(Tổ Quốc) - Tổ QLĐB huyện Văn Lãng thuộc Đội QLTT số 7 đã triển khai, rà soát và thực hiện các biện pháp nghiệp vụ, thu thập thông tin các đối tượng thường xuyên lợi dụng hoạt động thương mại điện tử để quảng cáo, giới thiệu, đăng bán hàng hóa vi phạm như: hàng giả, hàng cấm, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ... qua các trang Website và mạng xã hội Zalo, Facebook...
Thực hiện Công văn số 593/CQLTT-NVTH ngày 11/6/2010 của Cục Quản lý thị trường tỉnh Lạng Sơn về việc tăng cường Quản lý thị trường hàng hóa trong hoạt động thương mại điện tử, Công văn số 1578/BCĐ-CQTT ngày 07/7/2020 của BCĐ 389 huyện Văn Lãng về việc kiểm soát, đấu tranh với các hành vi vi phạm trong thương mại điện tử trên địa bàn huyện Văn Lãng. Ngày 14/7/2020, Tổ QLĐB Văn Lãng đã phát hiện, tạm giữ 16.702 đơn vị sản phẩm mỹ phẩm để xác minh nguồn gốc.
Tổ QLĐB huyện Văn Lãng thuộc Đội QLTT số 7 đã triển khai, rà soát và thực hiện các biện pháp nghiệp vụ, thu thập thông tin các đối tượng thường xuyên lợi dụng hoạt động thương mại điện tử để quảng cáo, giới thiệu, đăng bán hàng hóa vi phạm như: hàng giả, hàng cấm, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ, hàng vi phạm SHTT, mỹ phẩm, dược phẩm, thực phẩm chức năng,... qua các trang Website và mạng xã hội Zalo, Facebook trên địa bàn huyện Văn Lãng, tỉnh Lạng Sơn.
Qua rà soát địa bàn tại xã Tân Thanh, huyện Văn Lãng, Tổ công tác đã phát hiện tài khoản Zalo TỔNG KHO SỈ HÀNG HOT YẾN CƯỜNG; địa chỉ số 74, khu tập thể Hồng Kông, đường Nhánh Bắc, xã Tân Thanh, huyện Văn Lãng thường xuyên đăng bán trên mạng xã hội Zalo các loại hàng hóa là mỹ phẩm, có nguồn gốc sản xuất ngoài Việt Nam, có dấu hiệu vi phạm.
Sau gần 2 tháng theo dõi, nắm tình hình diễn biến hoạt động, vào hồi 11 giờ 00 phút ngày 14/7/2020, Tổ QLĐB huyện Văn Lãng thuộc Đội QLTT số 7 đã chủ trì phối hợp với Công an huyện Văn Lãng, Chi cục Hải quan Thanh Thanh, Công an xã Tân Thanh tiến hành kiểm tra đột xuất tại địa chỉ trên. Qua kiểm tra, Đoàn kiểm tra phát hiện 27 thùng bìa cát tông để trước cửa nhà khu tập thể Hồng Kông, bên trong có chứa các loại hàng hóa là mỹ phẩm có nguồn gốc sản xuất ngoài Việt Nam, số lượng: 16.702 đơn vị sản phẩm, cụ thể gồm: (1) Kem tẩy lông: 500 lọ; (2) Son môi loại 3,8g: 4.248 thỏi; (3) Keo vuốt tóc loại 13ml: 1.728 cái; (4) Miếng đắp mụn loại 60g: 480 tuýp; (5) Bút kẻ lông mày: 1.920 cái; (6) Son môi (nước) loại 2,8g: 1.296 cái; (7) Miếng đắp mặt nạ loại 40ml: 6.080 miếng; (8) Phấn xoa mặt loại 7g: 120 hộp; (9) Son môi MUGE LEEN: 330 chiếc. Tại thời điểm kiểm tra, toàn bộ số hàng hóa trên là của ông Ngô Văn Cường, sinh năm: 1987, địa chỉ: phố Lao Động, thị trấn Nhã Nam, huyện Tân Yên, tỉnh Bắc Giang là chủ của số hàng hóa trên không xuất trình được hóa đơn, chứng từ chứng minh nguồn gốc hợp pháp, ông Cường khai nhận toàn bộ số hàng hóa trên ông mua trôi nổi tại khu vực xã Tân Thanh, huyện Văn Lãng về đăng bán trên các trang mạng xã hội Zalo để kiếm lời.
Đoàn kiểm tra đã tiến hành tạm giữ toàn bộ số hàng hóa trên, xác minh, làm rõ để xử lý theo quy định của pháp luật.