(Tổ Quốc) - Chiều 6/11, ba trưởng ngành ngân hàng, tài chính, kế hoạch & đầu tư có thêm 40 phút trả lời chất vấn của các đại biểu Quốc hội.
Phát hiện hành vi trốn thuế thông qua AI
Tham gia chất vấn, đại biểu Quốc hội Nguyễn Đại Thắng - Đoàn ĐBQH tỉnh Hưng Yên cho biết thời gian qua, việc bán hàng không ra hóa đơn vẫn diễn ra phổ biến, đặc biệt tại các nhà hàng, khách sạn, trung tâm thương mại.
Việc này không chỉ khiến Nhà nước thất thu thuế mà còn tạo điều kiện để hàng kém chất lượng đến tay người tiêu dùng và đã vô tình tiếp tay cho hành vi trốn thuế. Đại biểu đề nghị Bộ trưởng Tài chính nêu giải pháp ngăn chặn.
Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết, Bộ đã chỉ đạo doanh nghiệp, hộ kinh doanh trên toàn quốc phải xuất hóa đơn điện tử.
Với nhà hàng, siêu thị và cửa hàng xăng dầu, Bộ đã chỉ đạo xây dựng công nghệ kết nối giữa máy khởi tạo tính tiền với dữ liệu cơ quan thuế để kiểm soát, hiện đã thực hiện trên 50%.
Ông Hồ Đức Phớc cũng thông tin 100% cây xăng dầu của Petrolimex đã kết nối dữ liệu với cơ quan của Bộ Tài chính, kết nối dữ liệu thuế với hệ thống định danh điện tử quốc gia, lấy dữ liệu dân cư làm mã số thuế. Ngoài ra, thực hiện quay xổ số bằng hóa đơn may mắn để khuyến khích người dân lấy hóa đơn điện tử.
"Năm 2022, chúng ta tăng ngân sách rất tốt từ khoản thu này và tập trung quản lý hóa đơn điện tử thông qua AI, phân tích dữ liệu lớn, từ đó phát hiện hành vi trốn thuế đảm bảo thu ngân sách tốt hơn", Bộ trưởng Tài chính nói.
Các công ty bảo hiểm đã chi trả cho người bị tai nạn số tiền rất lớn
Đặt vấn đề chất vấn tại phiên họp, đại biểu Quốc hội Huỳnh Thị Phúc - Đoàn ĐBQH tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cho biết, cử tri đã nhiều lần phản ánh việc mua bảo hiểm bắt buộc, trách nhiệm dân sự đối với ô tô, xe máy chưa mang lại lợi ích thiết thực vì thủ tục bồi thường quá nhiều khó khăn và vô cùng phức tạp.
Việc mua bảo hiểm loại này chủ yếu là để tránh cho cơ quan chức năng không xử phạt khi điều khiển các phương tiện lưu thông trên đường.
Đại biểu đề nghị Bộ trưởng Bộ Tài chính cho biết sẽ có giải pháp gì để bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự đối với ô tô, xe máy thực sự phát huy được ý nghĩa và mục đích bảo vệ quyền và lợi ích của người dân?
Trả lời chất vấn, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết, về vấn đề bảo hiểm xe cơ giới, vấn đề này được quy định tại Luật Giao thông đường bộ và Luật Bảo hiểm, đây là một hình thức bảo hiểm bắt buộc.
"Thời gian qua, xe máy bị tai nạn chiếm 64%, từ năm 2021 đến tháng 9/2023, các công ty bảo hiểm đã chi trả cho người bị tai nạn số tiền rất lớn", Bộ trưởng Bộ Tài chính nói.
Theo Bộ trưởng, điều đó thể hiện Luật Kinh doanh bảo hiểm và Luật Giao thông đường bộ đã bảo vệ người lái xe máy, bởi người sử dụng xe máy đa số thu nhập không cao, khi có ảnh hưởng đến tính mạng, thì bảo hiểm được chi trả tối đa là 150 triệu, xe hư hỏng thì trả tối đa 50 triệu. Để thuận lợi hơn cho chi trả, Nghị định 67 đã quy định trong vòng 3 ngày, công ty bảo hiểm phải chi trả cho người dân bị tai nạn.
"Nếu bị ảnh hưởng tới tính mạng thì mới cần có biên bản, giấy tờ của công an, còn không bị ảnh hưởng tới tính mạng thì chỉ cần có file ảnh và cung cấp hồ sơ điện tử là sẽ được giải quyết các thủ tục cần thiết để được hưởng bảo hiểm", Bộ trưởng Bộ Tài chính thông tin./.