(Tổ Quốc) - Tới thăm và chúc Tết gia đình NSND Đinh Bằng Phi và GS-TSKH Lê Ngọc Trà, ông Võ Văn Thưởng cho biết rất trăn trở khi nhiều văn nghệ sĩ, người làm nghiên cứu khoa học chưa sống được bằng nghề.
Sáng nay, ông Võ Văn Thưởng, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương đã đến thăm và chúc Tết các nghệ sĩ nhân dân, nhà khoa học đang sinh sống ở TP.HCM.
Tại buổi thăm NSND Đinh Bằng Phi (ở quận 3, TP.HCM), ông Võ Văn Thưởng đánh giá, trong nền văn học nghệ thuật nói chung và trong nghệ thuật hát bội truyền thống nói riêng, sự đóng góp của NSND Đinh Bằng Phi rất to lớn.
Theo ông Thưởng, Đảng và Nhà nước luôn luôn đề cao, phát huy vai trò của các loại hình nghệ thuật truyền thống. Dù đất nước có phát triển, công nghiệp hóa, hiện đại hóa cỡ nào đi nữa, các loại hình nghệ thuật truyền thống luôn có một giá trị to lớn, bồi dưỡng nhân cách, văn hóa con người Việt Nam.
Ông Võ Văn Thưởng bày tỏ, lao động nghệ thuật của văn nghệ sĩ rất nghiêm túc, nhiều sáng tạo, luôn trăn trở và có những đóng góp, cống hiến to lớn.
“Điều mà Đảng, Nhà nước luôn trăn trở và lo lắng là thế hệ tiếp nối làm sao duy trì loại hình nghệ thuật truyền thống này. Có nghịch lý, đôi khi người nước ngoài vào Việt Nam rất say mê, thích thú tìm hiểu loại hình nghệ thuật truyền thống của ta. Nhưng, các bạn trẻ hiện nay lại thích những loại hình hiện đại hơn”, lời ông Võ Văn Thưởng.
Về đời sống của văn nghệ sĩ, Trưởng ban Tuyên giáo cho rằng còn vất vả, nhiều người chưa sống được bằng nghề. Đây không chỉ là trăn trở của anh em nghệ sĩ mà cũng là trăn trở của những người làm quản lý.
Văn học còn thiếu tác phẩm lớn
Tại buổi thăm và chúc Tết gia đình GS. TSKH Lê Ngọc Trà - nguyên Viện trưởng Viện nghiên cứu giáo dục (Đại học Sư phạm TP.HCM), ông Thưởng chia sẻ, nghị quyết 59 về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục đào tạo đã góp phần thay đổi nhận thức, nhấn mạnh chuyển đổi từ giáo dục kiến thức sang phát triển năng lực bản thân của mỗi người học.
Tuy nhiên, quá trình thực hiện chuyển đổi còn chậm, chưa đáp ứng yêu cầu, nhất là yêu cầu hội nhập quốc tế hiện nay. Nói giảm tải nhưng việc dạy và học vẫn nghiêng về kiến thức.
Người đứng đầu ngành Tuyên giáo cũng cho biết, trong giai đoạn hiện nay đất nước rất cần những công trình nghiên cứu trong lĩnh vực văn học. Đất nước đang phát triển, nhưng xã hội có nhiều biểu hiện đáng quan tâm, lo ngại như bạo lực, đạo đức, vấn đề con người đối xử với con người…
Trao đổi về sự lo lắng thiếu những tác phẩm lớn trong giai đoạn hiện nay, ông Trà cho biết đó là của hiếm, trời cho không phải muốn mà được.
“Về phương diện nào đó mặt bằng văn học, nghệ thuật đang phát triển, cần những tác phẩm lớn thì phải đầu tư vào tinh hoa, đầu tư có điểm nhấn. Nhà nước mở cánh cửa rộng cho văn học nghệ thuật phát triển, nhưng cần biết, phát triển nhanh chưa chắc có được các tác phẩm lớn. Cần phải có tinh hoa, phải có sự trăn trở trong bồi dưỡng tài năng để xã hội có được những tác phẩm hay, các tài năng quý có điều kiện phát triển" - lời GS. TSKH Lê Ngọc Trà.