• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Phải xác định lại có còn dư địa để thực hiện chống lãng phí hay không?

Thời sự 24/07/2021 20:39

(Tổ Quốc) - Về các giải pháp để thực hành tiết kiệm, chống lãng phí đạt hiệu quả hơn nữa, ĐBQH Nguyễn Văn Hùng đặt vấn đề trước hết phải xác định lại có còn dư địa để thực hiện chống lãng phí hay không?, từ đó ông nêu quan điểm "Cá nhân tôi cho rằng không chỉ còn mà còn nhiều".

Chiều nay (24/7), Quốc hội tiến hành thảo luận tổ về công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2020.

Giải quyết triệt để, căn cơ các đại dự án gây lãng phí

Phát biểu tại tổ thảo luận về công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2020, ĐBQH Nguyễn Văn Hùng (đoàn Kon Tum) - Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ VHTTDL cho rằng, những năm gần, đặc biệt là trong năm 2020, nhờ hệ thống pháp luật được hoàn thiện đã giúp các cơ quan quản lý ngày càng có ý thức tiết kiệm tốt hơn.

Phải xác định lại có còn dư địa để thực hiện chống lãng phí hay không? - Ảnh 1.

ĐBQH Nguyễn Văn Hùng (đoàn Kon Tum) - Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ VHTTDL phát biểu tại tổ thảo luận.

Kết quả đạt được không chỉ con số trên định tính mà còn trên cả con số lượng hóa, ví dụ như 55.000 tỷ đồng tiết kiệm được trong năm 2020, đúng với chỉ tiêu Quốc hội giao. Đó chính là con số thật, thể hiện việc làm thật của Đảng Nhà nước dưới sự điều hình của Chính phủ.

Về các giải pháp để thực hành tiết kiệm đạt hiệu quả hơn nữa, ĐBQH Nguyễn Văn Hùng đặt vấn đề trước hết phải xác định lại dư địa có còn để thực hiện chống lãng phí hay không?, từ đó ông nêu quan điểm "Cá nhân tôi cho rằng không chỉ còn mà còn nhiều".

Đi vào giải pháp cụ thể, ĐBQH Nguyễn Văn Hùng cho rằng, cần phải tập trung giải quyết triệt để, căn cơ các đại dự án mà pháp luật đã chỉ ra đang gây lãng phí. "Đây là vấn đề rất nhức nhối, hàng nghìn tỉ đồng đang nằm phơi nắng, phơi sương" - ông bày tỏ trăn trở.

Từ đó, ĐB Nguyễn Văn Hùng cho rằng, nếu chúng ta xử lý được việc này, đưa được một dự án vào hoạt động thì con số tiết kiệm được không chỉ dừng lại ở 55.000 tỷ đồng. "Nếu làm được việc này, không chỉ lòng tin trong nhân dân được củng cố mà cũng góp phần giúp Đảng, Nhà nước nâng cao hiệu quả trong công tác phòng chống tham nhũng, chống lãng phí" - ĐB Nguyễn Văn Hùng nói.

Nói thêm về dư địa trong thực hành tiết kiệm, vị ĐBQH đoàn Kon Tum cho rằng, đó còn nằm ở vấn đề đất đai và tài sản công. Theo ĐB, bên cạnh với việc tiếp tục rà soát, sử dụng tốt đất đai, tài sản công thì còn phải có chế tài để sử dụng nó, nếu không sẽ dễ xảy ra tình trạng lợi dụng "kẽ hở".

Vấn đề thứ ba mà ĐB Nguyễn Văn Hùng nhấn mạnh đó là, Quốc hội nên có cơ chế để huy động được nguồn rất lớn trong nhân dân. "Tiền nhàn rỗi, nguồn lực trong nhân dân lớn nhưng làm thể nào để huy động được thì buộc chúng ta phải nghiên cứu" - ĐB đặt vấn đề, từ đó đưa ra giải pháp, Ủy ban Thường vụ Quốc hội nên đặt hàng cho các cơ quan của Chính phủ đề xuất các cơ chế, chính sách để phát huy sức mạnh toàn dân trong việc cùng Đảng, Nhà nước để đưa đất nước phát triển.

"Cùng với đó, cũng cần phải kêu gọi được các thành phần kinh tế để đầu tư phát triển. Muốn làm được điều này, phải có chính sách nhất quán, đảm bảo hài hòa lợi ích của Nhà nước - Doanh nghiệp - Nhân dân" - ĐB Nguyễn Văn Hùng nêu quan điểm.

Chủ yếu lãng phí của công, của chung chứ ít khi xảy ra lãng phí của cá nhân

ĐBQH Hoàng Anh Công (Đoàn Thái Nguyên) nêu ra hai vấn đề cần khắc phục nhằm thực hành tiết kiệm hiệu quả trong thời gian tới đó là giải phóng mặt bằng và cải cách hành chính. Thực tế cho thấy ở nhiều dự án đầu tư công, công tác giải phóng mặt bằng chậm dẫn đến đội vốn do thời gian thực hiện kéo dài. Điều này gây lãng phí về nguồn lực.

Lãng phí về sức mạnh con người, trí tuệ, niềm tin là lãng phí lớn. Với cơ chế như hiện nay, với mức lương hiện nay thì khó có thể tận dụng được nguồn nhân lực chất lượng cao, không phát huy được sức mạnh con người. Chính vì vậy, cải cách thể chế là rất quan trọng và đột phá về thể chế là cần làm trước tiên.

ĐBQH Vũ Tiến Lộc - Đoàn thành phố Hà Nội

Phải xác định lại có còn dư địa để thực hiện chống lãng phí hay không? - Ảnh 3.

ĐBQH Hoàng Anh Công (Đoàn Thái Nguyên).

Lấy ví dụ cụ thể cho sự hệ lụy của việc cải cách hành chính chưa được hiệu quả, ĐB Công cho biết, có dự án sản xuất đầu tư mất rất nhiều thời gian, chưa kể những "tiêu cực phí" thì phải mất mấy năm mới làm được thủ tục, trong khi đó yêu cầu phải hoàn thiện trong 1 năm thì các mặt hàng sản xuất ra mới có sức cạnh tranh với thị trường. Điều này không chỉ gây lãng phí các khoản đầu tư của doanh nghiệp mà còn khiến thất thu thuế của Nhà nước.

ĐB Hoàng Văn Cường (Đoàn TP Hà Nội) cho rằng, lãng phí đầu tư công là vấn đề khiến dư luận quan tâm nhưng trong báo cáo chưa đề cập rõ. Cụ thể như đầu tư công giải ngân chậm; những dự án không hoàn thành đúng tiến độ thì lãng phí là bao nhiêu, kéo theo các dự án khác thế nào và lãng phí ra sao cần được làm rõ.

ĐB này cũng cho rằng, việc quyết định đầu tư dự án không phù hợp, không đem lại hiệu quả cũng gây lãng phí, còn nhiều dự án chưa thiết thực mà chúng ta vẫn triển khai gây lãng phí. Cùng với đó là việc lãng phí tài sản công, cụ thể là một số cơ quan chuyển đến trụ sở mới nhưng bỏ hoang trụ sở cũ gây lãng phí vô cùng lớn.

ĐB Nguyễn Anh Trí (Đoàn TP Hà Nội) cho rằng, việc thực hành tiết kiệm chống lãng phí cần phải nâng tầm hơn nữa, đặc biệt là thay đổi nhận thức của người dân, bởi chủ yếu lãng phí của công, của chung, của xã hội chứ ít khi xảy ra lãng phí của cá nhân./.


Thế Công

NỔI BẬT TRANG CHỦ