(Tổ Quốc) - Phát hành bộ tem phòng, chống dịch Covid-19; Cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện hành nghề bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích; Dừng tổ chức Lễ hội vải thiều Thanh Hà năm 2020… là những thông tin văn hóa nổi bật tại Hà Nội, Vĩnh Phúc, Hải Dương.
Hà Nội: Ngày 31/3, Bộ Thông tin và Truyền thông phối hợp với Bộ Y tế, Tổng công ty Bưu điện Việt Nam phát hành bộ tem "Chung tay phòng, chống dịch Covid-19". Cùng với việc phát hành bộ tem, Bưu điện Việt Nam cũng đưa ra các sản phẩm cùng chủ đề như phong bì FDC, bưu thiếp, tem truyền thông....
Bộ tem gồm 2 mẫu được thiết kế theo phong cách đồ họa, trong đó, mẫu tem giá mặt 4.000 đồng thể hiện hình ảnh đại diện của các lực lượng y tế, quân đội, công an đang ngày đêm tham gia chống dịch bệnh.
Mẫu tem giá mặt 15.000 đồng thể hiện hình ảnh đội ngũ bác sĩ nỗ lực nghiên cứu, tìm ra các phác đồ điều trị tốt nhất để cứu chữa kịp thời cho bệnh nhân...
Có khuôn khổ 31x 46 (mm), bộ tem do họa sĩ Phạm Trung Hà (Tổng công ty Bưu điện Việt Nam) thiết kế; thời hạn cung ứng trên mạng bưu chính công cộng từ ngày 31-3 đến ngày 31-12-2021 tại 63 bưu điện tỉnh, thành phố và được lưu hành rộng rãi tại 192 quốc gia và vùng lãnh thổ thuộc tổ chức Liên minh Bưu chính thế giới (UPU).
Đến nay, có 3 nước trên thế giới đã có ý tưởng và thiết kế bộ tem chủ đề về phòng, chống dịch Covid-19.
Vĩnh Phúc: Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTTDL) Vĩnh Phúc vừa có Quyết định về việc Cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện hành nghề bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích.
Theo Quyết địch, cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện hành nghề bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích cho Công ty tư vấn cổ phần xây dựng Sao Đông Bắc, có địa chỉ tại số 08- phối Kim Ngọc – Phường Xuân Hòa – Thành phố Phúc Yên, tỉnh Vĩnh Phúc.
Trước đó, năm 2019, HĐND tỉnh đã ban hành Nghị Quyết số 71/2019/NQ-HĐND Quy định cơ chế hỗ trợ đầu tư tu bổ hệ thống di tích lịch sử - văn hóa được xếp hạng trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc giai đoạn 2019 – 2025.
Đối tượng áp dụng là các di tích lịch sử - văn hóa đã được xếp hạng quốc gia đặc biệt, quốc gia và cấp tỉnh đang xuống cấp từ 60% trở lên, thuộc các loại hình: Di tích lịch sử (di tích lưu niệm sự kiện, di tích lưu niệm danh nhân); di tích kiến trúc nghệ thuật; di tích khảo cổ.
Điều kiện để được đầu tư, hỗ trợ: Các di tích chỉ được xem xét đầu tư, hỗ trợ kinh phí sau khi dự án bảo quản, tu bổ di tích được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt theo quy định. Ưu tiên đầu tư, hỗ trợ các di tích lịch sử - văn hóa được xếp hạng từ di tích quốc gia đặc biệt đến di tích quốc gia và di tích cấp tỉnh và di tích có mức độ xuống cấp từ cao xuống thấp.
Mức hỗ trợ đầu tư cụ thể như sau: Đối với di tích quốc gia đặc biệt, ngân sách Nhà nước đầu tư 100% kinh phí theo dự án được duyệt.
Đối với di tích quốc gia: Ngân sách Nhà nước đầu tư 100% kinh phí đối với các hạng mục kiến trúc gốc (các hạng mục kiến trúc chính) của di tích.
Đối với di tích cấp tỉnh: Ngân sách tỉnh hỗ trợ 50% kinh phí tu bổ đối với hạng mục kiến trúc gốc của di tích; ngân sách cấp huyện hỗ trợ tối đa 10% kinh phí tu bổ đối với hạng mục kiến trúc gốc của di tích. Số kinh phí còn lại (tu bổ hạng mục kiến trúc gốc và các công trình phụ trợ, khu ngoại vi của di tích) chủ đầu tư huy động từ nguồn xã hội hóa.
Hải Dương: Do những diễn biến phức tạp của tình hình dịch bệnh COVID-19, Chủ tịch UBND tỉnh vừa có chỉ đạo dừng tổ chức Lễ hội vải thiều Thanh Hà – Hải Dương năm 2020.
Để hỗ trợ sản xuất, tiêu thụ vải thiều, UBND tỉnh yêu cầu Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Công Thương và các sở, nành có liên quan tiếp tục quan tâm chỉ đạo, hỗ trợ sản xuất, mở rộng vùng sản xuất vải theo tiêu chuẩn quốc tế và đẩy mạnh công tác xúc tiến thương mại hỗ trợ tiêu thụ vải thiều.
UBND tỉnh cũng yêu cầu UBND huyện Thanh Hà chủ động công tác sản xuất, tuyên truyền, quảng bá, xúc tiến thương mại, kết nối giao thương hỗ trợ tiêu thụ vải thiều
Theo dự kiến, lễ hội sẽ có khoảng 100 gian hàng trưng bày, giới thiệu vải quả và nông sản của các xã, thị trấn trong huyện; khu trưng bày nông sản tiêu biểu, chủ lực của các huyện, thị xã, thành phố, doanh nghiệp trong tỉnh và khu trưng bày, quảng bá du lịch, các sản phẩm du lịch, sản phẩm viễn thông, điện tử, công nghệ mới phục vụ sản xuất, kinh doanh, đời sống dân sinh.
Thông qua tổ chức lễ hội nhằm giới thiệu, quảng bá sản phẩm vải thiều, các mặt hàng nông sản chủ lực, sản phẩm du lịch đặc trưng của tỉnh và huyện đến với khách trong và ngoài nước. Đồng thời, bảo tồn, phát huy giá trị truyền thống văn hóa các di tích lịch sử, văn hóa tinh thần của địa phương, đáp ứng nhu cầu về văn hóa, tín ngưỡng và tham quan các di tích lịch sử, văn hóa miệt vườn của quê hương Thanh Hà.
Đây cũng là dịp nhằm tạo cơ hội, điều kiện cho các doanh nghiệp xuất khẩu, các doanh nghiệp, cá nhân sản xuất, kinh doanh vải thiều, hàng nông sản, thực phẩm và các sản phẩm du lịch của tỉnh, huyện đẩy mạnh xúc tiến thương mại, quảng bá chất lượng và thương hiệu. Qua đó, kích cầu tiêu thụ trong nước và đẩy mạnh xuất khẩu; thúc đẩy giao lưu, mở rộng hợp tác tiêu thụ vải thiều và hàng nông sản của tỉnh nói chung, huyện Thanh Hà nói riêng nhằm nâng cao giá trị, thu nhập và đời sống nhân dân vùng nông thôn.
Sự kiện cũng là dịp để giới thiệu các tiềm năng, lợi thế, các chính sách khuyến khích, ưu đãi của tỉnh, huyện nhằm thu hút đầu tư, phát triển vào lĩnh vực nông nghiệp, du lịch; từng bước xây dựng chuỗi giá trị cho cây vải thiều, sản phẩm nông nghiệp, sản phẩm du lịch của tỉnh, huyện theo hướng bền vững.