• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

PGS.TS Nguyễn Ngọc Hường: Ở Việt Nam, công tác xã hội trong bệnh viện chưa hoạt động đúng chuyên môn

Thời sự 24/09/2018 14:14

(Tổ Quốc) - Công tác xã hội (CTXH) trong ngành y tế được hình thành kể từ khi Bộ Y tế ban hành Đề án "Phát triển nghề công tác xã hội trong ngành Y tế giai đoạn 2011 – 2020”. Theo kế hoạch, 80% Bệnh viện tuyến Trung ương và 60% BV tuyến tỉnh có phòng công tác xã hội.

Sau một thời gian đi vào triển khai thực hiện, đến nay nghề công tác xã hội tại các Bệnh viện (BV) cũng đã được khẳng định vai trò, tầm quan trọng của mình. Mới đây, PGS.TS Nguyễn Ngọc Hường – Giám đốc Carolina toàn cầu tại Việt Nam và Đông Nam Á đã cuộc trao đổi với phóng viên Báo điện tử Tổ quốc về một số vấn đề liên quan đến nghề công tác xã hội tại BV.  

PGS.TS Nguyễn Ngọc Hường – Giám đốc Carolina toàn cầu tại Việt Nam và Đông Nam Á

PV: Bà đánh giá như thế nào về vai trò của ngành công tác xã hội trong các bệnh viện hiện nay?

PGS.TS Nguyễn Ngọc Hường: Mặc dù chỉ mới chính thức phát triển từ năm 2010, thế nhưng vì có chủ trương, có quyết tâm cho nên đến nay nhiều BV đã có phòng CTXH. Nếu như về mặt chuyên môn, so với các nước phát triển thì CTXH trong BV vẫn chưa đúng với chức năng, nhiệm vụ.

Tuy nhiên, đứng về mặt quyết tâm, nhận thức về vai trò và tầm quan trọng của hoạt động CTXH thì Việt Nam đang đi trước các nước rất nhiều và đang làm những việc mà các nước mất rất nhiều năm mới làm được.

PV: Vậy theo bà, chức năng quan trọng nhất của nghề CTXH tại BV là như thế nào?

PGS.TS Nguyễn Ngọc Hường: Phòng CTXH Việt Nam vẫn đang hoạt động mang tính chất phong trào, từ thiện, chưa làm nhiều đến các vấn đề liên quan đến lâm sàng, chuyên môn sâu của người làm CTXH.

Về cơ bản nếu nhìn vào mô hình của nước ngoài, khi người bệnh vào BV thì xung quanh họ bao giờ cũng có một đội ngũ bác sĩ có thể là điều dưỡng, thần kinh, vật lý trị liệu, bác sĩ tâm lý, nhân viên CTXH.  

Cấu phần quan trọng đầu tiên về mặt chuyên môn mà nhân viên CTXH phải làm đó là: cấu phần xã hội, tâm lý, tâm linh.  Tôi lấy ví dụ rõ nhất là bệnh ung thư, về mặt bệnh học thì có thể những vấn đề liên quan đến tế bào, dinh dưỡng, nhịp sống về ngủ và ăn còn toàn bộ những cấu phần liên quan ví dụ như là tâm lý sợ hãi khi họ phát hiện mình bị ung thư, lo lắng về việc gia đình, công việc bị ảnh hưởng hoặc những cái thuộc về tâm lý thì ở các nước phát triển nhân viên CTXH sẽ là người làm việc này.

Tóm lại, họ giải quyết về cấu phần tâm lý, cấu phần xã hội của một bệnh. Thứ hai là họ góp phần điều phối giữa toàn bộ nhóm chuyên gia chữa bệnh đó và kết nối nhóm chuyên gia đó với người bệnh cũng như người nhà bệnh nhân.

Bởi vì một người bệnh khi vào BV sẽ được điều trị bởi rất nhiều y bác sĩ. Nhiều người bệnh họ không biết cách ứng xử, nói chuyện với từng nhân viên y tế. Điều này dễ gây xung đột giữa người bệnh và nhân viên y tế, vậy cần nhân viên CTXH đứng giữa để truyền đạt thông tin đúng giữa hai đối tượng này.

Hoặc có những thứ bệnh nhân cần nhưng bản thân trong BV không có mà họ cần ra ngoài cộng đồng để làm những việc đó, thì nhân viên CTXH cũng phải là người biết rất rõ để tư vấn, giới thiệu cho người bệnh. Ngoài ra họ cũng làm thêm các công việc như vận động giúp đỡ các bệnh nhân nghèo, giải thích về vấn đề bảo hiểm, chi phí.

PV: Vấn đề bạo hành trong lĩnh vực y tế đang là một thực trạng nhức nhối tại Việt Nam, chính đội ngũ y bác sĩ cũng cần được hỗ trợ về mặt tâm lý, vậy vai trò của nhân viên CTXH trong vấn đề này như thế nào thưa bà?

PGS.TS Nguyễn Ngọc Hường: Đây là một vấn đề rất mới, theo như tôi thấy ở nước ngoài họ không đặt ra vấn đề này. Tôi nghĩ nhân viên CTXH có thể đảm trách được công việc này.

Cụ thể, nếu như  nhìn vào hoạt động của nhân viên CTXH thì có cả trước, trong và sau điều trị. Ở phần trước điều trị, khi bệnh nhân vào BV thì đã có hệ thống nhân viên CTXH làm nhiệm vụ đón tiếp, giới thiệu, hướng dẫn…nếu công tác này tốt thì sẽ giảm thiểu rất nhiều sự bức xúc vì đã ra được ấn tượng ban đầu.

Còn trong trường hợp quá trình điều trị mà vẫn xảy ra mâu thuẫn giữa bệnh nhân, người nhà bệnh nhân với y bác sĩ thì nhân viên CTXH cũng có thể can thiệp với vai trò hòa giải, trị liệu cho các sang chấn.

Theo tôi nghĩ, bác sĩ khi bị áp lực như thế dẫn đến những sang chấn tinh thần thì bản thân nhân viên CTXH sẽ phải làm công tác trị liệu về mặt tâm lý. Đồng thời, làm những trị liệu, hòa giải giữa bệnh nhân và bác sĩ, đó cũng là vai trò mà tôi thấy mới và rất quan trọng đối với nhân viên CTXH hiện nay.

Vâng, xin cảm ơn PGS.TS Nguyễn Ngọc Hường!

Thế Công (thực hiện)

 

Thế Công

NỔI BẬT TRANG CHỦ