(Tổ Quốc) - Sau nhiều kiến nghị bảo tồn, căn biệt thự Pháp cổ thuộc trạm phát sóng bản Tuyên ngôn độc lập (128C Đại La, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) vẫn bị phá dỡ đêm 11/9. Trước đó, Bảo tàng Hà Nội đã sưu tầm một số hiện vật của tòa nhà, nhằm phục vụ công tác trưng bày sau này.
Căn biệt thự Pháp cổ thuộc quần thể nhà cổ Trạm vô tuyến - Điện báo, nay ở 128C Đại La, Hà Nội, đã chính thức bị phá dỡ từ đêm 11/9 để phục vụ dự án đường trên cao Vĩnh Tuy - Ngã Tư Sở. Tất cả đã biến thành đống hoang tàn chỉ sau một đêm.
Bức ảnh chụp tòa biệt thự vào tháng 12 năm ngoái, khi một phần công trình đã bị phá. Bà Nguyễn Khánh An (64 tuổi) con gái nhà báo, nhà ngoại giao Nguyễn Bá Đàn, là một trong những người đại diện của tòa nhà kể lại, tại đây, vào ngày 7/9/1945, trong căn phòng tầng 2, hai phát thanh viên Nguyễn Văn Nhất và Dương Thị Ngân đã đọc lại bản Tuyên ngôn độc lập của Bác Hồ, để tiếng nói của Bác vang ra khắp thế giới. Đài tiếng nói Việt Nam cũng từ đây đã bắt đầu một cuộc sống vô cùng phong phú.
Bà An không còn nhớ chính xác tòa nhà được xây dựng năm bao nhiêu, có sách viết rằng cùng thời điểm với Nhà Hát Lớn, tức là năm 1912. Đây là một ngôi nhà không chỉ đẹp về kiến trúc mà còn chứa đựng những thời khắc lịch sử, nơi có những con người làm nên lịch sử từng ngồi tại đây. Toà nhà nằm trong quần thể 4 tòa nhà cổ.
Bên trong căn nhà ở tầng 1 của bà An, bộ bàn ghế, lò sưởi, bếp chạn,... mọi thứ "bảo toàn" như cách đây hàng chục năm về trước.
Trước đó, các gia đình đã bàn giao tòa biệt thự cho đại diện ban giải phóng mặt bằng.
Niềm an ủi lớn nhất đối với bà An, là Bảo tàng Hà Nội đã sưu tầm một số hiện vật như cửa sổ, cửa ra vào, gạch trang trí,... bảo quản nhằm phục vụ trưng bày sau này. Trước đó, nhiều kiến trúc sư người Pháp, Canada trong những tháng trở lại đây, đã tìm đến gặp bà xin chụp lại từng kiến trúc, hoa văn của ngôi nhà.
Trước đó, UBND TP Hà Nội chỉ đạo Sở Văn hóa - Thể thao khẩn trương quay ghi hình ảnh 3D công trình này, lưu hồ sơ để sau đó tổ chức phá dỡ, đảm bảo tiến độ.
Hội Kiến trúc sư Việt Nam cũng từng gửi thư kiến nghị lên TP Hà Nội đề nghị dừng việc phá dỡ 2 công trình thuộc trạm phát sóng Bạch Mai, khẩn cấp bảo tồn công trình này, nhưng đến nay, tòa nhà đã thực sự đi vào lịch sử.