(Tổ Quốc) - “Trước đây, đời sống của chúng ta còn khó khăn thì vấn đề an toàn thực phẩm còn chưa mấy quan tâm nhưng nay cuộc sống đã tốt hơn, văn minh hơn thì an toàn vệ sinh thực phẩm phải được quan tâm để đảm bảo sức khoẻ cho người dân”, PGS.TS Bùi Thị An - nguyên đại biểu Quốc hội, Viện trưởng Viện Tài nguyên môi trường và phát triển cộng đồng chia sẻ.
- 09.04.2019 Phụ gia axit benzoic trong tương ớt Chin-su: Người tiêu dùng lo lắng?
- 08.04.2019 18.000 chai tương ớt Chin-su bị thu hồi: Vì sao Nhật cấm, Việt Nam lại cho phép dùng?
- 08.04.2019 Ông chủ "tương ớt Chinsu" Nguyễn Đăng Quang giàu cỡ nào?
- 07.04.2019 Bộ Y tế lên tiếng trước việc tương ớt Chinsu bị thu hồi tại Nhật
PGS.TS Bùi Thị An - nguyên đại biểu Quốc hội, Viện trưởng Viện Tài nguyên môi trường và phát triển cộng đồng. (Nguồn: Một thế giới)
Theo Cục Quản lý Dược phẩm và Thực phẩm Mỹ (FDA), liều lượng axit benzoic được coi là an toàn với con người khi tiêu thụ với số lượng nhỏ. Lượng axit benzoic được phép có trong thực phẩm ở mức 0,05-0,1% tùy theo thể tích. Còn theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), liều lượng natri benzoate tối đa mà cơ thể có thể xử lý được là 5 mg/kg thể trọng mỗi ngày. Liều lượng gây độc ở người là 6 mg/kg thể trọng.
Trong khi đó, tại Việt Nam, trả lời phỏng vấn báo chí, PGS.TS. Nguyễn Duy Thịnh cho biết, quy định của Bộ Y tế cho phép sử dụng phụ gia này với nồng độ tối đa 0,1%, tức 1 g/1 lít, 1 g/1 kg.
Sự việc 18.168 chai tương ớt Chinsu nhập khẩu từ Việt Nam bị thu hồi tại Nhật Bản do có chứa axit benzoic, axit sorbic... bởi theo quy định của Nhật, axit benzoic không được sử dụng trong tương ớt.
Câu chuyện dù xảy ra tại nước Nhật nhưng đã khiến người tiêu dùng Việt Nam lo ngại vì sản phẩm tương ớt Chin-su đang được người Việt sử dụng rất phổ biến và tin tưởng.
PGS.TS Bùi Thị An chia sẻ, gia đình bà cũng sử dụng tương ớt Chin-su và hiện tại trong bếp vẫn còn một chai. Tuy nhiên, sự việc xảy ra đã khiến bà lo ngại và tạm thời ngưng sử dụng. Bà Bùi Thị An đặt câu hỏi: "Tại sao Nhật Bản cấm sử dụng axit benzoic nhưng Việt Nam thì không? Cơ sở nào đặt ra giới hạn hàm lượng cho loại chất này? Hay vì người Việt Nam miễn dịch với nó? Ngoài Chin-su còn những loại sản phẩm nào sử dụng chất này? Nếu có thể các cơ quan chức năng có thể công bố?", bà Bùi Thị An nói.
Theo PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh, Ủy ban Tiêu chuẩn Thực phẩm của Liên Hợp Quốc (Ủy ban Codex) cho Zing.vn biết, khi vào cơ thể, axit benzoic tác dụng với glucocol chuyển thành acid purivic không độc, thải ra ngoài.
Liều lượng gây độc ở người là 6 mg/kg thể trọng. Nếu ăn nhiều axit benzoic, cơ thể sẽ bị ảnh hưởng vì glucocol dùng để tổng hợp protein sẽ bị mất do tác dụng với axit benzoic để giải độc.
Dù vậy, điều đáng nói là người tiêu dùng dù có "thông thái" đến mấy thì cũng không thể kiểm soát được hàm lượng của axit benzoic đưa vào cơ thể, bởi chắc chắn chất này không chỉ xuất hiện trong sản phẩm tương ớt Chin-su mà còn có trong một số loại thực phẩm khác...
"Trước đây, đời sống của chúng ta còn khó khăn thì vấn đề an toàn thực phẩm còn chưa mấy quan tâm nhưng nay cuộc sống đã tốt hơn, văn minh hơn thì an toàn vệ sinh thực phẩm phải được quan tâm để đảm bảo sức khoẻ cho người dân. Ví như trước đây chúng ta vẫn ăn giò, chả, bánh phở.. mà trong đó có hàn the do không kiểm soát được và do người sản xuất chưa ý thức được tác hại. Đến nay, việc sử dụng hàn the trong sản xuất giò chả, bánh phở... đã giảm đi rất nhiều do có sự kiểm tra gay gắt của các cơ quan chức năng", PGS.TS Bùi Thị An nói.
Sản phẩm tương ót Chin-su bày bán tại Việt Nam (Nguồn: Giadinh.Net)
Theo bà An, vấn đề sức khoẻ của dân là vô cùng quan trọng vì đây là chất lượng nguồn lực của đất nước. Chất lượng cuộc sống của người dân luôn được Chính Phủ lấy làm mục tiêu phấn đấu. Vì thế, hơn bao giờ hết, câu chuyện an toàn thực phẩm phải được quan tâm.
"Phải đảm bảo sức khoẻ cho dân và phải sạch. Phải loại trừ những chất có hại đối với sức khoẻ con người kể cả thực phẩm chế biến sẵn đến thức ăn tươi sống. Ngày nay, ăn uống phải "sạch". Chẳng hạn, chất axit benzoic ở mức độ nào đó cho phép nhưng nếu quá một chút lại thành chất độc và sẽ gây bệnh cho người tiêu dùng", PGS.TS Bùi Thị An nói thêm.
Về vấn đề này, chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh cũng cho rằng, quan điểm trong sử dụng axit benzoic của Việt Nam và Nhật Bản đang khác nhau. Trong khi Nhật Bản cấm sử dụng axit benzoic trong tương ớt thì Việt Nam lại cho phép với hàm lượng nhất định. Qua sự việc như thế này, người tiêu dùng cần phải biết còn những loại thực phẩm nào trên thị trường đang được bày bán có sử dụng axit benzoic để từ đó sử dụng phù hợp.
Cũng theo chuyên gia Lê Đăng Doanh, các cơ quan chức năng như Bộ y Tế và Cục quản lý chất lượng (Bộ Công Thương) nên nhanh chóng có phát biểu chính thức để người tiêu dùng an tâm.
Trước đó, chính quyền thành phố Osaka, Nhật Bản, đã ra lệnh thu hồi toàn bộ 18.168 chai tương ớt Chinsu nhập khẩu từ Việt Nam do có chứa axit benzoic, axit sorbic...
Theo cơ quan chức năng Nhật, số tương ớt Chinsu này đã vi phạm khoản 2 điều 11 Luật vệ sinh thực phẩm Nhật. Các sản phẩm của Công ty Masan cũng không được dán nhãn đầy đủ để khuyến cáo người dùng.
Lên tiếng về sự việc này, Công ty Masan cho rằng nhiều khả năng đây là sản phẩm dành riêng thị trường Việt Nam. Masan cũng cho biết đơn vị này chưa từng xuất khẩu trực tiếp hoặc gián tiếp tương ớt Chinsu cho Công ty Javis Co., Ltd hoặc Công ty ISC Industrial Co., Ltd - hai doanh nghiệp có liên quan trực tiếp đến lô hàng bị thu hồi tại Nhật.