(Tổ Quốc) - Trường hợp của anh chàng 25 tuổi người Trung Quốc này chính là một ví dụ cảnh tỉnh cho những người biết mình có bệnh nhưng coi thường không chữa trị...
Theo tờ QQ vừa đưa tin, anh Xiao Wu (25 tuổi) người Trung Quốc là một thanh niên khỏe mạnh với ngoại hình rắn chắc. Anh to lớn đến mức khiến người khác luôn cảm thấy nhỏ bé nếu đứng gần. Từ bé đến giờ anh cũng rất ít bị ốm bởi luôn tập thể dục đều đặn, sức khỏe cũng luôn trong tình trạng bình thường.
Tuy nhiên cách đây 2 tháng, đột nhiên bụng Wu đau quằn quại mãi không dứt. Sau 1 tháng chịu đựng, anh đã phải nhập viện để điều trị và phát hiện mình đang mắc ung thư gan tiến triển – một kết quả bàng hoàng khiến cả gia đình anh không khỏi sốc.
"Khoảng tháng 2 năm nay, bụng bên trái của tôi bắt đầu thấy ngứa ran rất khó chịu. Khi đó cả người đều đổ mồ hôi liên tục, cả người cũng như rệu rã đi. Đến chụp CT tại bệnh viện thì phát hiện ung thư gan, thật chẳng thể chấp nhận nổi" – Anh Xiao Wu chia sẻ với phóng viên.
Ban đầu cả nhà cùng anh không tin vào kết quả chẩn đoán này nên muốn chuyển lên bệnh viện tuyến trên. Hai ngày sau, bệnh án của Xiao Wu đã được Bệnh viện Xixi ở thành phố Hàng Châu tiếp nhận. Nhưng dù có kiểm tra bao nhiêu lần đi nữa, kết quả vẫn chỉ có một: Có một khối u lớn trong gan và đang di căn thành ung thư gan.
Vậy tại sao một người có chế độ sinh hoạt và tập luyện đều đặn như thế lại mắc phải căn bệnh quái ác này? Lật lại tiền sử dịch tễ, bác sĩ phát hiện trong một đợt kiểm tra sức khỏe cách đây 2 năm, anh Wu đã vô tình phát hiện mình mắc viêm gan B. Nhưng lúc này sức khỏe vẫn bình thường, không có biểu hiện gì đau đớn nên anh đã mặc kệ không chữa.
Nhưng điều đặc biệt ở đây là, bác sĩ cho biết anh Wu đã mắc viêm gan B cách đây 25 năm, đồng nghĩa lúc sinh ra đã mắc bệnh rồi. Hóa ra mẹ của anh là một bệnh nhân viêm gan B và lúc mang thai đã có khả năng nhiễm virus thông qua việc truyền từ mẹ sang con. Tuy nhiên nếu phát hiện và chữa sớm thì đã không oái oăm như bây giờ.
"Thật không may, giờ đây đã quá muộn để điều trị cho chàng trai này bằng cách ghép gan hay những phương pháp khác. Tỷ lệ sống sót sau 5 năm của bệnh nhân ung thư gan tiến triển chỉ là 12,9%" – Bác sĩ điều trị cho biết.
Hầu hết bệnh nhân ung thư gan đều không triệu chứng rõ ràng
Trong quá trình làm việc, các bác sĩ đã gặp rất nhiều trường hợp tương tự như Xiao Wu. Họ đều có đặc điểm chung là đau bụng dai dẳng trong nhiều tháng, lúc đến khám thì hầu hết đã mắc ung thư gan tiến triển và không thể chạy chữa nữa. Nói cách khác, ung thư gan hầu như không có triệu chứng rõ ràng, từ đó lỡ mất khoảng thời gian tốt nhất để điều trị.
Theo một khảo sát ở Trung Quốc, nhóm người thường có nguy cơ cao mắc ung thư gan đều xuất phát từ những nguyên do như:
- Nhiễm virus viêm gan B hoặc viêm gan C.
- Uống bia rượu quá nhiều.
- Viêm gan nhiễm mỡ, xơ gan.
- Tiêu thụ thực phẩm bị nhiễm aflatoxin trong thời gian dài.
- Có tiền sử gia đình mắc ung thư gan.
Nếu bạn thuộc 1 trong những nhóm người này, cố gắng nên đi khám sức khỏe định kỳ khoảng 3 – 6 tháng/lần để kiểm tra chức năng gan, alpha-fetoprotein, chụp CT gan và MRI nếu cần thiết.
Phụ nữ cần cẩn trọng nếu mắc viêm gan B trong thai kỳ
Bác sĩ nhấn mạnh, các bà mẹ bị viêm gan B cần chú ý đến việc truyền bệnh cho con trong lúc mang thai. Nếu người mẹ là bệnh nhân viêm gan B thì sẽ có tỷ lệ 30 – 50% virus sẽ lây truyền sang con, bệnh sẽ khởi phát ngay từ khi còn nhỏ và nhất là bé trai.
Phát hiện càng sớm thì nguy cơ chữa khỏi càng cao bằng cách tiêm vắc-xin. Một mũi tiêm có thể ngăn chặn khoảng 95% trường hợp nhiễm virus viêm gan B, nhưng vẫn còn 5% không may vẫn tử vong. Tóm lại, bác sĩ khuyên chị em cần kiểm tra thể chất trước khi quyết định mang thai để tránh những sự cố ngoài ý muốn.
Theo QQ