(Tổ Quốc) - Các đạo sắc phong bằng văn tự Hán Nôm thời Nguyễn được phát hiện còn nguyên vẹn, đang được Ban quản lý thôn xã Hòa Thắng, huyện Phú Hòa (Phú Yên) lưu giữ.
Đạo sắc phong cổ thời Nguyễn được phát hiện. Ảnh: Báo Phú Yên
Theo đó, trong quá trình thực hiện chuyên đề sưu tầm, số hóa tài liệu Hán Nôm, phục vụ đề tài cấp tỉnh Di sản Hán Nôm ở Phú Yên, nhóm nghiên cứu đã phát hiện tại thôn Phong Niên, xã Hòa Thắng, huyện Phú Hòa hiện lưu giữ 2 đạo sắc phong bằng văn tự Hán Nôm thời Nguyễn.
Sắc phong có kích thước dài 2.1m, rộng 0.50m, được viết bằng chữ Hán trên giấy long đằng, với nét chữ mảnh, rõ và sắc nét; giấy màu vàng nghệ, mặt trước trang trí họa tiết hoa văn hình rồng, chữ triện, chấm tròn màu trắng, xung quanh được viền bằng các họa tiết hình vạch kẻ song song liền nhau.
Qua tìm hiểu ban đầu của nhóm nghiên cứu, nội dung của 2 sắc phong cho các vị thần Bạch Mã, Thổ Địa, Hà Bá và Thành Hoàng làng.
Được biết, trước đó, nhóm nghiên cứu cũng đã sao chụp và dịch nghĩa 2 sắc phong đang thờ tự tại đình của thôn và hơn 300 sắc phong đang lưu giữ trên địa bàn tỉnh Phú Yên.
Việc phát hiện các đạo sắc phong cổ nói trên giúp các nhà nghiên cứu lịch sử, văn hóa tìm hiểu thêm về sự khác biệt các họa tiết hoa văn trang trí trên sắc phong cổ, tín ngưỡng của cộng đồng dân cư về sự tôn thờ các vị thần tại địa phương, sự thay đổi các địa danh hành chính làng xã trên địa bàn tỉnh Phú Yên dưới vương triều Nguyễn.