• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Phác thảo du ký xứ Thanh nửa đầu thế kỷ XX

29/09/2010 10:09

Một thời đã qua đi! Một nửa thế kỷ đã qua đi! Còn biết bao những tên người, tên đất, những thành nhà Hồ - Tây Đô, An Hoạch - Đông Sơn, Lam Sơn, Sầm Sơn… đã trở thành đối tượng của thể tài du ký. Và còn biết bao những bài thơ, phú, chi chép, ký sự, phóng sự… có thể thu nạp vào địa hạt du ký. Xa gần tôi nghĩ đến một bộ toàn tập “Du ký Xứ Thanh”…

Một thời đã qua đi! Một nửa thế kỷ đã qua đi! Còn biết bao những tên người, tên đất, những thành nhà Hồ - Tây Đô, An Hoạch - Đông Sơn, Lam Sơn, Sầm Sơn… đã trở thành đối tượng của thể tài du ký. Và còn biết bao những bài thơ, phú, chi chép, ký sự, phóng sự… có thể thu nạp vào địa hạt du ký. Xa gần tôi nghĩ đến một bộ toàn tập “Du ký Xứ Thanh”…

Thể tài du ký là một bộ phận văn học còn chưa được chú ý đúng mức. Khi nói đến “thể tài du ký” cần được hiểu nhấn mạnh hơn về phía đề tài, phía nội dung và cảm hứng nghệ thuật người viết, chứ không phải ở phía thể loại.

Xứ Thanh là một vùng đất có nhiều cảnh đẹp, nhiều di tích lịch sử, đã được phản ánh rõ nét ở các bài bia ký, thư tịch cổ và các tác phẩm thơ văn qua suốt mười thế kỷ văn học viết dân tộc. Bước sang thế kỷ XX, thể tài du ký xứ Thanh nối dài thêm những trang mới nhờ lợi thế sự phát triển của chữ Quốc ngữ, sự mở rộng của báo chí và chính sự tự ý thức về thể tài “du ký” của người viết. Khi thực hiện công trình Mục lục phân tích tạp chí Nam Phong, 1917-1934, nhà thư mục học Nguyễn Khắc Xuyên xác định du ký là một trong 14 bộ môn và nêu nhận xét chung về thể tài du ký - còn được ông gọi là du hành - trong đó mục đích Đi và Xem luôn luôn là tiêu chí quan trọng bậc nhất. Với Xứ Thanh, đôi khi đó là cái nhìn tổng quát, thoáng qua như tác giả Mẫu Sơn Mục N.X.H viết trong bài Lược ký đi đường bộ từ Hà Nội vào Sài Gòn: “Trưa đến Thanh Hóa. Thanh Hóa buôn bán bình thường, vì không tiện đường thủy, nhà máy sợi, máy diêm cũng đều ở bờ sông Hàm Rồng, cách thành phố 3, 4 cây; về miền nhà quê lắm chỗ cũng đẹp, cánh đồng xanh mướt, núi đá nhấp nhô, tỉnh Thanh sơn thủy thanh tú, dân cư trù phú, có khi vào hạng nhất Trung Kỳ” (Nam Phong, số 129, tháng 5-1928)... Đến tác giả Phục Ba lại viết du ký đan xen hình thức khảo cứu với những lời hào hứng mở đầu bài Đồng Sơn hoài cổ: “Thắng tích danh lam, chả phải là cái vật kỷ niệm của giang sơn Tổ quốc đấy ư. Ta sinh ra bốn ngàn năm sau, ta muốn nghiên cứu những việc đời xưa, gì bằng sử sách; ta lại muốn mục kích đến ghi dấu của đời trước, gì bằng thắng tích danh lam, vì dân cư thành quách theo thời thế mà biến thiên, duy có hình tích của giang sơn trải bao thu vẫn còn tự tại… Nước có thịnh tất có suy, giang sơn có hưng tất có phế, thịnh suy hưng phế là nhẽ thường. Tuy vậy, suy mà lại khiến cho thịnh, phế mà lại khiến cho hưng, chính là ở lòng hoài cổ, lòng ái quốc của ta vậy. Ta qua cảnh Đông Sơn mà ta vô hạn cảm tưởng”. Từ đó tác giả đi sâu mô tả cảnh đẹp những núi Bàn A, núi Hộ Sơn (nơi có bãi sông Lương từng được coi là chỗ “tiểu đô hội”), núi Bạch Thạch, Nhuệ Sơn, Xích Lộ, Kỳ Lân và ghi chép thêm cả những dấu tích lịch sử, những bài thơ đề vịnh bằng chữ Hán nữa (Nam Phong, số 153, tháng 8-1930)…

Trong bài Quảng Xương danh thắng, Thiện Đình khảo tả kỹ lưỡng cảnh đẹp núi Diệu Sơn (xã Quan Bằng), núi Lê Sơn (xã Vân Trai), núi Tặng Sơn (xã Gia Dụ), Vựng Tôm (xã Bồng Thượng)… Riêng cảnh núi Sầm Sơn được mô tả chi tiết: “Núi Sầm Sơn thuộc xã Lương Niệm… phía đông nam có một ngọn núi gọi là núi Voi thuộc xã Trường Lệ, phía đông bắc lại còn có một ngọn núi gọi là Cổ Rùa, những chỗ ấy đều có đền thờ ông Độc Cước. Cái núi ấy dẫu không có ruộng sâu hang thẳm, rừng rậm cây xanh nhưng cũng có một cái thú thiên nhiên, khách du lịch đến đó ai cũng phải dừng chân nghỉ bước để mượn cái quang cảnh ấy làm cách tiêu dao, vì chỗ ấy cũng có cái gió bể ở phía đông bắc đưa lại, rất là khinh khoái, rất là êm đềm, lúc ban chiều trèo lên đỉnh núi nhìn chung quanh thời các núi xa gần có bao nhiêu vẻ ly kỳ đều phô bày ở trước mắt cả, trên mặt bể, thuyền xuôi lái ngược, nhấp nhô sóng gợn, coi như là một tập bức tranh thủy mặc treo bên mắt ta”… Từ đây Thiện Đình kể tiếp truyền thuyết về đền Độc Cước: “Tục truyền đời xưa, xã Trường Lệ đêm hôm mồng bảy tháng Giêng. Mưa to gió lớn, nước ở ngoài bể dâng lên ngập ngang núi, dân cư chỗ ấy lấy làm kinh sợ. Hôm sau có người trèo lên đỉnh núi xem, thấy có dấu chân rất lớn in trên hòn đá, dài hơn một thước, dân cư không ai hiểu vết chân ấy có tự bao giờ, và không biết dấu chân đức thần nào mới hiển hiện ra đó. Đến ngày mười bảy tháng ba năm ấy, bỗng có một trăm cây gỗ lim tự ngoài bể trôi vào đến chân núi. Dân cư chỗ ấy mới nhân gỗ ấy lập đền thờ ở chỗ vết chân ấy, gọi là đền Thượng, giữa lại làm một cái đền gọi là đền Trung, dưới chân lập một cái đền nữa gọi là đền Hạ… Đền thờ thần Độc Cước rất là uy linh. Trong truyện chép có một vị cao tăng đứng một chân, đọc kinh giảng kệ, thốt nhiên một đêm hóa bay lên trời, sau anh linh hiển hiện, nhiều nơi phụng thờ, trong từ điển nước ta nói, thời vị thần ấy có hơn một trăm đền thờ, đền nào cũng có vết chân ngài hiển hiện, mà đền Sầm Sơn thời chính là đền ngài hiển hiện ra lần thứ nhất vậy. Lâu nay đền ấy không ai thưởng thức đến, nên lâu ngày hoang phế, coi như một chỗ non xanh cỏ biếc đó thôi… Đến năm Thành Thái thứ mười bốn (1903), ngày tháng bảy gặp dịp lễ thần, quan Công sứ tỉnh Thanh, thừa nhàn qua chơi đó, thấy một cái quang cảnh thiên nhiên, bèn làm một cái nhà thừa lương ở trên núi Cổ Rùa, gần bên bàn thờ để chơi mát, và có khắc một cái bia, đại ý nói rằng: Non cao nước rộng, xứ Tây Đô là một nơi rất nhiều danh thắng ở nước Nam”… Cuối bài du ký này lại có truyền thuyết giải thích sự ra đời của nhà Trịnh: “Cái vực Tôm thuộc xã Biện Thượng, nay gọi là xã Bồng Thượng, vực Tôm là đất chúa Trịnh phát phúc vậy. Trịnh Kiểm là người Sáo Sơn cùng với mẹ ở đất Diệu, tính rất hiếu, nhà nghèo, thường ăn trộm gà hàng xóm để nuôi mẹ. Hàng xóm ai cũng ghét, nhân dò chúa Trịnh đi chơi vắng, bèn trói mẹ quăng xuống vực Tôm. Tự nhiên đêm hôm ấy mưa to gió lớn, sấm sét vang lừng, nước sông đầy dẫy, ngày mai cái vực ấy lấp thành gò đống. Sau có một thầy địa lý qua xem kiểu đất ấy, đoáng rằng: “Không phải đế, không phải bá, quyền khuynh thiên hạ, truyền hai trăm năm, trong chỗ tiêu tường dấy vạ”. Sau quả nhiên Trịnh Tòng, Trịnh Cối anh em cướp ngôi nhau, nhà Trịnh mất ngôi cũng vì cớ ấy” (Nam Phong, số 157, tháng 12 - 1930. Tuyển in trong Du ký Việt Nam - Tạp chí Nam Phong, 1917-1934, Tập III. Nguyễn Hữu Sơn sưu tầm và giới thiệu. NXB Trẻ, TP Hồ Chí Minh, 2007)…

Tiếp đến bài Tây Đô thắng tích, tác giả vừa miêu tả cảnh đẹp vừa kể lại những lời “tục truyền”, “tương truyền” liên quan đến thành Tây Đô, núi Đốn Sơn, động Hồ Công, chùa Thánh Láng, chùa Du Anh… Tác giả kể rõ câu chuyện phong thủy thành Tây Đô liên quan đến số phận vương triều Hồ: “Thành vuông mà rộng, ước ba trăm mẫu, xây bằng gạch, nền bằng đá, chỉ hiềm bên tả bên hữu bức cận núi đá, không phải là chỗ đế vương đóng đô. Bấy giờ bầy tôi là Nhữ Thuyết Thường, can ngăn Quý Ly rằng: “Động An Tôn bức hẹp, đóng đô không tiện”. Quý Ly không nghe. Sau Hồ Hán Xương gặp một người tiều phu ở Na Sơn bàn đến địa thế, người tiều phu chê họ Hồ bỏ đất Long Đỗ (chỉ thành Thăng Long - NHS chú) mà quí trọng đất An Tôn, nhưng Hán Xương vẫn chưa tỉnh ngộ. Sau cha con họ Hồ đều bị nhà Minh bắt, đời cho đó là địa thế sử nhiên vậy. Tục truyền khi mới đắp thành Tây Đô, có một viên cống sinh đốc công biện việc chậm trễ, Quý Ly sai người đem cống sinh chôn sống ở dưới thành. Vợ cống sinh là nàng Khương, lâu không thấy chồng về, đến đấy hỏi thăm thời mới biết cống sinh đã bị tay cường quyền giết sống rồi, liền lấy hai tay đập vào hòn đá và dậm chân khóc nức lên mà chết. Tục truyền đến nay hòn đá dấu tay đập hãy còn… Bên nam thành có núi Đốn Sơn thuộc xã Cao Mật, trước Quý Ly đắp thành, lấy núi Đốn Sơn làm nội án, đắp đàn Nam Giao ở trên núi. Núi hình như cái cung, mở đường xe ngựa đi tự cửa nam thông đến chân núi, hình như mũi tên bắn vào trong thành, đó là mưu của ông Trần Khát Chân định đem phong thủy để trấn áp họ Hồ vậy”… Trong bài du ký này, Thiện Đình có chép lại mấy bài thơ của các ông Trạng nguyên nhà Mạc, ông Tiến sĩ Vũ Quỳnh, ông Đốc học Nhữ Bá Sĩ, ông Tiến sĩ Nguyễn Xuân Ân đề vịnh triều đại nhà Hồ và cảnh núi An Tôn, núi Đốn Sơn… Sau đó ký giả tả cảnh động Hồ Công: “Phía Nam lại có một rặng núi từ huyện Quảng Địa kéo đến xã Thiên Vực nổi lên ngọn núi gọi là núi Xuân Đài, trên có động gọi là động Hồ Công, dưới có chùa gọi là chùa Du Anh, đàng sau chùa có lối trèo lên qua bên động, quanh về trước mặt đứng cao mà trông thấy phía nam phía tay một dải như mở cái gương loan ở mặt tiền, sông Phí, sông Lễ hai dòng như quanh khúc rồng ở bên dưới, núi lớn núi nhỏ sắp hàng hai bên, có cái núi hình như chim phượng hoàng bay ở ngoài nội, có cái núi hình như con voi con ngựa uống nước bên sông, cửa động có tượng đá, tượng ấy tục truyền tượng ông Hồ Công và Phí Tưởng Phòng”… Đến đây Thiện Đình cũng dẫn lại bài thơ khắc vách đá ở động Hồ Công của vua Thuần Hoàng nhà Lê và thơ của ông Lưu Công Đạo triều vua Gia Long, đồng thời tự mình cũng biệt vịnh một bài thơ:

Một áng xuân đài cảnh tự nhiên,

Hồ công đâu tá động còn truyền.

Bầu trời tuôn nước trong như ngọc,

Hang Phật đưa hương ngát những sen.

Tượng đá hai tòa ghi cổ kính,

Giếng sâu nghìn trượng rửa trần duyên.

Ba mươi sáu động đây là nhất,

Riêng chiếm trời Nam một cảnh tiên.

(Nam Phong, số 160, tháng 3-1931)

Vừa tròn mười năm sau đó, Hoàng Minh có bài du ký Am Tiên đăng trên tạp chí Tri tân. Hãy xem tác giả tường thuật lại chuyến đi với đầy vẻ gợi cảm, hứng thú: “Cái tên An Tiêm đã gợi đủ tính tò mò và rũ quyến tôi ngay từ tôi mới bước chân đến làng Cổ Định (cách Thanh Hóa 26 cây số)… An Tiêm cách Cổ Định chừng 5 cây số. Phải trèo qua 3 quả núi. Mấy người bạn và tôi bắt đầu ra đi từ 8 giờ sáng. Chúng tôi đi theo sườn núi Nưa, lên dần mãi, qua ngọn núi này sang ngọn núi khác. Đường đi vằn vèo, lởm chởm những đá. Lau, sậy, nứa, giang mọc um tùm. Những giọt sương còn đọng trên cành lá dần dần làm ướt hết quần áo, chúng tôi vừa đi vừa phát những cành nứa mọc ngang đường để lách lấy lối đi”... Tiếp đó tác giả mô tả chi tiết quang cảnh An Tiên với những dấu tích hoang phế, những lũy đất, cột đá, bờ ao còn sót lại: “Am Tiên ở trên một ngọn núi bằng phẳng, rộng có lẽ đến ngàn mẫu. Toàn một giống cỏ tranh mọc cao ngang đầu. Ngọn đồi này cao hơn 500 thước tây. Đứng trên có thể nhìn thấy bãi biển Sầm Sơn với những hàng phi lao vút lên trời và Thanh Hóa với những vết tường vôi trắng xóa. Khí hậu mát quá, nhất là mùa hè… Am Tiên, trước đây mấy ngàn năm, có lẽ là một thắng cảnh to tát lắm! Dưới những nhát “búa của thời gian”, Am Tiên bây giờ chỉ còn là một nơi hoang tàn, hiu quạnh, để hàng năm nắng giõi với trăng soi. Bây giờ chỉ còn đôi chút vết tích sót lại. Hay nói cho đúng, Am Tiên bây giờ tức là một cái lều tranh mà một người dân ở vùng này mới dựng lên để ghi lại cái dấu vết của ngàn xưa… Trong Am chúng tôi thấy một tòa sen bằng đá, chạm trổ rất tinh vi, xung quanh tòa sen chỉ còn những miếng đá vuông kê cột nhà, cái còn nguyên, cái sứt vỡ. Trước cửa Am, cách xa độ ba bốn bước, một con rùa đá đội bia đã sứt cả đầu đuôi và một mảnh khánh đá. Chúng tôi lấy miếng gỗ gõ vào thấy kêu như tiếng chuông… Những đồ bằng đá này đã mòn, đã nhám cả, dưới những giọt mưa nặng nề rơi lên trên, từ đời này qua đời khác, mặt đá đã lỗ trỗ, sờ ram ráp như những viên đá kỳ… Xung quanh chỗ Am còn có vết tích một bức lũy đất, bề ngang có lẽ đến một thước. Bức lũy này đã đổ nát cả, chỗ còn cao độ vài chục phân tây, chỗ đã phẳng lì với mặt đất thì cỏ mọc xanh rì chùm kín. Cứ lấy bề ngang lũy mà xét, chắc lũy chu vi rộng lắm thì phải… Cách chỗ am vào độ vài chục thước tây có một cái ao nhỏ độ nửa sào. Trên bờ có mấy cây tam thất, không biết sống từ đời nào mà bây giờ cằn cỗi, chỉ cao độ hai ba thước, thân cây xù xì mốc thếch, chứng tỏ rằng cây đã chịu bao hồi phong vũ tang thương. Người bạn chúng tôi là thổ dân ở đây bảo rằng dưới ao có than, cát, đá, sỏi. Anh đoán có lẽ các cụ ngày xưa đã biết cách lọc nước theo khoa học chăng?... Cách ao độ vài trăm thước có một khoảng đất phẳng rộng độ vài mẫu. Thổ dân cho là di tích một cái chợ. Chỗ này bây giờ gọi là chợ Bụa. Chợ bây giờ có lẽ bốn mùa chỉ có trăng soi cùng gió lộng, hay nắng giãi với mưa tuôn… Chúng tôi lẳng lặng cùng nhau đi trên những dấu vết ngàn xưa. Không biết từ mấy ngàn năm, mấy trăm năm về trước, chỗ này đã có một thời oanh liệt. Biết đâu trong lòng trái đồi này còn ngậm bao dấu vết của tiền nhân? Mà biết đến đời nào mới lại có người moi ra ánh sáng? Hay theo những cuộc phế, hưng, tang, hải, lớp người đã sống ở đây từ mấy mươi thế kỷ trước cứ bị quên dần trong bóng tối của thời gian cũng như những vết tích họ để lại bị chôn vùi trong thâm tâm trái đất!... Chúng tôi đi, lòng buồn rười rượi, sống lại với cả một lớp người xưa mà nay không còn một chút vang bóng!” (Tri Tân, số 41, tháng 4-1942). Một thuở xa xưa, nơi đây chính là địa bàn nảy sinh truyện Na Sơn tiều đối lục (Câu chuyện đối đáp của người tiều phu núi Nưa) trong áng văn “thiên cổ kỳ bút” Truyền kỳ mạn lục của Nguyễn Dữ hồi thế kỷ XVI. Cũng chẳng biết cảnh Am Tiên ngày nay có khác gì những cảnh Hoàng Minh ghi lại chi tiết cách đây đã ngót hai phần ba thế kỷ?

Tiếp đó, tác giả Vị Dung trong bài viết có tựa đề Lam Sơn đã kể lại cảnh đi qua làng Mục Sơn, rồi đi đò ngang qua sông Chu để vào địa phận làng Lam Sơn. Đan xen vào đó là cách gợi chuyện, cách kể lại chuyến đi thật thú vị, lôi cuốn: “Trên con đường nhựa từ Bái Thượng vào Thanh Hóa cách nhau chừng 54 cây số, chúng tôi ba người “lỏng buông tay khấu” khoan khoái vì thở cái không khí trong mát của bình minh nơi đồng quê, cái không khí đượm vẻ “đậm đà” của miền bể… Chúng tôi còn vui hơn vì đã họp được bạn để cùng đến một nơi lịch sử: Lam Sơn! Lòng tràn một niềm thành kính, chúng tôi có cái hăm hở của những tín đồ đi vào đất thánh. Đó không phải là cái hăm hở của mấy vạn người tay xách giáo, lưng đeo cung, tam tứ thứ kéo nhau đi đến Jerusalem, dù phải chiến trận, dù phải xả thân vì chúa. Chúng tôi hăm hở nhưng mà lặng lẽ, ồ ạt làm sao được khi chỉ có ba người, khi chúng tôi biết sẽ không phải dúng tay vào cuộc chém đâm nào, và bởi thế, không phải dùng tới máu xương mà trải xuống dọc đường”… Đây là hình ảnh cuộc sống và quang cảnh làng Lam Sơn cách nay đã hai phần ba thế kỷ: “Qua sông, vào địa phận làng Lam Sơn. Làng to, nhà cửa nhiều. Xung quanh, đồng ruộng phẳng phiu. Có lẽ Lam Sơn không giữ được cái phong phú của thời vua Lê Lợi còn là một trưởng trại. Lam Sơn không còn thấy những đàn trâu bò dài dằng dặc ra vào cổng làng những buổi tinh sương và những lúc hoàng hôn; không còn nghe thấy những tiếng sừng trâu đây đó thổi vang, tiếng người, tiếng vật hỗn độn. Lam Sơn không còn thấy bụi tung trắng xóa. Bao nhiêu đời bụi đã thôi tung, Lam Sơn bây giờ lặng lẽ, thái bình. Cũng lặng lẽ, thái bình như những làng mạc khác dưới trời Nam. Dĩ vãng đau thương, dĩ vãng oanh liệt, tất cả đều đã nằm xuống với đồng ruộng; từng lớp thời gian đã phủ lên ngày lại một ngày. Mỗi trận gió xuyên qua, lúa xào xạc, đồng ruộng như giở mình thở một hơi dài rồi nối lại giấc ngủ êm đềm… Chúng tôi đi vào làng. Tiếng vó ngựa lốp cốp trên đường. Vài ba người ra cửa nhìn chúng tôi rồi lại quay vào, thản nhiên. Họ chất phác quá chừng, họ còn bận nghĩ đến công ăn việc làm”… Sau mấy trang tả lại lối vào cánh rừng hoang vắng, nơi tương truyền Nguyễn Trãi gặp Lê Lợi, nơi có đền thờ vua Lê và khu lăng mộ vợ vua, nơi có tấm bia đá lớn dựng trên lưng một con rùa và gốc cây cổ thụ ba bốn người ôm gắn với câu chuyện thỏ trắng cứu vua,… rồi tác giả đi đến đoạn kết: “Chúng tôi từ giã người kể chuyện, nhìn lại gốc cây một lần nữa rồi lên ngựa… Trong lòng chúng tôi chứa chan những nỗi niềm u ẩn không tên. Chúng tôi cùng im lặng... Trời đã về chiều. Một tiếng chim gì kêu rời rạc… Sông Chu “cặn mặt với tang thương” (Tri Tân, số 66, tháng 10-1942)… Quả thực đây là những mộng tưởng, những liên hệ đầy thi vị thường nảy sinh trong lòng kẻ viễn du mỗi khi đến thăm một vùng đất lạ, mỗi khi đối diện với cảnh hang sâu rừng thẳm, núi rộng sông dài, nhất là khi đứng trước những dấu tích lịch sử vốn dễ khơi gợi lòng người hòa hội cùng vẻ mênh mang của thời gian, đất trời, cảnh vật.

Thêm một trong những tác phẩm in đậm sắc màu du ký hồi đầu thế kỷ là bài Kỷ niệm Sầm Sơn của Phạm Mạnh Phan mà tác giả duy danh gọi là “bút ký”. Thiên du ký này là những trang tự thuật về một chuyến đi nghỉ ở biển, bắt đầu từ nguyên cớ “trước lúc ra đi”, “đường về Xứ Thanh” cho đến hiện thực “Sầm Sơn huyền ảo” và cuối cùng là những bâng khuâng lãng mạn “người đâu gặp gỡ” đậm đà dư vị ngày hè ở biển (Tri Tân, số 68-69, tháng 10-1942)…

Cuối cùng, xin dẫn lại đoạn tùy bút - du ký của nhà văn Nguyễn Tuân (1910-1987) - một bậc thầy của những chuyến viễn du và chủ nghĩa xê dịch trong tâm tưởng nghệ thuật, một người đã gắn bó cả khoảng đời với Xứ Thanh qua tác phẩm Chiếc va li mới: “…Thuyền rút sào, rời bến, đảo mũi. Cái cầu xi - moong Bến Voi xoay mình vòng quang. Ấm trà sớm uống trên mặt sông, điếu thuốc lào hút trên mui thuyền, hương vị khác hẳn mọi lần. Kế đến bữa rượu sớm dọn ở đằng sau khoang lái…

Nhá nhem tối, thuyền bắt đầu vào Kênh Toán. Trời nổi giông rồi mưa. Mưa lộp bộp, mưa rào rào, gõ mãi vào mui nan cật, mỗi giọt gieo nặng là mỗi tiếng đánh thức nhiều chuyện tủn mủn của những ngày qua. Hơn người thay là những kẻ không có dĩ vãng. Đêm nằm thuyền nghe mưa trên sông! Cả một cái đề cho một áng thơ diễn tả những cuộc cô đơn trong tâm khảm…

Tôi đã khoác tấm chăn chiên vào người, bò lên mui thuyền. Thuyền đi chầm chậm. Kênh toán là một đường thủy gay go nhất cho đám người chèo lái vào những buổi tối trời mà lại mưa gió. Đêm đó tôi như hắc ín. Chủ thuyền chăm chú đợi những cơn chớp đầu nguồn. Mỗi tia chớp là một ngọn đèn dọi đường. Cánh buồm đổi dây lèo, thuyền đi ngoằn nghèo, gió lúc thuận lúc nghịch chưa thổi dọc hết thì đã tạt ngang; tiếng con dây nghiến vào những cái ròng rọc nghe không khác những tiếng chim ác kêu vào những kỳ dữ rừng, mưa thấm ẩm sũng, gió ngàn rú mạnh. Trên dòng nước nông hẹp oằn oèo, chốc lát lại được thấy một cái chấm lửa đứng im…” (Tùy bút II, NXB Lượm lúa vàng, H., 1943)…

Một thời đã qua đi! Một nửa thế kỷ đã qua đi! Còn biết bao những tên người, tên đất, những thành nhà Hồ - Tây Đô, An Hoạch - Đông Sơn, Lam Sơn, Sầm Sơn… đã trở thành đối tượng của thể tài du ký. Và còn biết bao những bài thơ, phú, chi chép, ký sự, phóng sự… có thể thu nạp vào địa hạt du ký.

Xa gần tôi nghĩ đến một bộ toàn tập “Du ký Xứ Thanh”…

PGS. TS. Nguyễn Hữu Sơn

NỔI BẬT TRANG CHỦ