(Tổ Quốc) -Chiều 20/4, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về Báo cáo kết quả giám sát chuyên đề “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về an toàn thực phẩm giai đoạn 2011-2016”.
Cụ thể, qua giám sát tại 21 tỉnh/ thành với số lượng 210.000 cơ sở khảo sát cho thấy, công tác đảm bảo ATTP đã có bước chuyển biến tích cực, hoạt động quản lý ATTP của các Bộ ngành, địa phương đã được tăng cường.
Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến: Nguyên nhân gây ung thư hàng đầu là các bệnh nhiễm trùng cấp tính và mãn tính, ví dụ viêm gan B, viêm gan C... chứ không hoàn toàn do thực phẩm. |
Đề cập đến tồn tại, yếu kém, Báo cáo chỉ ra rằng, tình hình ngộ độc thực phẩm và các bệnh truyền qua thực phẩm diễn ra khá nghiêm trọng ở một số địa phương. Ngộ độc thực phẩm vẫn đang diễn ra khá phức tạp là một thách thức lớn trong công tác an toàn thực phẩm.
Trong giai đoạn giám sát, toàn quốc đã nghi nhận 1.007 vụ ngộ độc thực phẩm với 30.395 người mắc, 25.617 người nhập viện và 164 người chết. Kết quả kiểm tra rau, quả tươi sống giai đoạn 2011 -2016 cho thấy tỷ lệ tồn dư hóa chất vượt ngưỡng cho phép là hơn 8,4%; kiểm tra đối với hơn 54.750 lượt hộ nông dân sử dụng thuốc bảo vệ thực vật đã phát hiện hơn 9.000 hộ vi phạm…
Bệnh ung thư mỗi năm có khoảng 70.000 người chết và hơn 200.000 ca phát hiện mới, trong đó có nguyên nhân thực phẩm không an toàn và 286 vụ không xác định được nguyên nhân gây ngộ độc (chiếm tỷ lệ 26,6%)”.
Nêu ý kiến về Báo cáo này, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cơ bản đồng tình với những kết quả giám sát, song Bộ trưởng cho rằng, về con số bệnh nhân ung thư có nguyên nhân từ thực phẩm không an toàn - Báo cáo của Đoàn giám sát cần phải xem xét lại một cách thận trọng. Bởi nguyên nhân gây ung thư còn do nhiều nguyên nhân khác nhau. Vì thế, cần phải làm rõ nếu không “người dân sẽ hoang mang vì ăn gì cũng sợ”.
“Thông tin này trước đó cũng đã có lần nêu ra. Chúng tôi đã mời các chuyên gia trong và ngoài nước làm rõ và Bộ Y tế cũng đã có thông báo hiện nay nguyên nhân gây ung thư hàng đầu là các bệnh nhiễm trùng cấp tính và mãn tính, ví dụ viêm gan B, viêm gan C…" - Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến cho hay.
Các thành viên Uỷ viên TVQH đã đánh giá cáo những kết quả đạt được trong công tác bảo đảm vệ sinh ATTP thời gian qua, đồng thời cũng chỉ ra những tồn tại, hạn chế, nguyên nhân của những tồn tại, hạn chế của công tác này, nhất là hạn chế về bộ máy quản lý ATTP còn một số bất cập cả về tổ chức, nguồn lực và cơ chế phối hợp; khó khăn về nguồn tài chính; trang thiết bị cho công tác quản lý ATTP còn hạn chế; xử lý vi phạm chưa kiên quyết, chưa bảo đảm tính răn đe;…
Hầu hết các ý kiến đều cho rằng, nguyên nhân hàng đầu dẫn đến tình trạng vi phạm pháp luật về ATTP là do xử lý chưa nghiêm, việc thực thi trách nhiệm của các cấp chính quyền địa phương chưa tốt...
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho rằng, dù công tác ATTP còn nhiều hạn chế, song vấn đề ở đây vẫn là nhận thức của con người.
“Đã xảy ra tình trạng “người dân trồng rau, luống này để ăn, luống này để bán, thì đây là cố ý vi phạm, chứ đâu phải là nhận thức chưa tới. Tôi thấy cuộc sống của người dân đang quá nhiều rủi ro”, Chủ tịch Quốc hội nói
Chủ tịch Quốc hội cũng đồng thời nhấn mạnh, nếu không chú ý đến vấn đề ATTP, uy tín và hàng hóa xuất khẩu cả nước sẽ đứng trước rất nhiều rủi ro và áp lực trước yêu cầu của thị trường xuất khẩu.
Quan điểm của Chủ tịch Quốc hội nhận được nhiều ý kiến đồng tình khi cho rằng nguyên nhân chính của những hạn chế trên là do khâu tổ chức thực hiện chứ không phải vấn đề về luật pháp, ngân sách…Vì thế, cần chỉ rõ những bộ, ngành, địa phương, cá nhân… thực hiện tốt cũng như làm chưa tốt trong công tác đảm bảo an toàn thực phẩm để có cơ chế khen thưởng hay kỷ luật.
Đồng quan điểm trên, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam chia sẻ, nguyên nhân chính dẫn tới những hạn chế trong ATTP vừa qua không phải do hệ thống luật, chồng chéo chức năng, nhiệm vụ giữa các bộ mà là do tổ chức thực hiên.
“Câu chuyện chồng chéo về chức năng nhiệm vụ tôi khẳng định cả thế giới đều khó tránh. Vì thế, không đưa ra nhận định chồng chéo về chắc năng nhiệm vụ mà là do các đồng chí không làm tốt, năng lực làm việc làm việc không tốt, kỷ cương hành chính không tốt”, Phó Thủ tướng nhấn mạnh.
Theo Phó Thủ tướng, để làm tốt công tác an toàn vệ sinh thực phẩm cần có sự vào cuộc của các bộ ngành liên quan một cách quyết liệt, vai trò tuyên truyền của báo chí và đặc biệt là phải nâng cao nhận thức của con người./.
Hà Giang