• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Phấn đấu chỉ số PCI của Hà Nội nằm trong nhóm có thứ hạng cao của cả nước

Thời sự 03/06/2021 13:52

(Tổ Quốc) - Đây là một trong những mục tiêu đặt ra tại Chỉ thị số 14/CT-UBND của UBND thành phố Hà Nội về việc nâng cao Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2021.

Phấn đấu chỉ số PCI của Hà Nội nằm trong nhóm có thứ hạng cao của cả nước - Ảnh 1.

Người dân thực hiện đăng ký kinh doanh tại Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội. Ảnh: HNM

Lấy hiệu quả, mức độ thụ hưởng của doanh nghiệp làm thước đo

Năm 2016, Hà Nội xếp thứ 14 trong bảng xếp hạng năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI); năm 2017 tăng lên thứ 13 thì đến năm 2018 đã lọt vào tốp 10 dẫn đầu cả nước với vị trí thứ 9 và vị trí này cũng được duy trì trong năm 2019.

Kết quả PCI năm 2020 do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) vừa công bố, Hà Nội tiếp tục trụ vững ở hạng thứ 9/63 tỉnh, thành phố. Trong 10 chỉ số thành phần, chi phí thời gian được đánh giá cao nhất với 7,93 điểm, tiếp đó là đào tạo lao động (7,85 điểm), gia nhập thị trường (6,74 điểm); dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp (6,68 điểm).

"Thúc đẩy cải cách, lấy hiệu quả, mức độ thụ hưởng của doanh nghiệp làm thước đo là mục tiêu xuyên suốt của thành phố Hà Nội trong thời gian qua" có lé là lời giải cho việc Hà Nội liên tiếp 3 năm giữ vị trí trong tốp 10 bảng xếp hạng PCI.

Chủ tịch VCCI Vũ Tiến Lộc cho rằng, Hà Nội liên tục có mặt trong tốp 10 địa phương dẫn đầu cả nước thể hiện khát vọng, tinh thần cầu thị của lãnh đạo thành phố. Đây cũng là kết quả đáng lưu ý, bởi Hà Nội là địa phương có số lượng doanh nghiệp lớn nhất cả nước, khối lượng công việc rất lớn.

Mặt khác, việc giữ thứ hạng và tăng điểm số của Hà Nội còn cho thấy diễn biến tích cực, sự ổn định của Thủ đô trên chặng đua cải cách, cải thiện chất lượng môi trường đầu tư - kinh doanh vì doanh nghiệp. Bởi cuộc đua PCI ngày càng mạnh mẽ, mà hầu hết các địa phương đều tăng điểm số...

Hỗ trợ thúc đẩy chuyển đổi số cho doanh nghiệp thành lập mới

Về mục tiêu trong 5 năm tới, Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội Trần Ngọc Nam cho biết, Hà Nội tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh; nâng cao năng lực cạnh tranh; kiên trì các giải pháp nâng cao PCI; từng bước hình thành, phát triển một số mô hình kinh tế số, kinh tế tuần hoàn, kinh tế chia sẻ; đẩy mạnh phát triển kinh tế tri thức, nâng cao tỷ trọng đóng góp của kinh tế số trong GRDP lên mức 30% vào năm 2025.

Theo ông Lê Văn Quân - Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ doanh nghiệp Hà Nội cho biết, trong năm 2021, trung tâm sẽ triển khai chương trình hỗ trợ thúc đẩy chuyển đổi số cho doanh nghiệp thành lập mới, gồm hỗ trợ kinh phí dịch vụ chứng thực chữ ký số; khởi tạo, cài đặt hóa đơn điện tử cho doanh nghiệp thành lập mới (ước tối đa 1 triệu đồng/dịch vụ cho mỗi doanh nghiệp).

Với mục tiêu đặt ra là phấn đấu chỉ số PCI của Hà Nội nằm trong nhóm có thứ hạng cao của cả nước, mới đây, UBND TP Hà Nội đã ban hành Chỉ thị số 14/CT-UBND của UBND thành phố Hà Nội về việc nâng cao Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2021.

Tại Chỉ thị này, UBND thành phố Hà Nội đã yêu cầu các sở, ban, ngành; UBND các quận, huyện, thị xã tập trung quyết liệt khắc phục 2 chỉ số thành phần giảm hạng đáng kể, rơi vào nhóm có xếp hạng thấp trong năm 2020, gồm chỉ số “Chi phí gia nhập thị trường” (xếp thứ 61/63, giảm 51 bậc) và chỉ số “Tiếp cận đất đai” (xếp thứ 56/63, giảm 15 bậc).

Trong đó, chỉ số “Chi phí gia nhập thị trường”, UBND thành phố giao Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội chủ trì triển khai xây dựng và tổ chức thực hiện kế hoạch để cải thiện và nâng cao chỉ số này: Giữ vững tỷ lệ 100% tổng số hồ sơ đăng ký doanh nghiệp tiếp nhận thực hiện qua mạng; bảo đảm thời gian giải quyết đúng hạn và sớm trước quy định đối với cả thủ tục đăng ký mới và thủ tục thay đổi đăng ký doanh nghiệp.

Đồng thời tiếp tục duy trì 100% thủ tục hành chính thực hiện dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, mức độ 4; phấn đấu 50% hồ sơ trực tuyến được giải quyết đạt mức độ 4; phấn đấu 50% số thủ tục hành chính có quy định tiếp nhận hồ sơ, trả kết quả qua dịch vụ bưu chính công ích; rà soát, cắt giảm thời gian giải quyết hồ sơ hợp lệ và các thủ tục để doanh nghiệp chính thức hoạt động. Thực hiện niêm yết công khai các thủ tục đăng ký doanh nghiệp; thực hiện có hiệu quả mô hình “Cơ quan đăng ký kinh doanh thân thiện”; chú trọng đào tạo, nâng cao kiến thức chuyên môn cho cán bộ để nâng cao chất lượng hướng dẫn người dân và doanh nghiệp.

Đối với chỉ số “Tiếp cận đất đai”, UBND thành phố giao Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội chủ trì thực hiện các giải pháp khắc phục kết quả chỉ số này; xây dựng và triển khai thực hiện kế hoạch sử dụng đất thành phố Hà Nội giai đoạn 2021-2025 và kế hoạch đấu giá quyền sử dụng đất năm 2021 và 5 năm (2021-2025). Chủ trì, phối hợp với UBND các quận, huyện, thị xã thực hiện công khai thông tin về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; tổ chức cung cấp thông tin quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất cho tổ chức, cá nhân thuận lợi và nhanh chóng; tháo gỡ khó khăn, đẩy nhanh công tác giải phóng mặt bằng.

Bên cạnh đó, tiếp tục rà soát, thực hiện quyết liệt để cơ bản hoàn thành 100% cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất trên địa bàn; giải quyết vướng mắc và nâng cao tỷ lệ cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho các tổ chức. Hoàn thành công tác xây dựng hồ sơ địa chính, cơ sở dữ liệu quản lý đất đai. Tham mưu xây dựng khung giá đất sát với giá thực tế trên thị trường. Tiếp tục thực hiện đơn giản hóa thủ tục hành chính về đất đai và tổ chức triển khai thực hiện công khai, minh bạch, đúng quy định, không gây khó khăn cho doanh nghiệp liên quan đến thực hiện các thủ tục hành chính về đất đai./.



Bảo Trân

NỔI BẬT TRANG CHỦ