(Tổ Quốc) - Đó là một trong những quy định về quản lý di tích, di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia trên địa bàn do UBND tỉnh Vĩnh Phúc ban hành.
Quy định gồm 5 chương, 30 điều, áp dụng đối với các cơ quan nhà nước, tổ chức, công dân Việt Nam; tổ chức, cá nhân nước ngoài và người Việt Nam định cư ở nước ngoài có liên quan đến các hoạt động quản lý di tích, di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc.
Theo quy định, về vấn đề quản lý và bảo vệ di tích: Các di tích đã được xếp hạng hoặc chưa được xếp hạng nhưng đã được đưa vào danh mục kiểm kê của tỉnh phải được bảo vệ nguyên trạng. Khi di tích xuống cấp hoặc bị xâm hại, UBND cấp xã quản lý trực tiếp phải có phương án bảo vệ kịp thời vào báo cáo cơ quan chức năng cùng phối hợp bảo vệ, tu bổ.
Ban Quản lý di tích cấp xã có nhiệm vụ cử người trực tiếp trông coi, quản lý di tích; kiểm tra di tích và kiểm kê đồ thờ trong di tích theo định kỳ hàng quý, năm, báo cáo UBND cấp xã về hiện trạng di tích và đồ thờ trong di tích. Trong trường hợp khẩn cấp như hỏa hoạn, thiên tai, sập đổ di tích phải phối hợp với tiểu ban quản lý di tích, người trực tiếp trông coi di tích có biện pháp ứng phó, giảm thiểu hư hại cho di tích, báo cáo kịp thời cho UBND cấp xã.
Bên cạnh đó là những quy định cụ thể về tổ chức lễ hội tại di tích; quản lý các hoạt động tại di tích; quản lý và sử dụng các nguồn thu từ di tích; tiếp nhận, bổ sung đồ thờ mới vào di tích; quản lý đất di tích.
Về bảo quản, tu bổ và phục hồi di tích phải bảo đảm các yêu cầu, nguyên tắc được quy định tại khoản 15, Điều 1 Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Di sản văn hóa năm 2009, Nghị định số 166/2018/NĐ-CP ngày 25/12/2018 của Chính phủ. Khi thực hiện các hoạt động bảo quản, tu bổ và phục hồi di tích giữ gìn tối đa các yếu tố gốc cấu thành di tích; tổ chức, cá nhân chủ trì lập quy hoạch, dự án hoặc chủ trì tổ chức thi công, giám sát thi công dự án bảo quản, tu bổ và phục hồi di tích phải có giấy chứng nhận đủ điều kiện hành nghề đối với tổ chức và chứng chỉ hành nghề đối với cá nhân.
Các hoạt động tu bổ thường xuyên có tính chất sửa chữa nhỏ, không ảnh hưởng đến kết cấu kiến trúc của di tích đã xếp hạng (đảo ngói, thay hoành, dui, lát nền, trát lại tường), UBND cấp xã hoặc Ban quản lý di tích trực thuộc cấp huyện trực tiếp chỉ đạo việc tu bổ và báo cáo kết quả tu bổ sau khi được Sở VHTTDL đồng ý bằng văn bản.
Việc tu sửa cấp thiết di tích chỉ được tiến hành khi di tích có nguy cơ bị hủy hoại do tác động của môi trường thiên nhiên, của con người nhằm chống đỡ, gia cố, gia cường các bộ phận của di tích để kịp thời ngăn chặn di tích khỏi bị sập đổ trước khi tiến hành công tác bảo quản, tu bổ và phục hồi.
Quy định này cũng quy định rõ việc quản lý di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia. Cụ thể về những nội dung như: Thông báo, giao nộp, thu nhận di vật, cổ vật bảo vật quốc gia; Đăng ký di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia; Công nhận bảo vật quốc gia; Mua bán, trao đổi, tặng cho, để thừa kế di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia; Làm bản sao di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia; Đưa di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia trưng bày, triển lãm trong nước; Đưa di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia trưng bày, triển lãm, nghiên cứu hoặc bảo quản ở nước ngoài; Quản lý di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia thuộc di tích; Quản lý di vật, cổ vật trong di tích khảo cổ; Quản lý di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia thuộc Bảo tàng tỉnh, nhà truyền thống./.