• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

PGS.TS Phạm Minh Sơn: Thông tin xuyên tạc, bôi nhọ lãnh đạo Đảng, Nhà nước có tác động xấu đến xã hội, rất nguy hiểm

Thời sự 18/08/2017 15:12

(Tổ Quốc) -“Ở lứa tuổi sinh viên, nếu các em không được giáo dục, định hướng thì dễ bị ảnh hưởng bởi những thông tin xấu độc. Với sinh viên báo chí, muốn trở thành những nhà báo giỏi, có phẩm chất đạo đức tốt thì việc chọn lọc trong quá trình tiếp cận thông tin là vô cùng cần thiết”, PGS.TS Phạm Minh Sơn, Trưởng khoa Quan hệ Quốc tế - Học viện Báo chí và Tuyên truyền nhấn mạnh.

Thời gian qua, nhiều trang mạng xã hội đã đưa những thông tin nhằm xuyên tạc tình hình chính trị nội bộ của Việt Nam. Báo Điện tử Tổ Quốc thực hiện tuyến bài: Làm thế nào để chống nhiễu loạn thông tin xuyên tạc hiện nay?

PGS.TS Phạm Minh Sơn, Trưởng khoa Quan hệ Quốc tế - Học viện Báo chí và Tuyên truyền: “Phải định hướng tránh xa thông tin xấu độc từ thế hệ sinh viên”.

 

Dưới đây, là bài phỏng vấn PGS.TS Phạm Minh Sơn, Trưởng khoa Quan hệ Quốc tế - Học viện Báo chí và Tuyên truyền:

Ông nghĩ gì về việc trên mạng xã hội xuất hiện những thông tin xuyên tạc, bôi nhọ lãnh đạo Đảng, Nhà nước hiện nay?

PGS.TS  Phạm Minh Sơn:  Trên mạng xã hội đang xuất hiện những thông tin xuyên tạc, bôi nhọ lãnh đạo Đảng, Nhà nước. Những thông tin này có tác động xấu đến xã hội, rất nguy hiểm, nhất là đối với giới trẻ, các em sinh viên.

Chúng ta cần phải nhận thức rằng, mạng xã hội hiện nay có tác động rất lớn đến nhận thức và hành động của mọi người trong xã hội. Tính tích cực của mạng xã hội là giúp cho mọi người gắn kết, chia sẻ tư tưởng, tình cảm với nhau. Nhưng bên cạnh đó, cũng có những lực lượng xấu lợi dụng mạng xã hội để kích động, xuyên tạc những thông tin về chính trị, xã hội... Khi đó, với những người có quan điểm, lập trường không vững vàng hoặc không đọc những thông tin chính thống, chính xác thì rất dễ bị lái theo chiều hướng của những lực lượng này.

Những thông tin xấu độc trên mạng xã hội là những thông tin bịa đặt, xuyên tạc, không có cơ sở về các sự việc, diễn biến, về các các nhân, nhất là các nhà lãnh đạo cao cấp nhằm gây nên sự hoài nghi, rối loạn thông tin, gây chia rẽ nội bộ, làm giảm sự tin tưởng của nhân dân với Đảng, Nhà nước.

Bản thân tôi cũng có tài khoản trên mạng xã hội như Facebook. Và với tính chất công việc, đôi khi tôi cũng gặp những trang tin xấu độc. Tất nhiên tôi nhận thức rõ và không bao giờ tin vào những thông tin như vậy.

-Với vai trò là giảng viên trường báo chí, ông định hướng như thế nào đối với loại thông tin xấu độc đối với thế hệ sinh viên để từ đó các em có thể chọn lọc thông tin trước "cơn sóng" mạng xã hội đang dâng cao như hiện nay?

PGS.TS Phạm Minh Sơn: Chúng tôi có trách nhiệm hướng dẫn cho sinh viên nhận biết những trang thông tin xấu độc, phản động, chống phá Nhà nước, thể hiện bằng tiếng Việt nhưng lại có tên miền nước ngoài, không đại diện cho một cơ quan Việt Nam nào cả. Những trang này khác với những trang thông tin chính thống của các cơ quan Đảng, Nhà nước về nội dung, cách thức thể hiện... Chẳng hạn, dấu hiệu dễ dàng nhận biết là những trang thông tin chính thống của Việt Nam thường có tên miền Việt Nam kết thúc bằng “.vn”, trang tin có ghi rõ tên cơ quan chủ quản, người chịu trách nhiệm...

Ngoài ra, nếu là báo điện tử, trang thông tin tổng hợp thì phải thể hiện rõ thông tin về giấy phép, địa chỉ, điện thoại liên lạc, tên tổng biên tập… Đối với mạng xã hội, các trang xấu độc thường núp danh các lãnh đạo Đảng, Nhà nước, những người nổi tiếng để công kích, nói xấu. Hoặc cũng có nhiều trường hợp không thể hiện rõ danh tính người đăng, thường xuyên thay đổi tên, hình đại diện để tạo cảm giác ý kiến đông đảo, đồng thời tránh bị phát hiện, vạch mặt.

Các thông tin trên các báo chính thống của Việt Nam đều phải trải qua quy trình đăng tải thông tin nghiêm ngặt của tòa soạn, thông tin trước khi phát  hành phải được kiểm tra, kiểm chứng, nêu rõ nguồn tin. Trong khi thông tin trên những trang tin bịa đặt thì thường là những phát ngôn, phỏng đoán của một cá nhân nào đấy và thiếu sự kiểm chứng. Tất nhiên, thủ đoạn của chúng cũng rất tinh vi, thường là lồng sự bịa đặt, xuyên tạc vào những thông tin chính xác, khách quan để đánh tráo thật giả, đúng sai. Do đó phải hết sức cảnh giác.

Ở lứa tuổi sinh viên, nếu các em không được giáo dục, định hướng thì dễ bị ảnh hưởng bởi những thông tin xấu độc. Đối với các em sinh viên báo chí, muốn trở thành những nhà báo giỏi, có phẩm chất đạo đức tốt thì việc chọn lọc trong quá trình tiếp cận thông tin là vô cùng cần thiết. Đối với sinh viên khoa Quan hệ quốc tế chúng tôi, trong chương trình giảng dạy có hẳn nội dung học tập về thông tin đối ngoại, trong đó gồm cả những kiến thức về nhận diện và đấu tranh chống lại những thông tin độc hại, chống lại sự xuyên tạc về dân chủ, nhân quyền, tự do tín ngưỡng, tự do tôn giáo, tự do báo chí…

-Theo ông, cần phải có những biện pháp gì để ngăn ngừa các thông tin xấu độc?

PGS.TS Phạm Minh Sơn:  Có nhiều biện pháp để ngăn ngừa các thông tin xấu độc: có biện pháp giáo dục, biện pháp về đổi mới nội dung, hình thức thông tin, biện pháp hành chính, biện pháp kỹ thuật…

Đối với chúng tôi là những giảng viên, cần phải tăng cường hơn nữa giáo dục cho các bạn trẻ sinh viên các kiến thức về lý luận, chính trị xã hội, quan hệ quốc tế, thông tin đối ngoại, truyền thông quốc tế… để các em có nền tảng kiến thức, có  khả năng nhận thức rõ vấn đề, hiểu rõ vấn đề, đấu tranh chống lại những luồng tư tưởng xấu. Khi có nền tảng kiến thức rồi thì bằng nội tại của mỗi con người, các em sẽ có khả năng tự “kháng sinh” chống lại sự xâm hại của các “virus độc hại”.

Bên cạnh đó, chúng ta cần phải tăng cường xử lý về mặt hành chính và có biện pháp kỹ thuật để gỡ bỏ những trang mạng xấu.

Về phía báo chí chúng ta, cần có thêm nhiều những bài viết kịp thời truyền tải những thông tin chính thống để người đọc nắm bắt sự thật, từ đó nhận biết và loại bỏ những thông tin xấu độc, bịa đặt, bôi nhọ lãnh đạo Đảng, Nhà nước.

-Xin cảm ơn ông!

Hà Giang

NỔI BẬT TRANG CHỦ