(Tổ Quốc) - Đoàn thể thao Người khuyết tật Việt Nam tham dự Thế vận hội mùa hè Paralympic Tokyo dự kiến có 19 thành viên.
Thế vận hội mùa hè Paralympic Tokyo sẽ diễn ra từ ngày 24/8 đến 5/9/2021. Đoàn thể thao Người khuyết tật Việt Nam tham dự có 19 thành viên, gồm: 1 Trưởng đoàn, 3 cán bộ đoàn, 1 bác sỹ, 3 HLV, 11 VĐV (3 VĐV Điền kinh, 4 VĐV Bơi lội và 4 VĐV Cử tạ). Theo kế hoạch, đoàn sẽ chính thức lên đường tham dự Paralympic Tokyo từ ngày 18/8.
Theo kế hoạch, ngay từ đầu năm 2020, các VĐV của 3 đội tuyển trên đã được tập trung tập huấn tại 2 Trung tâm Huấn luyện thể thao quốc gia tại TPHCM (Điền kinh, Cử tạ) và Đà Nẵng (Bơi).
Công tác chuẩn bị đang cho giải đấu đến thời điểm hiện tại cũng đang dần hoàn tất. Theo báo cáo của Vụ TDTT Quần chúng trong buổi họp giữa Phó tổng cục trưởng Nguyễn Hồng Minh – Trưởng đoàn Đoàn thể thao Người khuyết tật Việt Nam tham dự Paralympic Tokyo và Hiệp hội Paralympic Việt Nam, Vụ TDTT Quần chúng diễn ra vào chiều ngày 16/6 vừa qua, Ban tổ chức đã triển khai cấp thẻ cho 19 thành viên đoàn, thẻ này sẽ thay thế Visa vào Nhật. Các đoàn sẽ đăng ký các môn theo nội dung đạt chuẩn quy định bắt đầu từ ngày 1/7 và hoàn thiện trước ngày 2/8.
Ngoài ra, một điều kiện bắt buộc đối với các VĐV tham dự Paralympic là phải có xác nhận phân loại thương tật quốc tế của ủy ban Paralympic quốc tế (IPC). Hiện tại Việt Nam còn 02 VĐV (01 môn Bơi, 01 môn Điền kinh) đang ở tình trạng thương tật “xem xét lại” và đề xuất 02 VĐV này sẽ được khám lại tại Tokyo.
Về công tác phòng, chống Covid-19, BTC Paralympic đưa ra yêu cầu bắt buộc tất cả các thành viên đoàn phải có xét nghiệm PCR (âm tính) trong 72 giờ khi đến Tokyo. Tại Việt Nam, phía Nhật Bản đã đề xuất các đơn vị gồm: Bệnh viện 175, Bệnh viện Pasteu, Trung tâm kiểm soát bệnh tật CDC (TPHCM); Bệnh viện Melatec, Bệnh viện 103, Bệnh viện 108, Trung tâm kiểm soát bệnh tật Hà Nội CDC (Hà Nội), đủ tiêu chuẩn xét nghiệm và được BTC chấp nhận.
BTC cũng quy định các môn đến và về theo lịch tập luyện và thi đấu; đến trước ngày thi đấu từ 5-7 ngày và về trong vòng 48 giờ sau khi kết thúc nội dung thi đấu của môn đó.
Về phía ngành thể thao Việt Nam, Vụ TDTT Quần chúng cũng đề xuất danh sách 03 đội tuyển tiêm đủ 2 mũi vaccine trước ngày lên đường 10 ngày. Đến nay, hai đội tuyển Điền kinh và Cử tạ tại Trung tâm Huấn luyện thể thao quốc gia TPHCM đã có 7 VĐV, 2 HLV được tiêm 1 mũi, đội tuyển Bơi (5 người) chưa tiêm. Ngành thể thao Việt nam sẽ đảm bảo tiêm đủ vaccine cho các thành viên trước khi lên đường và tính toán lịch trình bay cho khớp với quy định bắt buộc phải có xét nghiệm PCR (âm tính) trong 72 giờ của nước chủ nhà.
Theo Phó tổng cục trưởng Nguyễn Hồng Minh, tại kỳ Đại hội này, đoàn Thể thao Người khuyết tật Việt Nam không đặt nặng vấn đề thành tích cũng như đặt ra chỉ tiêu cụ thể về huy chương cho các VĐV.
"Trong suốt 2 năm qua các VĐV của chúng ta đã không được thi đấu cọ xát hay tập huấn; các VĐV cũng đều đã có tuổi (trung bình từ 35 – 40 tuổi), lại đang dính chấn thương nên phong độ không được tốt như kỳ tham dự Paralympic năm 2016. Song chúng ta vẫn mong chờ những thành tích tốt nhất từ họ" - ông Nguyễn Hồng Minh nhấn mạnh.
Bên cạnh đó, do tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến hết sức phức tạp, Phó tổng cục trưởng yêu cầu các thành viên phải thực hiện theo một quy chế nghiêm ngặt trước khi lên đường về thời gian, địa điểm, sinh hoạt, trang phục, di chuyển, ăn, nghỉ…