• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Ông Vũ Mão: “Có sống thực sự trong sạch được không với mức lương như hiện nay?“

Kinh tế 18/05/2018 09:32

(Tổ Quốc) - Ông Vũ Mão – nguyên Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội đã đặt ra câu hỏi như vậy khi nhận định về chính sách tiền lương hiện tại. Vấn đề lương đã được trình ra tại Hội nghị Trung ương 7 khoá XII.

Đề án cải cách chính sách tiền lương vừa qua đã được trình Hội nghị Trung ương 7 (khóa XII) xem xét với nhiều đề xuất đổi mới. Đây là một bộ phận đặc biệt quan trọng, quan hệ chặt chẽ với các chính sách khác trong hệ thống chính sách kinh tê-xã hội, liên quan trực tiếp đến cân đối vĩ mô, thị trường lao động và đời sống người hưởng lương, góp phần xây dựng hệ thống chính trị tinh gọn, trong sạch, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, phòng chống tham nhũng.

Ông Vũ Mão: Có sống thực sự trong sạch được không với mức lương như hiện nay?                 Ảnh: Hà Giang


Mục tiêu tổng thể của Đề án cải cách tiền lương lần này là xây dựng hệ thống chính sách tiền lương quốc gia khoa học, hiện đại, minh bạch, hiệu quả, phù hợp với tình hình thực tiễn đất nước, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, tạo động lực giải phóng sức sản xuất, nâng cao năng suất lao động, chất lượng, nhân lực, sức cạnh tranh của nền kinh tế.

Việc cải cách Đề án tiền lương theo hướng trên sẽ góp phần xây dựng hệ thống chính trị ổn định, thống nhất, liên tục, thông suốt, tinh gọn, trong sạch, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; phòng chống tham nhũng; thực hiện tiến bộ, công bằng, xã hội, thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội và hội nhập quốc tế.

Ông Vũ Mão – nguyên Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội - cho rằng, mức lương hiện đang quá thấp, kể cả cấp bộ trưởng, cấp Trung ương…, đó là chưa kể khi về hưu chỉ còn 70%, vậy thì làm sao đủ sống?

“Có sống thực sự trong sạch được không với mức lương như hiện nay?”, ông Vũ Mão chia sẻ.

Vì thế, theo ông Vũ Mão, Đề án cải cách chính sách tiền lương đưa ra lần này là vô cùng hợp lý. Đây là vấn đề được người dân đặc biệt quan tâm.

“Nền tảng sâu xa là chúng ta phải cải tiến chế độ tiền lương, mà muốn cải tiến chế độ tiền lương là phải đẩy mạnh sản xuất, tạo cơ chế cho thoáng để doanh nghiệp tư nhân phát triển, tạo nguồn thu cho nhà nước và khi đó thì “miếng bánh tiền lương” mới to lên được”, ông Vũ Mão chia sẻ với báo Điện tử Tổ Quốc.

Về vấn đề này, ông Bùi Sỹ Lợi, phó Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội từng chia sẻ với báo chí rằng, căn nguyên sâu xa của những vấn đề mà chúng ta cho rằng bất cập là do chưa vận hành chính sách tiền lương theo đúng bản chất và nguyên tắc của nó. Người hưởng lương không sống bằng lương mà lại bằng các nguồn thu nhập khác. Tuy nhiên, cả tiền lương chính đáng và loại tiền lương không chính đáng nhưng lại có nguồn thu từ ngân sách. Tiền lương lại không có tác dụng để tạo động lực nâng cao hiệu quả, hiệu suất lao động và cũng không phản ánh chính xác giá trị thực của lao động.

Trả lương theo thang lương, bảng lương, theo hệ số là chúng ta đã che mờ bản chất thực sự của tiền lương. Tất cả những bất cập này nó đều dẫn đến hệ lụy là tha hoá đội ngũ công chức hành chính và làm suy yếu bộ máy quản lý nhà nước của chúng ta.

Đồng tình với những quan điểm trên, chia sẻ với Báo Điện tử Tổ Quốc, nhà báo Nhị Lê - Phó Tổng biên tập tạp chí Cộng sản cho rằng, bất cập trong chính sách tiền lương thời gian qua đã khiến cán bộ tham nhũng vặt, tối thiểu là tham nhũng thời gian, thậm chí “chấm vân tay 8 tiếng xong đi đâu không rõ, chiều lại quay về chấm vân tay điểm danh”. Vì thế, sửa đề án lương là rất kịp thời, dù còn hơi chậm.

Theo nhà báo Nhị Lê, việc này bàn cách đây 10 năm là đúng nhất. Thời gian qua, mức lương thấp khiến chủ nghĩa đặc quyền bộc lộ rõ, tâm lý làm quan hưởng bổng lộc lan rộng và ăn sâu.

“Vì 1- 2 cái ghế mà xô nghiêng cả cái bàn, làm rối loạn kỷ cương. Vì thế nên bàn về lương lần này là đột phá, nhằm bảo đảm cuộc sống cho cán bộ. Nếu chúng ta không giải quyết vấn đề lương – là vấn đề căn cơ thì lấy đâu ra bộ máy tốt, nếu không thì cán bộ sẽ hỏng. Điều gì cũng vậy, tính tương dụng rất quan trọng”, nhà báo Nhị Lê nhấn mạnh.

Đi sâu vào phân tích Đề án cải cách chính sách tiền lương lần này, ông Phạm Minh Huân - nguyên Thứ trưởng Lao động Thương binh Xã hội cho biết, Đề án quy định cán bộ, công chức trong khu vực công sẽ hưởng lương theo vị trí việc làm, tức là quay lại thiết kế mức lương theo chức vụ hoặc chức danh. Nếu nhìn vào quá trình cải cách, ta thấy trước năm 1993 hệ thống lương đơn giản hơn. Bây giờ chúng ta đang có 7 bảng lương và muốn quay lại thời kỳ trước. Nghĩa là, Chính phủ sẽ phải thiết kế một bảng lương chức vụ, một bảng lương chuyên môn và ba bảng lương cho lực lượng vũ trang. 

Hiện thấp nhất là người lao động hưởng lương cơ sở, cao dần lên cho đến cao nhất là lương Tổng bí thư, Chủ tịch nước, Thủ tướng, Chủ tịch Quốc hội... Quan hệ này có các mốc, ví dụ lương cơ sở là 1, lương người tốt nghiệp đại học ra trường là 2,34 (hệ số nhân với mức lương cơ sở hiện nay là 1,3 triệu đồng), lương Bộ trưởng là 10, của Chủ tịch nước là 13. 

Trên cơ sở các mốc này, sau khi Trung ương xem xét, cho định hướng thì Chính phủ thiết kế hệ thống bảng lương mới tính bằng số tiền tuyệt đối. Chẳng hạn, người tốt nghiệp đại học ra trường, ở vị trí việc làm cụ thể nào đó trong đơn vị sẽ có mức lương là 5 triệu đồng, thay cho cách tính hệ số 2,34 nhân với lương cơ sở.

“Trong nghiệp vụ làm lương bao giờ cũng phải chú ý đến lương tối thiểu để bảo vệ lao động yếu thế, những người có trình độ chuyên môn thấp, làm công việc giản đơn nhất và không có khả năng mặc cả với chủ. Đây là vấn đề chống nghèo đói, để người hưởng lương có thể đảm bảo nhu cầu sống tối thiểu”, ông Phạm Minh Huân nói./.

Hà Giang

 

NỔI BẬT TRANG CHỦ