(Tổ Quốc) -Thanh tra Chính phủ phát hiện việc kinh doanh kém hiệu quả, mắc nhiều vi phạm của Công ty Cổ phần Dịch vụ hàng không sân bay Tân Sơn Nhất (SASCO) và đã kiến nghị doanh nghiệp này nộp về Quỹ sắp xếp doanh nghiệp của Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam gần 13 tỷ đồng.
Nguồn tin từ Báo Điện tử Dân trí cho biết, theo kết luận thanh tra việc chấp hành chính sách, pháp luật quản lý, sử dụng vốn, cổ phần hoá và tái cơ cấu Tổng Công ty Hàng không Việt Nam của Thanh tra Chính phủ, năm 2005 Bộ Kế hoạch và Đầu tư cấp phép đầu tư cho dự án liên doanh giữa Công ty Cổ phần Dịch vụ hàng không sân bay Tân Sơn Nhất (SASCO) với Công ty H.M.SKY Gmbh - Cộng hoà liên bang Đức (dự án Viethaus). Vốn góp của SASCO vào Viethaus không thay đổi và chiếm 29% vốn điều lệ.
Ảnh minh hoạ (Nguồn: Internet) |
Kết quả kinh doanh của Viethaus từ năm 2005 đến hết năm 2015 lỗ luỹ kế trên 13,4 triệu Euro, các mục tiêu kinh tế của dự án chưa đạt được, khó có khả năng thu hồi vốn đã đầu tư với tổng số tiền 14,9 tỷ đồng; các khoản bảo lãnh đã chuyển thành công nợ trên 8,8 triệu Euro và các khoản nợ khác trên 47 tỷ đồng. Thanh tra Chính phủ khẳng định “dự án không hiệu quả, có nguy cơ mất vốn”.
SASCO được cổ phần hoá với giá trị doanh nghiệp tại thời điểm ngày 31/12/2013 gần 2.000 tỷ đồng, trong đó giá trị vốn nhà nước trên 1.313 tỷ đồng. Từ ngày 1/1/2015 SASCO chính thức chuyển sang hoạt động theo hình thức công ty cổ phần.
Qua thanh tra phát hiện SASCO thuê Công ty cổ phần Thông tin và Thẩm định giá miền Nam thực hiện thẩm định giá 31 danh mục tài sản theo kiến nghị của Kiểm toán Nhà nước. Tháng 3/2016, Công ty cổ phần Thông tin và Thẩm định giá miền Nam phát hành chứng thư thẩm định giá, theo đó giá trị tài sản tại thời điểm cuối năm 2014 gần 16,5 tỷ đồng, SASCO đã nộp tiền này vào Quỹ hỗ trợ, sắp xếp doanh nghiệp.
Kiểm tra chứng thư thẩm định giá, Thanh tra Chính phủ nhận thấy tư vấn thẩm định đã áp dụng suất đầu tư năm 2012 để xác định giá tài sản năm 2014. Một số tài sản áp dụng suất đầu tư và xác định tỷ lệ giá trị còn lại không đúng quy định nhưng không được SASCO kiểm tra, giám sát, dẫn đến đã tính sai giá trị còn lại của 31 tài sản làm giảm vốn Nhà nước với giá trị gần 13 tỷ đồng.
Theo kết luận thanh tra, SASCO chính thức chuyển sang hoạt động theo hình thức công ty cổ phần từ ngày 1/1/2015 nhưng tại thời điểm thanh tra SASCO chưa hoàn thành quyết toán cổ phần hoá, vi phạm Thông tư 127/2014 của Bộ Tài chính. Nguyên nhân chủ yếu là do UBND TPHCM chưa ban hành giá đất và chưa hoàn thành thủ tục giao đất tại 4 địa chỉ đất tại số 108, 112B, 114 đường Hồng Hà, quận Tân Bình với tổng diện tích trên 17.676m2 (được chấp thuận chuyển đổi mục đích sử dụng đất) và trên 10.300m2 đất tại Hóc Môn (đất nhận chuyển nhượng).
Ngoài ra, cơ quan thanh tra cho biết vào năm 2013 SASCO (bên B) và Công ty IPP GROP (S) PTE LTD Singgapo (bên A) ký hợp đồng về cung cấp và bán hàng hoá, sản phẩm tại các cửa hàng miễn thuế ở nhà ga quốc tế Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất.
Theo đó, bên A độc quyền cung cấp bán hàng hoá tại cửa hàng miễn thuế của bên B theo giá bên A đề xuất và bên B quyết định giá. Toàn bộ chi phí đầu tư các quầy kệ hàng hoá do bên B đã đầu tư khoảng 4 triệu USD, trong thời hạn 5 năm; bên B được sử dụng các tài sản do bên A đầu tư, hết thời hạn 5 năm thì các quầy kệ sẽ thuộc quyền sở hữu của bên B, do bên B quyết định.
Tiến hành thanh tra phát hiện SASCO thiếu kiểm tra, nghiệm thu để xác định đúng, đầy đủ, kịp thời các khoản thu về cấp bù doanh thu năm 2015 của IPP GROP (S) PTE LTD Singgapo, dẫn đến giảm doanh thu năm 2015 với giá trị gần 920.000 USD, tương đương 20,6 tỷ đồng, thất thu thuế thu nhập doanh nghiệp số tiền 4,5 tỷ đồng. Thanh tra Chính phủ khẳng định trách nhiệm thuộc về Tổng giám đốc SASCO. Tuy nhiên, báo cáo ngày 3/5/2017 cho thấy SASCO đã khắc phục và thu được số tiền này./.
Hà Giang