(Tổ Quốc) - Từ ngày 30/8, các chương trình nghệ thuật sẽ được biểu diễn định kỳ tại Nhà hát Lớn. Đây là bước khởi đầu nhằm hướng tới xây dựng tác phẩm nghệ thuật đỉnh cao, bảo tồn nghệ thuật truyền thống của Bộ VHTTDL. PGS.TS, Nhà nghiên cứu sân khấu Nguyễn Thị Minh Thái đã bày tỏ sự ủng hộ của mình với chủ trương của Bộ VHTTDL.
Cứu sân khấu khỏi vực khủng hoảng
"Tôi ủng hộ Bộ trưởng Bộ VHTTDL với chiến lược mới. Trước đây, Nhà hát Lớn chỉ dành cho những người nhiều tiền thôi. Hôm trước tôi đi xem hoà nhạc Toyota ở đây, không có mấy khán giả là người dân bình thường, mà còn nhiều dãy ghế trống, tôi tiếc khủng khiếp.
Chủ trương của Bộ trưởng Bộ VHTTDL là một "cử chỉ cứu sân khấu" (Ảnh: connguoi.laodong.com) |
Chính vì vậy, tôi xin bày tỏ sự ủng hộ Bộ trưởng mới với một chỉ đạo mang tính chất chiến lược, nhờ đó tất cả các tác phẩm đỉnh cao tốt đẹp của nghệ thuật Việt Nam nói chung đều được vào trình diễn tại Nhà hát Lớn.
Chiến lược này sẽ góp phần hình thành thói quen thưởng thức nghệ thuật cho người dân Việt Nam. Trong khi khách du lịch nước ngoài rất mê rối nước Việt Nam, hay xe xếp hàng dài ở Nhà hát cải lương, còn người Việt Nam thì lạnh lẽo thờ ơ đi qua.
Sân khấu đang trên bờ vực khủng hoảng và chủ trương của Bộ trưởng Bộ VHTTDL là một "cử chỉ cứu sân khấu". Nghệ thuật, sân khấu được đặt vào đúng vị trí thánh đường. Nhưng cũng cần quan tâm là ai sẽ vào đây, làm như thế nào để vào đây, và đừng để cho người ta phải quan tâm đến chuyện tiền bạc.
Tôi đề nghị các cấp chính quyền, Bộ VHTTDL, các cơ quan liên quan lo cho việc này hoặc xã hội hoá. Nếu không có cơ chế này, thì tôi hỏi, đoàn ở Cà Mau, Đồng Tháp, sân khấu xã hội hoá TP Hồ Chí Minh có ra đây để vào Nhà hát Lớn không? Tôi xin trả lời là không, tốn tiền! Vì vậy, chiến lược mới của Bộ để cứu sân khấu truyền thống.
Tôi ủng hộ chủ trương của Bộ VHTTDL, ủng hộ ông Bộ trưởng vì sự phát triển mới của sân khấu. Tất cả các tiết mục nghệ thuật chất lượng cao vào Nhà hát Lớn, đây là “thánh đường nghệ thuật” nên người xem không thể ăn mặc lăng nhăng để vào đây. Vì vậy, được vào đây thì khán giả cũng phải có tâm thế xứng đáng.
Tôi băn khoăn là Nhà hát Lớn chỉ có một mà nhiều chương trình muốn vào diễn thì có sự canh tranh không, cơ hội cho các đơn vị tư nhân có hay không? Nhưng khi có cam kết của Bộ VHTTDL, không phân biệt tư nhân, nhà nước, các chương trình chỉ cần có chất lượng cao là được biểu diễn, đó là điều cực kỳ tốt.
Đây chính là một chủ trương tốt, một cơ sở của sự phát triển, một cử chỉ chiến lược của sự phát triển, giải quyết vấn đề khủng hoảng của sân khấu vì không có chỗ diễn. Những tác phẩm tử tế, được diễn ở nơi tử tế, cho người tử tế đến xem là một dấu hiệu cực kỳ tốt.
Sinh viên cũng có cơ hội được vào Nhà hát Lớn xem nghệ thuật
Khi đã định như thế thì thực hiện chủ trương xã hội hóa. Trong nguồn xã hội hóa ấy, những vở từ chân trời cuối biển, từ đất Mũi Cà Màu tới miền núi Hà Giang sẽ tới đây biểu diễn đàng hoàng, và người dân sẽ được vào xem dù trong túi chỉ có 100 ngàn. Sinh viên của tôi cũng sẽ có cơ hội được vào xem. Sinh viên của tôi "viêm màng túi" thường xuyên, có người được tôi mời vào Nhà hát Lớn xem nghệ thuật, họ đã đứng ở ngoài kia và khóc “Cô ơi từ thủa bé tới giờ em mới được vào Nhà hát Lớn. Nếu không có cô thì em không được vào vì không có tiền”.
Tôi rất muốn xin những hàng ghế ở tầng 3 Nhà hát Lớn cho sinh viên. Tôi hy vọng là nhờ xã hội hóa và chủ trương của Bộ VHTTDL như vậy, sinh viên của tôi sẽ được ngồi ở tầng 3 Nhà hát Lớn.
Người dân có nhiều cơ hội để thưởng thức nghệ thuật tại Nhà hát Lớn (Ảnh: Nam Nguyễn)
|
Những nhà hát được biểu diễn ở Nhà hát Lớn, không phải lo kinh phí, nên cực kỳ hân hoan, hân hoan một cách trong trẻo. Những người làm nghệ thuật không bận gì về tiền bạc thì mới có được nghệ thuật chất lượng cao.
Tôi tin khán giả được rất nhiều từ chủ trương này. Xã hội hóa nghĩa là vé không cao ngất ngưởng. Mà tất cả những vất vả lo lắng về tiền bạc thì Nhà nước đã gánh rồi. Các nhà hát, người nghệ sĩ vào đây chỉ lo biểu diễn nghệ thuật với tâm thế trong trẻo hết sức. Người xem cũng không phải có 1 triệu đồng trở lên mới vào xem được chương trình ở Nhà hát Lớn.
Xã hội hóa từ việc tổ chức, bán vé, đây là chiến lược của sự phát triển. Ở các nước khác, Nhà nước, Chính phủ sẵn sàng chịu tiền vé cho chiếc ghế xem nghệ thuật. Ví dụ ở Pháp, Nhà nước "gánh" 60% tiền ghế cho khán giả vào xem, như thế, người bình dân mới vào được. Như thế mới tạo thành thói quen thưởng thức nghệ thuật cho người dân. Nhưng để làm được như thế, Pháp mất 200 năm.
Vì vậy, tôi tin, từ chủ trương này, từ cách làm đồng bộ này, chắc chắn sẽ có các tác phẩm nghệ thuật chất lượng cao và người dân được thưởng thức nghệ thuật đích thực"./.
Thảo Nguyên (ghi)