(Tổ Quốc) - Theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Xây dựng đang tiến hành xây dựng lộ trình dừng sử dụng Amiang trắng tại Việt Nam. Theo đó, vào năm 2023, Việt Nam sẽ chấm dứt sản xuất tấm lợp Amiang.
PGS.TS Bùi Thị An – Nguyên đại biểu Quốc hội Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp khoa học và kỹ thuật Hà Nội đã có cuộc trao đổi với báo chí xung quanh vấn đề này.
PGS.TS Bùi Thị An – Nguyên đại biểu Quốc hội Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp khoa học và kỹ thuật Hà Nội |
PV: Xin bà cho biết thực trạng sử dụng vật liệu Amiang tại Việt Nam hiện nay?
PGS.TS Bùi Thị An: Amiang trắng tồn tại ở Việt Nam trong nhiều sản phẩm nhưng chủ yếu vẫn là tấm lợp Fibro xi măng. Bởi vì trong tấm lợp Fibro xi măng thường chứa 8 – 11% amiang trắng. Theo nghiên cứu của các nước trên thế giới thì hiện nay, amiang trắng không có ngưỡng an toàn và không kiểm soát được.
Chính amiang là nguyên nhân gây nên ung thư phổi, ung thư trung biểu mô, u xơ vú, ung thư thanh quản và ung thư buồng trứng. Điều này đã được Tổ chức Y tế thế giới và các nước tiên tiến như Nhật Bản, Úc hay Mỹ nghiên cứu, không ai có phủ nhận được vấn đề này.
Ở Việt Nam, chúng ta đã dùng tấm lợp Fibro xi măng từ rất lâu, trước đây vì hoàn cảnh kinh tế của chúng ta rất là nghèo cho nên chúng ta phải dùng. Tuy nhiên, khi thấy tác hại của nó quá lớn thì phải có chính sách cụ thể để đầu tiên là dừng sau đó cấm tuyệt đối chuyện sử dụng amiang trăng ở trong các sản phẩm tấm lợp, sau đó là các sản phẩm khác.
Qua theo dõi của chúng tôi thì việc sử dụng Fibro xi măng chủ yếu là ở vùng sâu, vùng xa, các đồng bào có hoàn cảnh khó khăn. Mà hoàn cảnh đã nghèo, lại có người ốm đau, bệnh tật sẽ liên quan đến vấn đề an sinh xã hội. Tức là làm cho gia đình nghèo đói, kinh tế của vùng, làng bản hay thôn xóm đó giảm đi rất nhiều.
Điều này đã đi ngược với chủ trương của Chính phủ, tức là phải phát triển bền vững ba trụ cột: kinh tế, môi trường và xã hội. Thủ tướng Chính phủ cũng từng chỉ đạo, trong phát triển kinh tế chúng ta không đánh đổi môi trường bằng bất kỳ giá nào.
Tấm lợp Fibro xi măng |
PV: Mục tiêu đến năm 2023 Việt Nam sẽ chấm dứt việc sử dụng Amiang trắng, vậy giải pháp trong thời gian tới là gì thưa bà?
PGS.TS Bùi Thị An: Thực ra trong nhiều năm nay đã có chuẩn bị về việc này. Có 2 giải pháp, một là giải pháp về công nghệ, hiện đã có một đề tài cấp nhà nước nghiên cứu các vật liệu thay thế amiang. Đề tài này đã được nghiệm thu, có kết quả và đi vào sản xuất. Tuy nhiên, loại tấm lợp thay thế này chỉ có một nhược điểm duy nhất đó là đắt hơn tấm lợp Fibro xi măng từ 15 – 25%.
Hiện, chúng tôi đã kiến nghị nhà nước có hỗ trợ trong giai đoạn đầu. Trong quá trình thay đổi công nghệ thì cũng phải thay đổi một chút về dây chuyền. vấn đề này cũng đã được kiến nghị lên Chính phủ để làm thế nào để tạo điều kiện cho các doanh nghiệp này họ được hỗ trợ về mặt công nghệ để không có thay đổi đột biến làm ảnh hưởng đến sản xuất.
Chúng tôi nghĩ Bộ Khoa học và Công nghệ đã có kế hoạch và đặc biệt là Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, Tổng Liên đoàn Lao động đã cam kết rằng, nếu có sự thay đổi về dây chuyền, thay đổi chuyện sản xuất tấm lợp thì hai cơ quan này sẽ lo vấn đề công ăn việc làm cho người lao động. Cho nên, không phải lo chuyện người lao động sẽ thất nghiệp sau khi thay đổi dây chuyền sản xuất.
Bởi vì, tôi lấy kinh nghiệm của đất nước ta những năm 1997, khi đó Thủ tướng Võ Văn Kiệt cấm pháo ở Việt Nam. Lúc đó mọi người rất lo vì 2,5 triệu người dân tham gia trong quá trình sản xuất và lưu thông pháo, như vậy sẽ làm ảnh hưởng đến kinh tế của Việt Nam nhưng quả nhiên, sau khi cấm thì bao nhiêu tai họa giảm đi, người lao động chuyển đổi công việc khác cũng rất tốt.
Cho nên, tôi tin rằng việc 4.000 hay 5.000 người lao động trong 39 xí nghiệp sản xuất tấm lợp Fibro xi măng không phải là điều đáng ngại.
PV: Bà có thể nói rõ hơn về Đề tài nghiên cứu các vật liệu thay thế amiang?
PGS.TS Bùi Thị An: Đề tài đó người chủ trì nghiên cứu thì ở bên Bộ Công thương, người tài trợ nghiên cứu là bên Bộ Khoa học và Công nghệ. Hiện đã có nghiệm thu, đánh giá kết quả và đã đưa vào sản xuất, thậm chí tấm lợp này chúng ta đã xuất khẩu sang Ấn Độ, Nhật Bản.
Chỉ có điều giá thành hơi đắt một chút, vì vậy chúng tôi đã kiến nghị Chính phủ hỗ trợ để tấm lợp này được phát triển tại Việt Nam. Không cớ gì mà ngày cả những nước tiên tiến như Nhật Bản còn nhập của mình thì tại sao mình lại không phổ cập tại Việt Nam. Điều đó còn có tác dụng rất tốt đó là giảm hệ lụy, bệnh tật cho người dân.
Thế Công (thực hiện)