Phân định rõ trách nhiệm quản lý nhà nước trong hoạt động quảng cáo
(Tổ Quốc) - Sáng 27/9, tại Nhà Quốc hội, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh dự và phát biểu chỉ đạo tại Phiên họp toàn thể lần thứ 8 của Ủy ban Văn hóa, Giáo dục. Cùng dự có các Ủy viên Trung ương Đảng: Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội Nguyễn Đắc Vinh; Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Văn Hùng.
Bổ sung quy định về quyền, nghĩa vụ của người chuyển tải sản phẩm quảng cáo
Trình bày báo cáo về Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quảng cáo, Thứ trưởng Trịnh Thị Thủy cho biết, Luật Quảng cáo được Quốc hội khóa XIII thông qua ngày 21/6/2012, là một bước tiến quan trọng trong việc hoàn thiện pháp luật về quảng cáo, tạo ra môi trường kinh doanh minh bạch và bình đẳng, phù hợp với xu thế hội nhập quốc tế.
Bên cạnh những kết quả đã đạt được, Luật Quảng cáo cũng đã bắt đầu bộc lộ một số bất cập, hạn chế trong công tác quản lý nội dung, phương tiện quảng cáo; các yêu cầu, điều kiện đối với hoạt động quảng cáo trên báo chí, trên mạng và hoạt động quảng cáo ngoài trời.
Vì vậy, để kịp thời thể chế hóa các chủ trương, đường lối của Đảng và chính sách của Nhà nước liên quan đến văn hóa, công nghiệp văn hóa và xây dựng pháp luật; đồng thời, khắc phục những tồn tại, hạn chế của Luật Quảng cáo hiện hành; xây dựng thị trường quảng cáo ở Việt Nam phát triển lành mạnh, vì lợi ích chung của xã hội thì việc xây dựng Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quảng cáo là yêu cầu cần thiết trong giai đoạn hiện nay.
Về một số nội dung trọng tâm của dự án Luật, Thứ trưởng Trịnh Thị Thủy cho biết, dự án Luật đã bám sát mục đích, quan điểm chỉ đạo và cụ thể hóa nội dung 3 Chính sách trong Đề nghị xây dựng Luật được Chính phủ và Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua.
Theo đó, dự thảo Luật sửa đổi 15 Điều, bổ sung 02 điều mới, cụ thể: Sửa đổi, bổ sung khái niệm, quyền, nghĩa vụ của người chuyển tải sản phẩm quảng cáo để phù hợp với các hình thức thể hiện, chuyển tải sản phẩm quảng cáo phát sinh trong thực tiễn hiện nay.
Đồng thời, bổ sung quy định về quyền, nghĩa vụ của người chuyển tải sản phẩm quảng cáo nói chung và trách nhiệm của người chuyển tải sản phẩm quảng cáo là người có ảnh hưởng theo quy định của pháp luật về bảo vệ người tiêu dùng, như: phải quảng cáo trung thực, chính xác về sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ; cung cấp tài liệu liên quan đến nội dung quảng cáo khi cơ quan nhà nước có thẩm quyền yêu cầu; chịu trách nhiệm liên đới trong trường hợp nội dung quảng cáo không bảo đảm các điều kiện, nội dung theo quy định.
Về yêu cầu đối với nội dung quảng cáo, Dự án Luật sửa đổi quy định về nội dung quảng cáo phải trung thực, chính xác, rõ ràng; không gây hiểu lầm về tính năng, chất lượng, công dụng, tác dụng của sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ; phân định nội dung quảng cáo với hoạt động trên sàn thương mại điện tử, hoạt động trưng bày hàng hóa theo quy định của pháp luật chuyên ngành về thương mại.
Bổ sung các quy định cụ thể về nội dung quảng cáo các sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ đặc biệt như thuốc, mỹ phẩm, thiết bị y tế, thực phẩm… bảo đảm sự phù hợp với các Luật chuyên ngành như: Luật Dược, Luật An toàn thực phẩm, Luật khám bệnh, chữa bệnh; Về quảng cáo trên báo in, báo nói, báo hình; Về quảng cáo trên mạng...
Phân định rõ trách nhiệm quản lý nhà nước trong hoạt động quảng cáo
Trình bày báo cáo thẩm tra, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hoá, Giáo dục của Quốc hội Triệu Thế Hùng cho biết, Ủy ban tán thành với sự cần thiết sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quảng cáo năm 2012.
"Việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quảng cáo đáp ứng đầy đủ căn cứ chính trị, pháp lý, khoa học; tiếp tục khẳng định các quan điểm, chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước về phát triển công nghiệp văn hóa, trong đó có ngành quảng cáo; đảm bảo đúng tiến độ theo Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024 được Quốc hội ban hành, phù hợp với Kế hoạch số 81/KH-UBTVQH15 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội" - ông Triệu Thế Hùng nói.
"Ủy ban nhận thấy, Hồ sơ dự án Luật được gửi đến Quốc hội bảo đảm yêu cầu về thời hạn. Các tài liệu trong Hồ sơ dự án Luật cơ bản phù hợp với quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, đảm bảo điều kiện trình kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV", Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Văn hoá, Giáo dục đề xuất.
Tại phiên họp, các ý kiến đã đánh giá cao ban soạn thảo và cơ quan thẩm tra dự án đã chuẩn bị đầy đủ, kỹ lưỡng, hồ sơ dự án Luật đủ điều kiện trình Quốc hội xem xét tại kỳ họp tới.
Phát biểu giải trình, làm rõ một số vấn đề các đại biểu nêu tại phiên họp, Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Văn Hùng cho biết, sau khi được Chính phủ giao nhiệm vụ, Bộ VHTTDL đã chủ động phối hợp với Thường trực Uỷ ban Văn hoá, Giáo dục của Quốc hội và các cơ quan có liên quan để xây dựng dự án Luật.
Việc sửa đổi, bổ sung Luật lần này tập trung vào 15 điều, bổ sung thêm 2 điều mới để khắc phục những bất cập, không còn phù hợp với thực tiễn sau 12 năm Luật được ban hành. Dự án Luật cũng được sửa đổi linh hoạt trên tinh thần chỉ đạo của Quốc hội là những cái gì đã rõ, đã chín thì sửa; những gì chưa chín, chưa rõ thì sẽ tiếp tục nghiên cứu.
Tuy vậy, Bộ trưởng cũng thẳng thắn chỉ rõ, dù ban soạn thảo đã rất nỗ lực nhưng trước thời đại công nghệ 4.0, tiếp tục nảy sinh nhiều vấn đề trong thực tiễn mà có thể dự thảo Luật sẽ chưa thể bao quát được, chưa thực hiện được như kỳ vọng.
Về các nội dung sửa đổi lần này, Bộ trưởng cho biết trong quá trình soạn thảo, Bộ VHTTDL đã phối hợp với các bộ, ngành, cơ quan có liên quan như Bộ TTTT trong các điều quy định về hoạt động quảng cáo trên không gian mạng. Đồng thời phân định rõ trách nhiệm quản lý nhà nước, trách nhiệm của các bộ, ngành như quảng cáo các sản phẩm về sức khỏe thì thuộc trách nhiệm của Bộ Y tế, quảng cáo về các lĩnh vực thương mại thuộc trách nhiệm của Bộ Công thương... và cũng đã tiến hành phân cấp, phân quyền theo quy định của Luật Chính quyền địa phương. Đồng thời rà soát kỹ các luật có liên quan để tránh tình trạng chồng chéo giữa các Luật.
Bộ trưởng khẳng định, cơ quan soạn thảo sẽ nghiêm túc, cầu thị tiếp thu các ý kiến đóng góp để hoàn thiện dự thảo Luật trình Quốc hội trong kỳ họp tới.
Phát biểu kết thúc nội dung Phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Nguyễn Đắc Vinh cho biết, sau khi nghiên cứu, thảo luận trực tiếp và nghe ý kiến phát biểu giải trình, làm rõ thêm các nội dung từ phía Cơ quan chủ trì soạn thảo, các thành viên Ủy ban tham dự Phiên họp đều cơ bản nhất trí với các nội dung của dự thảo Báo cáo thẩm tra dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quảng cáo.
Tại Phiên họp, các đại biểu đã biểu quyết và thống nhất thông qua các dự thảo Báo cáo thẩm tra về nội dung này./.
Khẳng định vai trò quan trọng của văn hóa, giáo dục đối với sự phát triển nhanh và bền vững của đất nước trong điều kiện mới
Phát biểu chỉ đạo tại phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh cho biết, theo dự kiến trong Kỳ họp thứ 8 sắp tới, Ủy ban Văn hóa, Giáo dục dự kiến trình Quốc hội cho ý kiến và thông qua nhiều nội dung. Trong đó có, dự án Luật Di sản văn hóa (sửa đổi); dự án Luật Nhà giáo; dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quảng cáo và 01 dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về phê duyệt chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa giai đoạn 2025-2035.
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh cho rằng, đây là các nội dung quan trọng, khẳng định vị trí, vai trò quan trọng của văn hóa, giáo dục đối với sự phát triển nhanh và bền vững của đất nước trong điều kiện mới. Các dự án luật, nghị quyết có nội dung khó, phức tạp, có tác động lớn đến đời sống xã hội.
Vì vậy, bà đề nghị Ủy ban Văn hóa, Giáo dục phối hợp chặt chẽ với các Bộ, ngành trong công tác xây dựng các dự án luật, nghị quyết; đồng thời đề nghị các đại biểu tại Phiên họp tiếp tục nghiên cứu đầy đủ, sâu sắc các quan điểm, định hướng, chủ trương của Đảng, Hiến pháp để thể chế hóa kịp thời vào các dự án luật trình Quốc hội tại Kỳ họp 8 bảo đảm chất lượng theo nguyên tắc việc đã chín, đã rõ, được thực tiễn chứng minh, kiểm nghiệm thì đưa vào quy định trong dự thảo Luật; những nội dung nào thuộc trách nhiệm của Quốc hội thì Quốc hội quyết định, những nội dung nào thuộc trách nhiệm của Chính phủ thì do Chính phủ quyết định.
Phó Chủ tịch Quốc hội cho rằng, Ủy ban Văn hóa, Giáo dục đã rất chủ động nắm bắt, nghiên cứu, tổng hợp thực tiễn để khái quát, hệ thống hóa thành các vấn đề và có những đề xuất, kiến nghị rất đúng, sát với yêu cầu và xu hướng đổi mới hoạt động của Quốc hội, khắc phục được tình trạng "Bắc nước chờ gạo người", thể hiện rất rõ trong lĩnh vực văn hóa mà Ủy ban phụ trách vừa qua, và sắp tới là lĩnh vực giáo dục./.