Mới khai trương vào cuối năm 2007 nhưng bảo tàng kỷ vật chiến tranh của ông Vũ Đình Lưu tại thành phố Nam Định, đã thu hút hàng nghìn lượt khách tham quan. Bảo tàng là nơi lưu giữ gần 1.000 kỷ vật của hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ đã được ông Vũ Đình Lưu trưng bày trên diện tích 40m2, theo ba chủ đề là kỷ vật thời kháng chiến chống Pháp, kỷ vật thời kháng chiến chống Mỹ và kỷ vật thời bao cấp.
Mới khai trương vào cuối năm 2007 nhưng bảo tàng kỷ vật chiến tranh của ông Vũ Đình Lưu tại thành phố Nam Định, đã thu hút hàng nghìn lượt khách tham quan. Bảo tàng là nơi lưu giữ gần 1.000 kỷ vật của hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ đã được ông Vũ Đình Lưu trưng bày trên diện tích 40m2, theo ba chủ đề là kỷ vật thời kháng chiến chống Pháp, kỷ vật thời kháng chiến chống Mỹ và kỷ vật thời bao cấp.
Ý tưởng lưu giữ những kỷ vật chiến tranh được nhen nhóm trong ông Vũ Đình Lưu, nguyên Đại đội trưởng Đại đội trinh sát Sư đoàn 312, từ những năm 70 của thế kỷ trước. Với ông, mỗi kỷ vật dù nhỏ bé vẫn là ghi dấu quá khứ hào hùng của dân tộc. Trong những năm tháng ác liệt của chiến tranh, không ít người đã ngã xuống, mang theo những dòng nhật ký chưa kịp khô mực, bức thư mới nhận từ hậu phương, hay một chiếc bi đông vẫn còn nguyên nước.
Không muốn quá khứ hào hùng và đau thương ấy bị lãng quên, ông Lưu ý thức được phải trân trọng bảo quản và trưng bày những kỷ vật chiến tranh, như một lời tri ân với những người đã khuất và giáo dục truyền thống cho lớp trẻ hôm nay.
Để có được bộ sưu tập kỷ vật quý giá này, đôi chân người lính già đã in dấu khắp mọi miền đất nước. Sau mỗi chuyến đi, ông lại mang về những di vật của chiến tranh, khi thì vài chiếc huy hiệu, cái mũ tai bèo, lúc là vài con dao nhíp, hay quyển nhật ký đang viết dở.
Nhiều kỷ vật được lưu giữ tại bảo tàng này có giá trị lịch sử to lớn như bản đồ biệt khu Thủ đô trước 1975, chiếc máy ảnh của Pháp sản xuất từ 1923, tấm khăn rằn của chị Nguyễn Thị Hằng-Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Bà Rịa-Vũng Tàu.
Việc bảo tồn những hiện vật này cũng khiến ông Lưu tốn không ít công sức. Ông đã nhờ tới sự tư vấn của các chuyên gia của Bảo tàng Lịch sử Việt Nam và Bảo tàng Nam Định, tự tay đóng những chiếc tủ trưng bày hiện vật để đảm bảo tính thẩm mỹ và an toàn cho hiện vật, và trang bị đầy đủ hệ thống máy hút ẩm, máy sấy, máy điều hòa nhiệt độ tại bảo tàng.
Để khách tham quan dễ nắm bắt các sự kiện, ông Lưu trình bày các kỷ vật theo tiến trình lịch sử với chú thích rõ ràng như “Chiếc lọ thủy tinh đựng đậu xanh của mẹ Việt Nam anh hùng Tạ Thị Uông”, “Chiếc ba lô của dũng sĩ diệt Mỹ Nguyễn Đức Bình”. Ông cũng luôn nhiệt tình giải thích, giới thiệu về nguồn gốc các kỷ vật như một hướng dẫn viên bảo tàng thực thụ.
Bảo tàng của ông Lưu giờ đã trở thành điểm gặp gỡ của những người lính già, để họ cùng ôn lại kỷ niệm chiến trường và chung tay giúp đỡ các gia đình chính sách trong khu vực.
Theo TTXVN