(Tổ Quốc) - Từ giản dị đến thiêng liêng, chút tự tình, da diết pha lẫn chất hùng ca là âm hưởng rất riêng, rất đáng tự hào trong những sáng tác của Thiếu tướng, Nhạc sĩ, Thầy thuốc Nhân dân, PGS. TS. Nguyễn Hồng Sơn, nguyên Giám đốc Bệnh viện Trung ương Quân đội 175.
Sức sống Trường Sa, Phút lặng im trên biển, Rock đồng hồ cát (phổ thơ Đoàn Vũ Vinh), Sinh ra ở Trường Sa (viết chung với nhạc sĩ Quỳnh Hợp)... là chùm ca khúc về biển đảo nổi tiếng của Nhạc sĩ Nguyễn Hồng Sơn được nhiều khán thính giả biết đến. Trong đó, ca khúc Sức sống Trường Sa đã tạo được ấn tượng sâu sắc trong mảng âm nhạc về biển đảo.
Âm nhạc: Từ hiện thực giản dị đến thiêng liêng
Nhạc sĩ Nguyễn Hồng Sơn cho biết, âm nhạc của với ông bắt đầu bằng câu chuyện cuộc đời của người lính trẻ đầy hoài bão và nhiệt huyết cống hiến cho Tổ quốc. Đó là trang nhật ký lưu giữ ký ức về thời trai tráng của ông cùng rất nhiều học sinh, sinh viên cùng trang lứa xếp bút nghiên tình nguyện, xông pha lên đường nhập ngũ khi Tổ quốc gọi tên.
43 năm đã trôi qua, cùng với người chiến sĩ ấy (giờ là một vị tướng trong Quân đội) những tác phẩm của ông đã trở thành hiện thân như một pho sử sống bằng âm nhạc: Mỗi ca khúc ghi dấu một sự kiện, mỗi giai điệu nhắc nhớ về một thời khắc lịch sử hào hùng gắn liền vận mệnh của đất nước…"Tình ca đỏ" là vậy.
Với những trải nghiệm đời thực và cảm xúc của mình, Nhạc sĩ Nguyễn Hồng Sơn đã làm nên thứ âm nhạc khiến khán thính giả ở mọi tầng lớp dễ dàng cảm thụ. Mỗi sáng tác của ông đều có tiết tấu và chất liệu đơn sơ, giản dị, không quá cầu kỳ về khúc thức. Cách triển khai âm nhạc cũng nương theo cảm xúc hết sức tự nhiên mang đến sự gần gũi, dễ cảm và khắc sâu vào tâm trí người cảm thụ.
Ở "Thương nhớ Sài Gòn", người nghe có thể hình dung ra bức tranh về một Sài Gòn được vẽ bằng giai điệu chậm rãi, từ tốn theo lời thơ của thi nhân Trương Hoà Bình: "Sài Gòn yêu thương, ký ức đậm sâu một thời gắn bó. Ngõ bé thân thương, những tiếng rao đêm, góc phố ánh đèn và những con đường lá me trải thảm. Sài Gòn không đêm, náo nức còi xe, phố khuya mì gói, cứ thế cuốn trôi cuộc sống sinh sôi hoa trái nơi nơi nhộn nhịp phố người đông. Sài Gòn yêu thương với những mộng mơ một thời hoa niên…". Sự kết hợp tinh tế những âm hưởng nhẹ nhàng, Nhạc sĩ Nguyễn Hồng Sơn đã gửi gắm rất nhiều tâm tình và cái hồn của người Sài Gòn vào trong từng nốt trầm bổng. Mỗi nốt nhạc là một cảm xúc tha thiết yêu thương về một Sài Gòn yêu dấu…
Nhưng điều đặc biệt, âm nhạc của Nhạc sĩ Nguyễn Hồng Sơn nổi bật ở chỗ mỗi sáng tác của ông đều có chút tự tình pha lẫn chất hùng ca. Mỗi bài hát đều đi từ hiện thực giản dị đến những điều cao cả quý giá thiêng liêng. Như từ hiện thực giản dị của Sài Gòn, nhạc sĩ đã đưa người nghe trở về với những thời khắc quá khứ thiêng liêng bằng những nốt nhạc hào hùng, thôi thúc: "Kìa sóng nhà Rồng, tiễn bước Người lên đường tìm ánh lửa hồng và lớp lớp người theo tiếng gọi thiêng quên mình vì nước…"
Không chỉ ở "Thương nhớ Sài Gòn", trong những tác phẩm khác như "Trò chuyện với dòng sông", người nghe cũng dễ nhận ra điều đặc biệt này. Đó cũng là lý do khiến ngày càng có nhiều người hâm mộ yêu mến nhạc của Nguyễn Hồng Sơn. Thứ âm nhạc của người nhạc sĩ này luôn cuốn hút người nghe không rời bởi nó chất chứa lời tự tình đầy nhẹ nhàng sâu lắng thiết tha của một người con yêu quê hương, Tổ quốc đã được gửi gắm hết vào từng ca từ. Đồng thời nó cũng mang sự sâu kín, nhiệm màu từ chất hùng ca mang tên lịch sử.
Với nhạc"Trò chuyện cùng dòng sông", Nguyễn Hồng Sơn đã dùng thứ âm nhạc mê hoặc của mình để kể về câu chuyện một người lính âm thầm đứng trước dòng sông đêm, nơi bến nhà Rồng Bác đã ra đi tìm đường cứu nước: "Tôi lặng thinh đứng trước dòng sông. Đêm Sài Gòn lung linh huyền diệu. Nghe như có nhựa dâng trong mạch lá, con sóng nào đang kể chuyện ngày xưa. Nhẹ nhàng tôi cất tiếng hỏi sông: Ai mang về những ánh lửa hồng? Ai mang đến dù chỉ manh áo mới, bao kiếp đời lam lũ sang trang? Sông kể chuyện ngày xưa…" . Hay ở "Chiến sỹ mũ nồi xanh" lại tràn ngập niểm kiêu hãnh tự hào " Vì hòa bình cho thế giới bao la, vì hòa bình của Tổ quốc chúng ta, trái tim hồng nhân ái thiết tha…gian nguy nào rồi cũng sẽ băng qua, tự hào kiêu hãnh đoàn quân Việt Nam đi…".
Thậm chí ở một chủ đề rất hẹp cũng vẫn ngân nga được chất nhân văn " Em muốn được nghe tiếng chim hót trên cành cây, giọt mưa rơi trước hiên nhà và lời yêu thương của mẹ cha, em muốn nói được câu mẹ ơi, con yêu mẹ nhiều… nhờ có những trái tim hồng, nhờ có những bàn tay vàng để hôm nay em được nghe tiếng nói yêu thương của mẹ cha, giọng nói của chính em…" (Âm thanh giọng nói).
Dễ thấy, hầu hết các tác phẩm của nhạc sĩ Nguyễn Hồng Sơn đều có sự kết hợp tinh tế đi từ hiện thực giản dị đến những giá trị thiêng liêng. Đây chính là một trong những yếu tố giúp các ca khúc của nhạc sĩ Nguyễn Hồng Sơn có sức sống mạnh mẽ. Đó như cất lên tiếng nói và tâm hồn người Việt Nam hiện tại và nhắc nhớ, ghi dấu những thời khắc hào hùng của dân tộc, mang đến niềm tự hào dân tộc sâu sắc cho các thế hệ đi sau.
Sự đa dạng trong tiết tấu và chất liệu đã khiến âm nhạc của nhạc sĩ Nguyễn Hồng Sơn càng được giới âm nhạc quan tâm. Gần đầy, trong chương trình hát tri ân tuyến đầu chống dịch, nữ Diva Thanh Lam đã chọn ca khúc "Vẫn mãi màu áo trắng" do thiếu tướng, bác sĩ Nguyễn Hồng Sơn sáng tác như một lời tri ân với nghành Y. Thông qua bài hát này, Thanh Lam cùng nhiều nghệ sĩ khác đã gửi lời tri ân sâu sắc, lời cảm ơn đến các y bác sĩ tuyến đầu đang ngày đêm chiến đấu hết mình vì cuộc chống dịch Covid với nhiều khó khăn, thử thách. Với những cảm xúc thiêng liêng dành riêng cho người chiến sĩ áo trắng, nhạc phẩm này cũng từng được ca sĩ Trang Nhung, Vũ Thắng Lợi và nhiều ca sĩ khác chọn lựa thể hiện trong những sự kiện đặc biệt.
Y học và âm nhạc đều xoa dịu nỗi đau
Trong hành trình 4 thập niên qua, cuộc đời người lính Nguyễn Hồng Sơn không chỉ có y học mà còn có âm nhạc. Nhạc sĩ Nguyễn Hồng Sơn cho rằng: "Y học xoa dịu nỗi đau về thể xác, còn Âm nhạc xoa dịu nỗi đau tâm hồn". Về bản thân, âm nhạc là niềm vui, nơi gửi gắm tâm tình, giúp người chiến sĩ, bác sĩ thư giãn sau những áp lực của công việc. Còn đối với mọi người xung quanh, ông cho rằng âm nhạc có sức mạnh xoa dịu nỗi đau tâm hồn người nghe. Vừa trong vai trò một bác sĩ, vừa là một nhạc sĩ ông tâm niệm rằng y học và âm nhạc đều là những điều thiện, điều phúc cho đời. Và người nhạc sĩ này luôn thấy mình may mắn vì đã làm được hai điều ý nghĩa nhất trong cuộc đời. Với nhạc sĩ Nguyễn Hồng Sơn, sáng tác không còn là một lựa chọn thích thì làm không thì chọn việc khác mà đó là trách nhiệm hoặc nói nhẹ đi đó là trả lại món nợ ân tình mà cuộc đời ưu ái dành cho mình.
"Cha mẹ đã trao cho tôi cuộc sống để làm người. Tổ quốc đã trao cho tôi màu áo xanh để bảo vệ non sông đất nước. Cuộc đời đã trao cho tôi màu áo trắng để làm một lương y và khả năng chuyển hóa những chất liệu của cuộc sống thành những cung bậc cảm xúc để dâng hiến cho đời...
Bởi vậy việc viết ca khúc đối với tôi không chỉ còn là cảm xúc, sở thích mà đôi khi còn là trách nhiệm. Trách nhiệm của người chiến sĩ, người thầy thuốc, người thầy giáo, người quản lý... và giản đơn nhất là trách nhiệm chia sẻ giữa con người với con người... Đôi khi tôi thầm cảm ơn những ưu ái mà cuộc đời đã dành cho tôi"- nhạc sĩ Nguyễn Hồng Sơn chia sẻ.
Giản dị, chân tình, cởi mở và dễ gần như những tác phẩm của mình, người nhạc sĩ, bác sĩ Nguyễn Hồng Sơn đã biến âm nhạc của mình thành sợi dây kết nối hữu hiệu nhất giữa con người với con người, ở một khía cạnh khác nó cũng như một cuốn Hồi ký về cuộc đời quân ngũ, Thầy thuốc, Thầy giáo của ông. Ngoài những đĩa CD về người chiến sĩ Nguyễn Hồng Sơn còn tổ chức hai đêm nhạc riêng mang tên Xanh trong Trắng ở Hà Nội và TPHCM. Đặc biệt, toàn bộ số tiền thu được từ những dự án âm nhạc ông đều dành tặng Trường Sa thân yêu.
Cùng với những chiến công trong quân đội, hoàn thành xuất sắc vai trò Thầy thuốc Nhân dân kiêm Giám đốc Bệnh viện Quân y 175, "gia tài" của Nhạc sĩ Nguyễn Hồng Sơn hiện có gồm 3 CD: Vẫn mãi màu áo trắng (năm 2005), Sức sống Trường Sa (2015), Có những tuổi 20 như thế (2017) cùng 2 CD chung với nhạc sĩ Quỳnh Hợp là Giữa trùng khơi sóng (2011), Tổ quốc nhìn từ biển (2013). Mỗi CD là tập hợp những câu chuyện được dệt từ cảm xúc và những trải nghiệm đời thực việc thực mà người sĩ quan cấp cao, bác sĩ, nhạc sĩ Nguyễn Hồng Sơn đã trải qua. Bản lĩnh chiến trường đã tạo ra những bản hùng ca người lính, y đức đã làm nên một người thầy thuốc kiên nhẫn, tận tụy với nghề và một tâm hồn dạt dào yêu thương non sông đất nước, gia đình đã làm nên người nghệ sĩ đa tài như Nguyễn Hồng Sơn.
Khép lại câu chuyện thú vị với Tướng Nguyễn Hồng Sơn là những hồi ức đầy bi tráng của một đời người lính kiêm qua nhiều vị trí, cương vị khác nhau. Nhưng có lẽ, ở Tướng Nguyễn Hồng Sơn may mắn có âm nhạc song hành... Nhờ nó đã làm cuộc sống người lính, người thầy thuốc, người tướng lĩnh trở nên thi vị hơn... Và chính nó sẽ cho ông cuộc sống đẹp ở tuổi xế chiều,...
Một số sáng tác của Nhạc sĩ Nguyễn Hồng Sơn còn vinh dự giành được nhiều giải thưởng lớn do giới âm nhạc đề cử như: Màu áo anh mang áo trắng áo xanh (Huy chương Vàng Hội diễn toàn quân năm 1981), Trò chuyện với dòng sông (Huy chương Vàng Hội diễn lực lượng vũ trang - sinh viên thành phố Hồ Chí Minh năm 2012), Nhiều giải thưởng Hội Nhạc sỹ Việt Nam: Rock đồng hồ cát (2015), Có những tuổi 20 như thế (2016), Huệ đỏ (2018), Tháng năm rực rỡ(2021)...