(Tổ Quốc) - Tại buổi kiểm tra thực tế tình trạng xây dựng nhà không phép, mua bán nhà không phép xảy ra trên địa bàn xã Vĩnh Lộc A, huyện Bình Chánh, Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Thiện Nhân yêu cầu: “Phải nói không với việc phân lô đất nông nghiệp để xây dựng nhà không phép, trái phép và chuyển nhượng nhà trái phép”.
Ngày 17/5, Đoàn công tác do Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Thiện Nhân dẫn đầu đã có buổi kiểm tra thực tế và làm việc với huyện Bình Chánh về tình trạng xây dựng nhà không phép, "bảo kê" xây dựng nhà không phép và mua bán nhà xây dựng không phép xảy ra trên địa bàn xã Vĩnh Lộc A, huyện Bình Chánh.
Thông tin trên Thanhuytphcm.vn, Chủ tịch UBND huyện Bình Chánh Trần Phú Lữ cho biết: Về vi phạm xây dựng, tính từ tháng 7/2019 đến ngày 30/4/2020, huyện đã kiểm tra, phát hiện, lập hồ sơ xử lý vi phạm 88 trường hợp (39 không phép, 49 sai phép). Về vi phạm đất đai, đã kiểm tra, phát hiện, lập hồ sơ xử lý vi phạm đối với 451 trường hợp, giảm 9 trường hợp, chiếm tỷ lệ 1,96% so với 10 tháng cùng kỳ trước đó.
Ông Trần Phú Lữ cho rằng, câu chuyện đất đai, xây dựng trên địa bàn Bình Chánh ví như một con bạch tuộc. Đầu não cho vấn đề này là liên quan đến các đầu nậu, đối tượng đầu tư đất nông nghiệp trên địa bàn huyện, trong đó có xã Vĩnh Lộc A. Con bạch tuộc này vươn vòi không chỉ ở bên trong mà vươn vòi ra bên ngoài.
Cụ thể, bên trong gắn với một số cán bộ bị mua chuộc để làm ngơ cho vi phạm; còn bên ngoài liên quan các đối tượng trung gian khác như cò đất, xây dựng trái phép…
Vừa qua, huyện triển khai thực hiện Chỉ thị 23 của Ban Thường vụ Thành ủy và Nghị quyết của huyện, bản thân con bạch tuộc này đã rút vòi lại, đã xử lý một vài chi nhánh, huyện đã xử lý hàng loạt cán bộ, thay thế cán bộ ở xã, thị trấn, cho thôi việc cán bộ, công chức vi phạm, kể cả xử lý hình sự. Tuy nhiên, đây mới chỉ là xử lý phần nổi của tảng băng chìm mà thôi; còn những cái vòi lớn vẫn đang nhăm nhe nếu lơ lỏng, thiếu quan tâm, thiếu sâu sát sẽ vươn vòi.
Để xử lý thực tế nêu trên, Chủ tịch UBND huyện Bình Chánh Trần Phú Lữ kiến nghị lập lại bản đồ địa chính làm rõ các hiện trạng, các công trình để phân loại xử lý. Đồng thời, về quản lý nhà nước không thể phủ nhận vẫn còn đâu đó một số cán bộ thoái hóa, biến chất tiếp tay cò đất, nhưng hiện nay chỉ mới dừng ở xử lý hành chính, xử lý cán bộ nên vấn đề quan trọng vẫn là xử lý đầu nậu để xử lý mấu chốt của vấn đề. Do đó, để xử lý, chặt đứt vòi bạch tuộc này cần xử lý hình sự đối với các đối tượng đầu nậu như xử lý hành vi đưa nhận hối lộ, vấn đề trốn thuế, hành vi lừa dối khách hàng.
Trong lúc đó, theo trang Trung tâm Báo chí TP.HCM, Phó chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Thành ủy Trần Văn Nam cho rằng, số liệu của huyện Bình Chánh về tình hình xây dựng trái phép chưa phản ánh đầy đủ so với thực tế khảo sát và kiểm tra. Hiện số vụ việc xây nhà không phép tại Bình Chánh (cả số cũ và mới) khoảng 10.000 trường hợp. "Nhiều căn nhà xây trái phép nằm cạnh trụ sở Ấp. Tuy nhiên hệ thống chính trị ở đây gần như không hoạt động, tê liệt nên những khu nhà xây trái phép cứ thế mọc lên", ông Nam nói.
Thậm chí , khi đoàn kiểm tra về kiểm tra thực tế đã có một nhóm 5 đối tượng uy hiếp đoàn kiểm tra. Ông Nam đề nghị Công An Thành phố quan tâm đến thông tin về lực lượng chống đối này.
Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Chủ tịch Ủy ban Mặt trận tổ quốc Việt Nam Thành phố Tô Thị Bích Châu, cho rằng chính quyền cơ sở chưa xử lý nghiêm, tận gốc nên để xảy ra tình trạng này suốt thời gian dài. Theo Chủ tịch ủy ban MTTQ Việt Nam Thành phố, "Vai trò giám sát của mặt trận ở ấp Lộc An, xã Vĩnh Lộc A chưa có bất cứ cảnh báo nào cho người dân biết về tình trạng bán nhà không phép trên địa bàn, trái lại có rất nhiều các bảng rao bán nhà trái phép của "đầu nậu" nhà đất lại tồn tại công khai".
Chánh Thanh tra Thành phố Đặng Minh Đạt cũng cho biết thêm, việc xử lý của chính quyền địa phương sau khi phát hiện sai phạm còn chưa nghiêm. Đơn cử như năm 2019 chỉ có 20% quyết định xử lý vi phạm được thực hiện, còn 80% là không xử lý được…
Theo Thanhuytphcm.vn, phát biểu kết luận buổi làm việc, Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Thiện Nhân cho rằng: Với cách làm ở huyện Bình Chánh và xã Vĩnh Lộc A thời gian qua về xử lý trật tự xây dựng là không giải quyết căn cơ vấn đề. Đó là sai phạm có lập biên bản, có ra văn bản xử lý nhưng xử lý yếu kém, xử lý để cho tồn tại.
"Cái triết lý này là rất nguy hiểm trong quản lý nhà nước. Bởi vì, xử lý rồi để tồn tại sẽ dẫn đến người mua thấy công trình sai phạm này có tương lai nên tiếp tục đến mua tạo tiền lệ cho việc xây dựng nhà bất hợp pháp. Nếu xử lý để cho tồn tại thì những người chủ trương, vận động chuyển nhượng đất trái phép xây dựng họ có điều kiện làm tiếp. Xử lý nhưng không đến cùng theo xu hướng khuyến khích để cho tồn tại đâu có bị xử lý cuối cùng", Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Thiện Nhân nhấn mạnh.
Bí thư Nguyễn Thiện Nhân đặt vấn đề: Lực lượng nồng cốt kích cả cung và cầu xây dựng bất hợp pháp là lực lượng đầu nậu. Vậy vừa qua, chúng ta đã nhắm vào đối tượng này chưa? Chúng ta không coi đây là đối tượng cần xử lý, trong khi đó Chỉ thị 23 đã nêu. Vì vậy, cần tập trung xử lý các đối tượng đầu nậu.
"Phải nói không với việc phân lô đất nông nghiệp để xây dựng nhà không phép, trái phép và chuyển nhượng nhà trái phép", Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Thiện Nhân yêu cầu.
Bí thư Thành ủy TP Nguyễn Thiện Nhân đề nghị UBND huyện Bình Chánh cần trao đổi sâu trong Thường vụ Huyện ủy xác định từ nay đến Đại hội Đảng xử lý tình trạng xây dựng không phép ở Vĩnh Lộc A như thế nào? Có chỉ đạo sâu để xử lý sai phạm tại xã Vĩnh Lộc A như bài học của huyện Bình Chánh và cho cả thành phố. Trả lời rằng, hệ thống chính trị ở Bình Chánh có khả năng chấm dứt sự hoạt động của đầu nậu được không?. Đồng thời, UBND TP và Sở xây dựng TP rà soát, xác định quy trình xử lý khi có thông tin sai phạm trong đất đai ở một phường, một xã. Mặt khác, có phương án đảm bảo cho hệ thống chính trị từ UBND xã, lực lượng thanh tra đủ sức đương đầu với những địa bàn dân cư có diện tích lớn.