• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Ông Vũ Mão: "Quốc hội và Chính phủ sẽ làm gì sau lấy phiếu tín nhiệm?"

Thời sự 12/06/2013 08:17

Ông Vũ Mão – Nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Quốc hội: “Tôi cho rằng, việc lấy phiếu tín nhiệm và bỏ phiếu tín nhiệm là nhằm tìm ra những điểm hạn chế của những người giữ các chức danh ấy, giúp cho họ vươn lên hoàn thành nhiệm vụ. Đó là ý nghĩa quan trọng nhất, chứ không phải là lấy phiếu xong rồi để đấy, vì như vậy không giải quyết được bản chất của vấn đề”.

Ông Vũ Mão – Nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Quốc hội: “Tôi cho rằng, việc lấy phiếu tín nhiệm và bỏ phiếu tín nhiệm là nhằm tìm ra những điểm hạn chế của những người giữ các chức danh ấy, giúp cho họ vươn lên hoàn thành nhiệm vụ. Đó là ý nghĩa quan trọng nhất, chứ không phải là lấy phiếu xong rồi để đấy, vì như vậy không giải quyết được bản chất của vấn đề”.

Sáng ngày 11/6, Quốc hội đã công bố kết quả lấy phiếu tín nhiệm đối với 47 chức danh do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn. Sau khi kết quả này được công bố, nhiều ĐB Quốc hội và chuyên gia ở nhiều lĩnh vực đã có chung nhận định là kết quả đã phản ánh thực chất tình hình phát triển kinh tế - xã hội ở nước ta thời gian qua. 



Tuy nhiên, câu hỏi quan trọng nhất đặt ra lúc này là: Quốc hội và Chính phủ sẽ làm gì sau khi lấy phiếu tín nhiệm? Đi tìm câu trả lời này, Báo Giáo dục Việt Nam đã có cuộc trao đổi với ông Vũ Mão – nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Quốc hội.

Ông Vũ Mão - Nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Quốc hội.

PV: Thưa ông Vũ Mão, sau khi Quốc hội công bố kết quả lấy phiếu tín nhiệm với 47 chức danh do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn, theo kết quả này thì nhiều chức danh chủ chốt đã đạt nhiều phiếu tín nhiệm cao, ngoài ra theo dư luận phản ánh thì một số người có nhiều phiếu tín nhiệm thấp vẫn còn băn khoăn. Là người công tác lâu năm và từng giữ những cương vị quan trọng ở  Quốc hội, ông có thể lý giải về điều này?

Ông Vũ Mão: Con người ai cũng có tự trọng, có danh dự của mình. Kết quả thì đã được Quốc hội biểu quyết thông qua rồi. Vậy thì ở đây có vấn đề gì? Theo tôi, cần phải làm rõ, chỉ ra cho các chức danh chịu nhiều phiếu tín nhiệm thấp là họ đang còn những hạn chế gì, những gì chưa làm được ở vị trí và chức trách của mình. Tôi nghĩ rằng, kết quả này là tương đối khách quan, bởi ở một mặt nào đó, đại biểu chưa có điều kiện tiếp cận đầy đủ nên chưa hiểu thấu đáo về chức danh mình đánh giá.

Bên cạnh đó, do điều kiện thời gian quá ngắn nên chưa tổ chức đối thoại một cách cởi mở để làm rõ những vấn đề đặt ra đối với  các chức danh được lấy phiếu tín nhiệm và Đại biểu Quốc hội.

PV: Vậy bước tiếp theo nên làm gì, thưa ông?

Ông Vũ Mão: Tôi nghĩ rằng bây giờ các chức danh có nhiều phiếu tín nhiệm thấp cũng rất cầu thị, mong muốn có điều kiện để khắc phục những điểm còn hạn chế. Vậy thì ai sẽ chỉ ra cho họ? Theo tôi, về chỗ này cần có thảo luận cho rõ.

Về phía Chính phủ thì Thủ tướng có trách nhiệm với các Bộ trưởng có nhiều phiếu tín nhiệm thấp (dù kết quả chung vẫn đạt yêu cầu về số phiếu tín nhiệm), cần bàn xem còn gì chưa làm tốt để tìm giải pháp khắc phục làm cho tốt hơn.

Về phía Quốc hội, bây giờ không còn thời gian thảo luận nữa, thì giao cho UBTVQH và ủy ban hữu quan cùng các bộ ngành liên quan trao đổi, đối thoại trực tiếp để làm rõ lý do vì sao có nhiều phiếu tín nhiệm thấp, giúp cho họ có điều kiện khắc phục.

Tôi cho rằng, việc lấy phiếu tín nhiệm và bỏ phiếu tín nhiệm là nhằm tìm ra những điểm hạn chế của những người giữ các chức danh ấy, giúp cho họ vươn lên hoàn thành nhiệm vụ. Đó là ý nghĩa quan trọng nhất, chứ không phải là lấy phiếu xong rồi để đấy, vì như vậy không giải quyết được bản chất của vấn đề.

PV: Ông có đánh giá gì về những ưu điểm và hạn chế qua việc Quốc hội lấy phiếu tín nhiệm tại kỳ họp này?

Ông Vũ Mão: Tôi cho rằng việc lấy phiếu tín nhiệm là rất đáng hoan nghênh, đó là một bước tiến lớn trong nền dân chủ của nước ta. Kết quả này đã phản ánh tương đối chính xác tình hình kinh tế - xã hội của nước ta hiện nay. 



Toàn bộ quy trình lấy phiếu tín nhiệm, kết quả số phiếu đã được công khai rộng rãi, trung thực tới nhân dân cả nước, đúng như phát biểu ban đầu của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng.

Tôi nghĩ rằng, đa số nhân dân cả nước hài lòng với cách làm này, vì qua đó sẽ phần nào phản ánh khách quan hơn trách nhiệm và hiệu quả của các chức danh quan trọng do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn.

Ông Vũ Mão nguyên là ủy viên Trung ương Đảng các khoá V, VI, VII, VIII; từng giữ các chức vụ Uỷ viên Hội đồng Nhà nước, Uỷ viên Uỷ ban Thường vụ Quốc hội; Chủ nhiệm Uỷ ban Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội; Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội; Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội. Đại biểu Quốc hội các khóa VIII, IX, X, XI. 

Tuy nhiên, một vấn đề bao giờ cũng có hai mặt của nó, việc lấy phiếu tín nhiệm tuy rằng rất tốt, nhưng dù sao vẫn còn một số hạn chế nhỏ, mà tôi rất muốn góp ý để lần tới Quốc hội sẽ có sự điều chỉnh cho tốt hơn.

Nghị quyết Quốc hội chỉ yêu cầu có 1 văn bản của người được đánh giá tín nhiệm là chưa đủ, theo tôi cần 4 văn bản khác, đó là: Nhận xét của cơ quan mà đương sự là thủ trưởng; Nhận xét của thủ trưởng cấp trên.



Nếu là Bộ trưởng thì rất cần nhận xét của Thủ tướng, đây là một căn cứ quan trọng để Quốc hội đánh giá; nhận xét của cử tri ở nơi vị lãnh đạo đó bầu cử; bản kê khai tài sản có xác nhận của cơ quan chức năng, có thẩm quyền.



 

 

Bên cạnh đó cũng còn một số điểm đáng lưu ý khác như: Chưa dành nhiều thời gian cho sự đối thoại, qua đó giúp cho cả hai đối tượng nắm chắc thực chất và thể hiện sự tôn trọng đới với đương sự; Tình hình phát triển kinh tế - xã hội của đất nước còn nhiều trì trệ, đời sống nhân dân quá khó khăn, nạn tham nhũng... thế mà nếu cộng cả mức tín nhiệm cao và tín nhiệm thì tất cả các chức danh này vẫn đảm bảo mức tín nhiêm tối thiểu cần thiết. Ở đây cần xem xét đầy đủ mối quan hệ giữa mức tín nhiệm đạt tương đối cao so với thực tế tình hình của đất nước ta hiện nay để rút kinh nghiệm.

Về trình tự và thủ tục, theo tôi cũng có một số vấn đề cần rút kinh nghiệm để làm cho tốt hơn. Ví dụ  việc đưa ra 3 mức tín nhiệm (tín nhiệm cao, tín nhiệm, tín nhiệm thấp) đã hợp lý chưa? Hay là nên có 2 mức "tín nhiệm" và "không tín nhiệm"?.



Đây là vấn đề cần được xem xét thêm. Theo quan điểm của tôi thì chỉ nên giữ hai mức là “tín nhiệm” và “không tín nhiệm” như Hiến pháp và các luật tổ chức Quốc hội, luật giám sát của Quốc hội về việc bỏ phiếu tín nhiệm là hợp lý.

Tôi hy vọng, ở kỳ họp Quốc hội sau thì quá trình chuẩn bị đánh giá tín nhiệm các chức danh sẽ tốt hơn và kết quả đạt được sẽ thuyết phục hơn.

PV: Trân trọng cảm ơn những chia sẻ sâu sắc của ông!

Ngọc Quang (Thực hiện)

Theo GDVN

NỔI BẬT TRANG CHỦ