• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Phải chăng văn học mạng đã “hết thời”?

04/08/2017 08:00

(Tổ Quốc) - Quan sát đời sống văn học thời gian gần đây có cảm giác văn học đang ngày càng bị co hẹp lại, trong đó có văn học mạng, vậy phải chăng, văn học mạng đã “hết thời”?.

Khoảng 10 năm trước, không chỉ văn học mạng mà văn học online cũng vô cùng nhộn nhịp. Văn học mạng ở đây được hiểu là văn học ra đời và tồn tại trên mạng trước tiên, hay nói cách khác, Internet như một nhà xuất bản khổng lồ mà người cầm bút sáng tác trực tiếp trên đó. Độc giả cũng đọc tác phẩm qua Internet.

Còn văn học online chưa hẳn là những sáng tác thuần túy trên Internet. Có thể tác phẩm trước đó được in trên giấy sau đó được chuyển thành file đưa lên mạng, cho độc giả trên mạng đọc. Hoặc ngay cả văn học mạng với xuất phát điểm là môi trường mạng nhưng sau đó tác giả lại kéo xuống in thành sách hoặc hiện diện trên các ấn phẩm giấy.

Thực tế, đã có một số cây bút trẻ trở thành một tác giả đứng riêng được nhờ các sáng tác khởi đầu trên mạng Internet, có sáng tác “gây sốt” trên mạng được in lại và cũng tạo sự chú ý của dư luận.

Ảnh minh họa. Nguồn thethaovanhoa.vn

Cách đây không lâu, vào thời blog, weblog, dường như mỗi nhà văn đều có một “ngôi nhà” riêng tràn đầy không khí văn chương  trên mạng. Các nhà văn, nhà thơ không chỉ mang đến cho độc giả sáng tác của mình mà còn cả những câu chuyện ‘”hậu trường” sáng tác, cuộc sống quanh nhà văn. Con người nhà văn hiện diện trên Internet vừa gần nhưng cũng vừa xa trong mắt độc giả. Gần ở chỗ có thể trực tiếp “chat”- nói chuyện qua mạng với nhà văn, nhưng vẫn xa vì không phải lúc nào cũng dễ dàng gặp trực tiếp mặt đối mặt với tác giả.

Các sáng tác trên mạng đã hình thành một đội ngũ người cầm bút trên mạng và một lớp độc giả mạng. Điểm chung của họ là còn trẻ, dễ tiếp thu, tiếp nhận những phong cách sáng tác khác nhau… Tuy nhiên, không phải tác giả nào sáng tác trên mạng cũng dễ dàng được thừa nhận.  

Không chỉ vậy, nhiều nhà văn còn có những trang web- nói nôm na là “nhà xịn” hơn so với “nhà miễn phí” chuyên về  văn học khá đình đám, có thể kể đến như: Trần Nhương, Phong Điệp, Lê Thiếu Nhơn… Nhiều cuộc tranh luận văn học nảy lửa, nhiều ý kiến phản biện văn học, tiếng nói nhà văn, thông tin văn học…  đã được các chủ web đưa lên, xới lên. Vì chủ trang web đều là những người cầm bút ít nhiều có tên tuổi nên độc giả khá rộng và gồm nhiều đối tượng, trong đó có cả nhà văn nổi tiếng cũng bị “hút vào”. 

Ra đời một cách chính thống hơn, phải kể đến các chuyên trang văn học, báo điện tử, website của một số Hội văn học nghệ thuật cập nhật những sáng tác, thông tin, lý luận phê bình… Sự nhập cuộc của văn học điện tử đã phá vỡ quan niệm truyền thống cho rằng văn học cần “tĩnh” và độ sâu lắng, không cần và không thể chạy theo tính thời sự, nhanh nhạy của báo chí. Không những vậy, văn học online còn cho thấy xu hướng thế giới phẳng, nhu cầu xóa mờ những khoảng cách không gian.

Có thể nhận thấy thời đó, một bầu không khí văn học mạng, văn học online đã có những lúc “lấn át” văn học truyền thống in ấn trên giấy. Độc giả yêu thích văn học dành phần lớn đọc thông tin và sáng tác trên mạng.

Thế nhưng, đó là bức tranh của những năm trước.

Còn hiện nay, nhìn lại những địa chỉ văn học online, văn học mạng một thời đình đám thì phần lớn đã “rơi rụng”. Hàng loạt “ngôi nhà văn chương” trên mạng của các nhà văn đã không tồn tại, hoặc dừng trạng thái cập nhật. Chỉ còn một phần rất nhỏ các địa chỉ văn học mạng là tồn tại.

Một số trang web văn chương từng thu hút hàng nghìn lượt xem mỗi ngày cũng lặng lẽ xóa sổ bởi nhiều lý do từ chủ nhân khiến không ít người tỏ ra nuối tiếc.

Các tờ báo từng hào phóng dành đất cho văn học cũng có xu hướng  “co hẹp”. Bởi dường như văn chương ít khi tạo ra những “xì căng đan” hút người đọc so với các lĩnh vực khác. Chỉ những nơi nào xác định văn học “không tạo ra hạt lúa để ăn nhưng tạo ra giấc mơ cho người gieo trồng” thì văn học còn tồn tại.

Những người đã từng cầm bút sáng tác trên mạng, tạo ra tác phẩm gây chú ý âm thầm “rút lui” hoặc tác phẩm chỉ còn thưa thớt, nhỏ giọt…  như thể biểu đồ cảm hứng đang rơi vào trạng thái “chậm dần đều”.

Một nhà thơ trong buổi tọa đàm Thơ Việt Nam tìm tòi và cách tân cho biết, ngày xưa các nhà thơ gặp nhau đọc thơ cho nhau nghe là chuyện rất bình thường. Nhưng hiện nay, nếu các nhà thơ gặp nhau mà đọc thơ thì cuộc gặp gỡ rất dễ bị… vỡ trận. Điều này cho thấy sự chảy trôi của thời gian cũng dễ làm thay đổi những  quan niệm, thói quen… của văn chương.

Hà Anh

NỔI BẬT TRANG CHỦ