(Tổ Quốc) - Hơn 74 triệu cổ phiếu của Ngân hàng Thương mại Cổ phần (TMCP) Đông Á (DAB) đã lần lượt được ông Trần Phương Bình “hô biến” sang tên cho người nhà của mình trong thời gian từ năm 2007 – 2014.
- 10.12.2016 Vì sao cựu tổng giám đốc Ngân hàng Đông Á bị bắt?
- 12.12.2016 Bộ Công an: Cựu Tổng giám đốc Ngân hàng Đông Á bị bắt với hai tội danh
- 14.12.2016 Vàng đã khiến DongA Bank lỗ gần 140 tỷ đồng chỉ trong 1 năm
- 23.04.2017 Nguyên Phó tổng giám đốc DongA Bank bị bắt vì tội danh gì?
- 24.11.2017 Mở rộng vụ án tại Đông Á Bank: Thêm 7 đối tượng bị khởi tố
- 12.01.2018 Nguyên trưởng phòng Ngân hàng Đông Á Nguyễn Huỳnh Đăng bị truy nã liên quan đến những ai?
- 13.06.2018 Khởi tố nguyên Trưởng ban Kiểm soát Ngân hàng TMCP Đông Á
- 13.06.2018 Hé lộ thông tin về cựu ủy viên HĐQT của PNJ vừa bị khởi tố
- 16.06.2018 Khởi tố nguyên Trưởng ban Kiểm soát Ngân hàng TMCP Đông Á; Hai “ghế nóng” tại Habeco chính thức “đổi chủ“
- 19.06.2018 Thông tin mới nhất về Vũ “nhôm” và 23 đồng phạm
Trần Phương Bình, nguyên Tổng giám đốc Ngân hàng Đông Á. Ảnh: Người Lao Động. |
Theo bản kết luận điều tra bổ sung, Cơ quan cảnh sát điều tra vụ án Cố ý làm trái, vi phạm quy định gây hậu quả nghiêm trọng xảy ra tại Ngân hàng Thương mại Cổ phần Đông Á (DAB) cho biết: Trong thời gian từ năm 2007 đến năm 2014, ông Trần Phương Bình (nguyên Tổng giám đốc, kiêm Phó chủ tịch HĐQT DAB) đã liên tiếp chỉ đạo cấp dưới (Nguyễn Đức Vinh – nguyên Trưởng phòng ngân quỹ, kiêm thủ quỹ DAB) chi sai nguyên tắc hàng nghìn tỷ đồng để thu mua hơn 74 triệu cổ phần của DAB.
Cá biệt, chỉ riêng năm 2007, ông Trần Phương Bình đã thu mua tới 5.397.400 cố phần của DAB.
Năm 2007, lợi dụng việc DAB phát hành cổ phần chào bán ra thị trường (trong 2 đợt vào tháng 5 và tháng 12/2017) để tăng vốn điều lệ, ông Trần Phương Bình đã huy động người nhà đứng tên mua toàn bộ số cổ phần trên (5.397.400).
Để có thể “hô biến” hơn 5 triệu cổ phần của DAB, sang cho người nhà của mình, ông Trần Phương Bình – lúc bấy giờ đang là Tổng giám đốc, kiêm Phó chủ tịch HĐQT DAB, đã chỉ đạo cho Nguyễn Đức Vinh lập 08 bảng kê kiêm phiếu thu (không số) thu khống tổng số tiền 374,477 tỷ đồng.
Cụ thể, trong hai ngày 30, 31/5/2007, Phạm Văn Tân – Trợ lý của ông Trần Phương Bình, đã đứng tên và mua hộ ông Trần Phương Bình 723.200 cổ phần của DAB với giá 94,016 tỷ đồng. Để hợp pháp hóa việc mua bán số cổ phần trên, ôngTrần Phương Bình đã chỉ đạo Nguyễn Đức Vinh lập 02 bảng kê kiêm phiếu thu ngày 30 và 31/5/2017, nhằm mục đích thu khống số tiền hơn 94 tỷ đồng mua số cổ phần trên. Theo bảng kê và phiếu thu đó, Nguyễn Hữu Chính ký thay Phạm Văn Tân tại mục người nộp tiền của chứng từ nộp khống 39 tỷ đồng, Trần Phương Bình trực tiếp ký thay Phạm Văn Tân tại mục người nộp tiền của chứng từ thu khống 55,016 tỷ đồng. Còn Nguyễn Đức Vinh ký mục Thủ quỹ.
Toàn bộ số cổ phần trên đã được ông Trần Phương Bình chuyển nhượng lại cho Tổng Công ty CP Bảo hiểm Dầu khí, Công ty cổ phần Quê Hương và Nguyễn Hồng Ánh (nguyên cán bộ Công an TP Hồ Chí Minh).
Đến ngày 10/12/2007, ông Trần Phương Bình tiếp tục chỉ đạo Nguyễn Đức Vinh lập bảng kê kiêm phiếu thu để thu khống số tiền 31,38 tỷ đồng của Cao Ngọc Liên – Bố vợ ông Trần Phương Bình, đồng thời cũng là người đứng tên mua 523 nghìn cổ phần của DAB. Toàn bộ số cổ phần này, sau đó đã nhanh chóng được ông Trần Phương Bình chuyển nhượng cho công ty TNHH Ninh Thịnh vào cuối tháng 12/2007 – Công ty Ninh Thịnh là “Công ty sân sau” của ông Trần Phương Bình.
Tiếp đó, vợ cùng hai con gái của ông Trần Phương Bình là Cao Thị Ngọc Dung, Trần Phương Ngọc Thảo và Trần Phương Ngọc Giao, liên tiếp đứng tên để mua cổ phần của DAB, với tổng số tiền lên tới gần 160 tỷ đồng.
Trước đó, ông Trần Phương Bình cũng đã trực tiếp đứng tên mua 671.600 cổ phần của DAB với giá 40, 296 tỷ, đồng thời chỉ đạo Đỗ Văn Hiếu – Trưởng phòng Hành chính DAB, đứng tên mua hộ 908.400 cổ phần của DAB với giá 54,504 tỷ. Tất cả những lần huy động người nhà, cấp dưới hay bản thân trực tiếp đứng tên mua cổ phần của DAB, ông Trần Phương Bình đều chỉ đạo Nguyễn Đức Vinh lập bảng kê kiêm phiếu thu và đều thu khống số tiền mua cổ phần.
Như vậy là, chỉ với thủ đoạn lập bảng kê kiêm phiếu thu và thu khống, ông Trần Phương Bình, với sự “trợ giúp” của các nhân viên cấp dưới đã thu mua một cách dễ dàng tổng số 5.398.400 cổ phần của DAB trong năm 2007. Điều này cũng đồng nghĩa với việc, DAB bị âm quỹ số tiền lên tới 374,477 tỷ đồng.
Để “chữa cháy” cho số tiền âm quỹ lớn như trên. Vào cuối năm 2007, ông Trần Phương Bình đã tiếp tục chỉ đạo Nguyễn Đức Vinh xuất quỹ chi ra 23.252 lượng vàng mà không cần lập chứng từ. Toàn bộ số vàng trên được Trần Phương Bình chỉ đạo bán cho các hiệu vàng trên địa bàn TP Hồ Chí Minh nhằm mục đích lấy tiền bù đắp cho âm quỹ của ngân hàng. Trong khi đó, phần lớn số cổ phần của DAB được ông Trần Phương Bình “hô biến” sang cho bản thân và người nhà, đều đã được chuyển nhượng “trong im lặng”, để mang về cho mình những khoản tiền không hề nhỏ.
Được biết, đến nay, ông Trần Phương Bình vẫn đang là chủ sở hữu số cổ phần đứng tên của vợ và hai con gái. Hàng năm, DAB vẫn phải trả cổ tức cho các cổ đông này./
Vi Phong