đơn vị có quyền và nghĩa vụ liên quan, người làm chứng gồm: ông Trần Bắc Hà (nguyên Chủ tịch HĐQT, Trưởng Phân ban rủi ro tín dụng Ngân hàng BIDV), Đoàn Ánh Sáng và Trần Lục Lang (2 phó Tổng giám đốc phụ trách Ban khách hàng doanh nghiệp và phụ trách ban quản lý rủi ro) cùng nhiều cá nhân khác tại BIDV.

Theo điều tra, ngày 24/5/2013, ông Đoàn Ánh Sáng đại diện BIDV và ông Đỗ Hoàng Linh (Phó Tổng giám đốc VNCB) ký thỏa thuận hợp tác cùng tham gia chuỗi liên kết 4 nhà của BIDV với tư cách là ngân hàng của người bán (nhà phân phối, sản xuất vật liệu xây dựng).

Thỏa thuận được đưa ra là, VNCB có khách hàng, đối tác sẽ giới thiệu cho BIDV vào chuỗi liên kết này. Phía BIDV sẽ xem xét cấp hạn mức giao dịch liên ngân hàng cho VNCB theo quy định. 

Thời điểm này, do cần tiền tăng vốn điều lệ theo đề án tái cơ cấu ngân hàng, ông Danh đến hội sở BIDV gặp ông Đoàn Ánh Sáng đặt vấn đề "sẽ giới thiệu khách hàng của VNCB (là các doanh nghiệp) sang BIDV vay vốn" kinh doanh vật liệu xây dựng. Nếu khách hàng không đủ tài sản thì VNCB sẽ dùng tài sản của mình để bảo đảm.

Được lãnh đạo BIDV chấp thuận, ông Danh chỉ đạo cấp dưới lựa chọn 12 công ty, chuẩn bị hồ sơ gửi cho nhà băng này, đề nghị vay tổng cộng 4.700 tỷ đồng.

Ông Đoàn Ánh Sáng đã đồng ý và xin chủ trương của Phó Tổng Giám đốc BIDV Trần Lục Lang và Tổng Giám đốc, ủy quyền cho Giám đốc chi nhánh các nội dung về điều kiện cấp tín dụng. Khi có ý kiến này, Ban Quản lý rủi ro tín dụng Hội sở chính BIDV đã thẩm định, đánh giá rủi ro theo quy định sau đó trình ban lãnh đạo về việc phê duyệt chủ trương cho vay vật liệu xây dựng theo mô hình 4 nhà với các công ty.

Tờ trình này được ông Trần Lục Lang ký duyệt và trình Ủy ban quản lý rủi ro đề nghị xem xét, phê duyệt chủ trương theo thẩm quyền (không xin ý kiến Tổng giám đốc).

Ủy ban quản lý rủi ro không tiến hành họp mà lấy ý kiến từng thành viên phân ban rủi ro tín dụng thuộc Ủy ban quản lý rủi ro, sau đó lập báo cáo tổng hợp các ý kiến các thành viên phân ban rủi ro tín dụng, đầu tư và được ông Trần Bắc Hà (Trưởng phân ban) ký phê duyệt.

Ngày 3/10/2013, ông Trần Bắc Hà ký 12 quyết định phê duyệt chủ trương cho vay mua vật liệu xây dựng cho 12 công ty do Phạm Công Danh đề xuất./.

Hà Giang (T/h)

 

 

NỔI BẬT TRANG CHỦ