(Tổ Quốc) - Tại Vĩnh Phúc, chủ trương phá rừng, kể cả rừng phòng hộ vì dự án xây dựng siêu nghĩa trang vẫn có nguy cơ tiếp diễn, bất chấp sự phản đối của dư luận và những tác động đến môi trường, hệ sinh thái, cảnh quan khu du lịch đã được các chuyên gia, người dân cảnh báo.
Khu vực núi ngang có ý nghĩa môi trương, phát triển du lịch đặc biệt đối với người dân huyện Tam Đảo, tỉnh Vĩnh Phúc. (Ảnh TL) |
Người dân liên tục phản đối việc quy hoạch xây dựng công viên nghĩa trang trên địa bàn. Bởi lẽ, Tam Đảo được định hướng phát triển trọng điểm về du lịch, việc cho làm nghĩa trang trên núi Ngang sẽ ảnh hưởng đến hoạt động du lịch nơi đây.
Đáng nói hơn là khu vực cho xây nghĩa trang nằm sát Khu Di tích danh thắng Tây Thiên. Từ xã Bồ Lý, đi qua dãy núi và rừng phòng hộ sẽ là rừng quốc gia Tam Đảo và khu di tích này - nơi được coi là vùng đất thiêng, du lịch tâm linh quan trọng của tỉnh Vĩnh Phúc.
Vĩnh Phúc chọn “tiến hay lùi” trong phát triển bền vững?
Theo đó, tổng vốn của dự án khoảng 685 tỉ đồng, tiến độ thực hiện từ quý I/2017 đến năm 2025, do Công ty Cổ phần Đầu tư Bình Minh Xanh (địa điểm kinh doanh nhà H10, ngõ 132, Phố Trung Kính, Phường Yên Hòa, Quận Cầu Giấy, Hà Nội) làm chủ đầu tư. Dự án có quy mô 153 ha, trong đó đất dự kiến xây “siêu nghĩa trang” chiếm khoảng 105,5 ha. Nghĩa trang dự kiến có 70.000 mộ phần cải táng và 2 triệu ngăn lưu tro cốt hỏa táng cùng đài hỏa táng.
Việc chấp thuận lập khu công viên nghĩa trang này được người dân địa phương đánh giá là vội vàng theo cách bất thường. Bởi lẽ, ngày 4/1/2017, UBND tỉnh Vĩnh Phúc có Tờ trình số 02/TTr-UBND thì chỉ sau đó 2 ngày, 6/1, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã họp và thống nhất với tờ trình. Điều đáng nói, trong một số báo cáo của tỉnh đều nêu rõ sự phản đối của người dân về việc lập công viên nghĩa trang này.
Một trong những lý do mà người dân phản đối là vì địa điểm xây nghĩa trang nằm trên khu vực rừng phòng hộ đã được nhà nước giao các hộ gia đình, cá nhân nhận trồng, chăm sóc và bảo vệ từ nhiều năm trước. Theo thống kê, tính đến năm 2014, Vĩnh Phúc có khoảng 4.000 ha đất rừng phòng hộ. Riêng Tam Đảo chỉ còn khoảng hơn 500 ha với chức năng vừa phòng hộ vừa bảo tồn đa dạng sinh học. Nếu 105,5 ha rừng phòng hộ tại xã Bồ Lý tiếp tục bị doanh nghiệp “thôn tính” thì diện tích rừng phòng hộ tại đây sẽ bị suy giảm nghiêm trọng.
Với quyết tâm “rất lạ” của, UBND tỉnh Vĩnh Phúc liên tục có những động thái thể hiện ý chí xây dựng dự án công viên nghĩa trang trên đất rừng phòng hộ là quyết định không thể đảo ngược, dù vấp phải tuyệt đại đa số nguyện vọng phản đối của những người dân sinh sống tại địa bàn triển khai dự án.
Và tại buổi làm việc với Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ ngày 15/6/2017, lãnh đạo tỉnh Vĩnh Phúc vẫn kiên quyết bảo vệ chủ trương và cho rằng xây dựng công viên nghĩa trang tại tỉnh là cần thiết.
Quyết tâm xóa bỏ rừng phòng hộ Núi Ngang làm siêu công viên nghĩa trang của Vĩnh Phúc tiếp tục “trỗi dậy” khi ông Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc Nguyễn Văn Trì tuyên bố tại buổi làm việc rằng: Vĩnh Phúc sẽ chuyển đổi rừng phòng hộ Núi Ngang thành rừng sản xuất và việc xây dựng công viên nghĩa trang nhằm phục vụ mục tiêu… phát triển bền vững.
Tuy nhiên, sự bền vững ở đâu như lời ông Nguyễn Văn Trì - Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc phát biểu khi tình trạng phá rừng phòng hộ làm nghĩa trang sẽ làm mất đi tính đa dạng sinh học, nguy cơ ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng tiềm năng phát triển du lịch địa phương. Đặc biệt nguy hiểm hơn là trong bối cảnh biến đổi khí hậu rất mạnh, lỡ phá rừng đi rồi thì thiên nhiên không thể vãn hồi, mưa lớn gây lũ thì hậu quả sẽ khôn lường.
Tư nhân đi trước, Vĩnh Phúc “lội nước” theo sau
Dẫn lời một số người dân sinh sống tại khu vực có chủ trương lấy đất rừng phòng hộ làm dự án siêu nghĩa trang cho biết, núi Ngang có địa hình cao nhất so với các khu vực trong xã, dự án kéo dài tới mấy cây số. Vì thế, việc xây công viên nghĩa trang ở đây sẽ khiến mạch nước ngầm và nguồn nước tự nhiên bị ô nhiễm, ảnh hưởng lớn đến sinh hoạt, sản xuất của người dân. Một lý do nữa khiến người dân kiên quyết không thực hiện triển khai dự án là do dãy núi Ngang kéo dài 6-7 km, là lá chắn quan trọng trong việc ngăn lũ lụt cho dân. Ngoài ra, khu vực núi Ngang còn mang giá trị về du lịch, văn hóa tâm linh. Trên đỉnh núi còn có cả di tích quốc gia, có đền thờ “Thất vị đại vương” được nhân dân dựng lên để tưởng nhớ công ơn các anh hùng có công đánh giặc bảo vệ quê hương.
Trước sức nóng của dư luận, UBND tỉnh Vĩnh Phúc đã đề nghị Ban Thường vụ Tỉnh ủy cho dừng chủ trương nghiên cứu triển khai lập quy hoạch dự án.
Cần phải nói thêm rằng, nếu rừng phòng hộ Núi Ngang được chuyển thành rừng sản xuất thì quyền chủ động quyết định số phận của cánh rừng phòng hộ Núi Ngang sẽ hoàn toàn nằm trong sự chủ động của chính quyền tỉnh Vĩnh Phúc không cần tới sự cho phép của Thủ tướng và Quốc hội. Lúc đó, việc chuyển đổi phân loại rừng từ rừng phòng hộ đầu nguồn sang rừng sản xuất hoàn toàn nằm trong thẩm quyền của các cấp chính quyền tỉnh Vĩnh Phúc.
Cũng thời điểm trên, tháng 2/2017, Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình vừa yêu cầu UBND tỉnh Vĩnh Phúc kiểm tra, làm rõ thông tin trong bài báo "Vĩnh Phúc: Chặt rừng phòng hộ làm nghĩa trang hay đào khoáng sản?".
Công văn được Văn phòng Chỉnh phủ gửi UBND tỉnh Vĩnh Phúc nêu rõ, ngày 4/2, một tờ báo đã đặt ra vấn đề về việc chặt rừng phòng hộ làm nghĩa trang hay đào khoáng sản?.
Theo đó, bài báo đặt ra vấn đề, vì sao không chọn địa điểm khác để làm công viên nghĩa trang thay vì khu vực núi Ngang thuộc địa bàn xã Bồ Lý, huyện Tam Đảo, tỉnh Vĩnh Phúc? Vì sao lại chọn nơi đất rừng trồng phòng hộ và dưới lòng đất chứa trữ lượng lớn khoáng sản có giá trị cao để làm nghĩa trang...?
Đó là những câu hỏi được đặt ra xung quanh việc UBND tỉnh Vĩnh Phúc trình Thường vụ Tỉnh uỷ Vĩnh Phúc phê duyệt chủ trương quy hoạch xây dựng Công viên nghĩa trang Vĩnh Hằng, Vĩnh Phúc tại khu vực núi Ngang, thuộc địa bàn xã Bồ Lý, huyện Tam Đảo. Cũng theo bài báo phản ánh, với trữ lượng khoáng sản lớn và có giá trị cao, dư luận đặt ra câu hỏi rằng: Phải chăng có lợi ích nhóm trong việc phê duyệt, chấp thuận xoá bỏ rừng trồng phòng hộ để xây dựng công viên nghĩa trang? Liệu có hay không việc núp bóng danh nghĩa xây dựng công viên nghĩa trang để khai thác khoáng sản, vơ vét tài nguyên tư lợi cá nhân?
Liên tiếp các bản hợp đồng được một người “lăn lội” từ Hà Nội lên Tam Đảo gom đất rừng người dân quản lý với thời hạn 50 năm. |
Công ty Cổ phần Đầu tư Bình Minh Xanh có địa chỉ trùng khớp với người thu gom đất của người dân huyện Tam Đảo có tên là Vũ Thụy Vân. |
Trùng hợp với quyết tâm xóa bỏ rừng phòng hộ Núi Ngang của vị quan chức đứng đầu tỉnh Vĩnh Phúc, giai đoạn từ tháng 4/2017 đến tháng 6/2017, hàng loạt vụ cháy rừng quy mô lớn, bất thường đã xảy ra tại rừng phòng hộ Núi Ngang khiến hơn 30 héc ta rừng phòng hộ Núi Ngang chưa kịp chuyển thành rừng sản xuất đã thành tro tàn!
Không chỉ dừng lại ở những vụ cháy lan bất thường, theo thông tin phóng viên nắm được, có một số “hợp đồng ủy quyền” lâu năm cho người ngoài địa phương, khiến không ít ý kiến nghi ngờ về việc “lách luật” mua bán, chuyển nhượng đất rừng phòng hộ.
Trong năm 2016, nhiều hộ dân tại thôn Tân Lập, xã Bồ Lý, huyện Tam Đảo đã ký hợp đồng ủy quyền sử dụng đất với một người phụ nữ tên là Vũ Thụy Vân (trú tại H10, ngõ 132, phố Trung Kính, Phường Yên Hòa, Cầu Giấy, Hà Nội) hàng chục ha ở sườn núi Ngang (xã Bồ Lý) với mục đích kinh doanh lâm nghiệp, thời hạn tới 50 năm…
Điều khá bất ngờ là địa chỉ đăng ký hộ khẩu thường trú của người tên Vân này lại có sự trùng khớp với địa chỉ đăng ký của Công ty Cổ phần Đầu tư Bình Minh Xanh - doanh nghiệp đề xuất thực hiện xây dựng siêu nghĩa trang.
Tỉnh Vĩnh Phúc đang “lén lút” làm quy trình ngược?
Theo quy định của Luật Đất đai, đất rừng phòng hộ là loại đất đặc biệt, có vai trò, ý nghĩa đặc biệt quan trọng nên pháp luật đưa ra một số hạn chế nhất định trong hoạt động chuyển nhượng. Khi muốn chuyển đổi đất rừng phòng hộ sang đất nghĩa trang buộc phải xin phép Thủ tướng Chính phủ với diện tích trên 20ha. Đặc biệt, theo Luật Đầu tư, chuyển đổi trên 50ha rừng phòng hộ sang làm đất nghĩa trang phải được Quốc hội thông qua.
Bên cạnh đó, Thủ tướng Chính phủ đã lệnh đóng cửa rừng tự nhiên ở một số địa phương, xử lý nghiêm tình trạng phá rừng để đảm đảm bảo môi trường, môi sinh tránh tái diễn những bài học đau đớn do thiên tai gây ra.
Vậy tại sao, chỉ trong 2 ngày nhận được tờ trình dự án, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Vĩnh Phúc đã thống nhất, đồng ý. Với thời gian trên liệu đã đủ để cơ quan có thẩm quyền bàn bạc, nghiên cứu tính khả thi, tính khoa học của dự án? Ngoài ra, một dự án lớn và có mức độ ảnh hưởng đến môi trường, môi sinh như vậy lại được thông qua nhanh đến vậy, đặc biệt là những dự án có nguy cơ ảnh hưởng tới môi trường, đời sống dân sinh? Trong khi nhiều diện tích rừng bị phá chưa được khôi phục lại, lý do gì để Vĩnh Phúc lại đưa ra lựa chọn phá rừng mà đặc biệt là rừng phòng hộ để thực hiện dự án mà không phải chỗ khác?.
Trên thực tế, việc xây dựng “siêu” nghĩa trang tại thời điểm bắt đầu triển khai dự án lại chưa hề được lấy ý kiến của người dân. Sau khi báo chí phản ánh, UBND tỉnh Vĩnh Phúc đã ký tờ trình đề nghị dừng chủ trương xây nghĩa trang tại rừng phòng hộ ở núi Ngang, xã Bồ Lý, huyện Tam Đảo. Thế nhưng, trong thời gian gần gây, UBND huyện Tam Đảo, UBND xã Bồ Lý lại bất ngờ tiến hành lấy ý kiến đóng góp của người dân về Dự thảo “Điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020 và kế hoạch sử dụng đất đến năm 2017” của huyện.
“Cuộc họp diễn ra vào chiều ngày 3/10/2017 nhưng đến chiều 2/10/2017 văn bản lấy ý kiến người dân mới “lọt” ra ngoài. Thành phần tham dự cuộc họp cũng rất hạn chế, những người dân phản đối mạnh mẽ dự án công viên nghĩa trang tại Núi Ngang ít cơ hội được tham gia.
Sau buổi họp, một số người dân cho biết, bản đồ quy hoạch sử dụng đất đến năm 2017 của huyện Tam Đảo, tỉnh Vĩnh Phúc đã ghi rõ Núi Ngang là nơi xây dựng công viên nghĩa trang quy mô hơn 100 héc ta. Khiến dư luận dấy lên nghi ngờ, đồn đoán, chính quyền tỉnh Vĩnh Phúc đang làm “quy trình ngược” để tìm mọi cách hợp thức hóa việc sử dụng đất rừng phòng hộ làm công viên nghĩa trang, rồi bất ngờ thu hồi đất rừng theo kiểu “đánh úp” khiến người dân không kịp trở tay.
Nói về dự án siêu nghĩa trang của tỉnh Vĩnh Phúc, PGS.TS Bùi Thị An, Viện trưởng viện Tài nguyên, môi trường và phát triển cộng đồng, nguyên Ủy viên Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội cho rằng, việc lo chỗ chôn cất cho người chết là việc làm nhân văn. Tuy nhiên, cần xác định vị trí xây dựng nghĩa trang cho phù hợp nhằm tránh những hệ lụy có thể xảy, ảnh hưởng tới môi trường, và các yếu tố kinh tế, xã hội khác.
Do đó, việc bố trí vị trí xây dựng nghĩa trang (đặc biệt là với một dự án lớn, ảnh hưởng tới cả trăm hecta diện tích rừng phòng hộ như ở Vĩnh Phúc) cho phù hợp để không gây ô nhiễm môi trường, không ảnh hưởng tới đời sống của người dân, là những vấn đề rất hệ trọng cần được tính toán, nghiên cứu kỹ lưỡng”.
Cũng theo PGS.TS Bùi Thị An: "Một dự án được thực hiện trên đất có rừng nếu muốn thực hiện cần phải có đề án đánh giá lại các tác động về môi trường, xã hội, kinh tế.
Từ đó phân tích mặt lợi, hại, và những tác động xấu có thể xảy ra từ dự án. Nếu dự án có lợi cho nhà nước, người dân, doanh nghiệp, mà không ảnh hưởng tới môi trường, môi sinh mới nên thực hiện (1).
Bên cạnh góp ý của PGS.TS Bùi Thị An, nhiều ý kiến của các chuyên gia khác đều cho rằng, vùng Tam Đảo từ thời Pháp thuộc đã được biết đến là nơi giàu tiềm năng du lịch. Nếu đặt nghĩa trang với hàng triệu phần mộ như vậy chắc chắn ảnh hưởng đến việc phát triển du lịch ở đây. Chưa kể, việc đặt nghĩa trang ở triền núi, còn phía dưới cách không xa là nhà máy nước sinh hoạt là điều không nên. Dù công nghệ có hiện đại đến thế nào cũng khó ngăn được việc ảnh hưởng đến môi trường xung quanh, chất thải sẽ ngấm dần vào mạch nước qua thời gian.
Theo GS.TS Vũ Trọng Hồng, nguyên Thứ trưởng Bộ Thủy lợi, nay là Bộ Nông nghiệp - Phát triển nông thôn, Vĩnh Phúc là vùng đất đai rộng rãi, không thiếu địa điểm lại đưa ra chủ trương phá rừng phòng hộ Tam Đảo để làm nghĩa trang, vừa nguy hiểm do mất rừng, vừa phá hoại tiềm năng du lịch. Chưa thấy nước nào trên thế giới phá rừng phòng hộ làm nghĩa trang. Lại càng không có ở đâu đặt nghĩa trang vào khu du lịch. Trên thế giới thường bố trí nghĩa trang ở những vùng đất không mấy tiềm năng về sản xuất nông nghiệp, công nghiệp... để tránh lãng phí (2).
Còn ông Nguyễn Quốc Trị, Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp kiêm Cục trưởng Cục Kiểm lâm - Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT), cho biết để xây dựng khu công viên nghĩa trang tại núi Ngang, chính quyền tỉnh Vĩnh Phúc sẽ phải thông qua rất nhiều bước, trong đó có việc phải xin ý kiến và phải có sự đồng ý của Bộ NN-PTNT.
“Theo tôi biết, dự án này mới chỉ ở giai đoạn UBND tỉnh báo cáo với Thường vụ Tỉnh ủy Vĩnh Phúc thôi. Muốn chuyển đổi rừng phòng hộ sang sử dụng mục đích khác thì phải theo Luật Bảo vệ và Phát triển rừng, chứ không phải muốn chuyển là chuyển được” - ông Trị nhận xét.
Ông Trị cho rằng dự án này muốn thực hiện được thì phải làm theo quy trình, quy định của pháp luật. Ông nhấn mạnh: “Luật Bảo vệ và Phát triển rừng quy định rất rõ việc chuyển đổi bao nhiêu hecta thì phải báo cáo Chính phủ, báo cáo Bộ NN-PTNT. Tỉnh Vĩnh Phúc không thể tự làm, tự quyết được đâu!”.
Liên quan đến một sự kiện khác, sáng ngày 6/2/2017 tại Vĩnh Phúc, Hội Nông dân Việt Nam phối hợp với UBND tỉnh Vĩnh Phúc tổ chức Lễ phát động “Tết trồng cây, đời đời nhớ ơn Bác Hồ” xuân Đinh Dậu 2017.
Phát biểu tại buổi lễ, thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân, đã khẳng định vai trò, ý nghĩa và lợi ích to lớn của truyền thống tốt đẹp Tết trồng cây do Chủ tịch Hồ Chí Minh phát động từ mùa xuân 1960.
Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân nêu rõ: “Trồng rừng, trồng cây, phải 5 năm, 10 năm mới có được lợi ích. Nhưng phá rừng, chặt cây, ngay ngày mai có hậu quả xã hội… Không bảo vệ rừng, chặt cây chính là phá đi cơ sở cuộc sống lâu dài của đất nước, tự chặt vào những giường cột của mái nhà Việt Nam”.
Cũng có mặt tại lễ phát động, ông Nguyễn Văn Trì, Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc cho biết, những năm qua, toàn tỉnh Vĩnh Phúc trồng được hơn 700ha rừng sản xuất, quản lý và bảo vệ tốt gần 4.000ha rừng phòng hộ... Qua đó, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, xóa đói, giảm nghèo; nâng cao chất lượng cuộc sống cho nhân dân, tạo cảnh quan “xanh - sạch - đẹp”, đáp ứng yêu cầu mới của công tác bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu.
Trước nguy cơ rừng phòng hộ bị xóa sổ, cùng nhiều hệ lụy nặng nề khác về môi trường có thể xảy ra bởi “siêu dự án” nghĩa trang đã được “bật đèn xanh” về mặt chủ trương, thay vì duy ý chí, đã đến lúc Tỉnh ủy - UBND tỉnh Vĩnh Phúc cần lắng nghe ý kiến, tâm tư, nguyện vọng của người dân để dừng hoàn toàn việc triển khai dự án, cũng như có các chính sách hỗ trợ, cải thiện đời sống của người dân trồng và tham gia bảo vệ rừng.
(1) - Dự án "Siêu nghĩa trang" ở Vĩnh Phúc: Phá rừng hay khai thác khoáng sản?, Báo Gia đình Việt Nam, số ra 24/01/2017
(2) - Phá rừng phòng hộ làm nghĩa trang, Báo Thanh niên, số ra 13/02/2017
(3) - Cho phá rừng làm “siêu nghĩa trang”, Báo Người Lao động, số ra 12/02/2017
Phan Anh Tuấn (t/h)