• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Phát hiện thêm một bản Kiều cổ

05/12/2005 09:06

Đó là bản Kiều bằng chữ Nôm của cụ Phạm Quốc Bảo (76 tuổi) ở làng Cô Dạ, Bảo Lý, Phú Bình (Thái Nguyên). Qua bước đầu nghiên cứu văn bản học, đây là một trong những văn bản Kiều thuộc loại cổ hiện còn lưu giữ, được khắc vào thời Vua Tự Đức, có thể là năm 1866!

Đó là bản Kiều bằng chữ Nôm của cụ Phạm Quốc Bảo (76 tuổi) ở làng Cô Dạ, Bảo Lý, Phú Bình (Thái Nguyên). Qua bước đầu nghiên cứu văn bản học, đây là một trong những văn bản Kiều thuộc loại cổ hiện còn lưu giữ, được khắc vào thời Vua Tự Đức, có thể là năm 1866!

Cụ Phạm Quốc Bảo kể: "Tôi sinh ra và lớn lên ở thôn Mười, xã Quất Đông, huyện Móng Cái, tỉnh Tiên Yên (nay thuộc thị xã Móng Cái, tỉnh Quảng Ninh). Hồi bé, tôi thường được ông nội là Phạm Văn Ngô đọc và ngâm Kiều cho nghe. Ông kể trước đây cụ đồ Nghệ Sào Nam (tên hiệu của Phan Bội Châu) đã đến vùng đất Móng Cái để sang Trung Quốc hoạt động gây dựng phong trào Đông Du. Cụ Sào Nam đã dạy học cho ông nội tôi. Trước khi rời khỏi đất này (vào khoảng năm 1904-1905), cụ Sào Nam đã cho ông nội tôi cuốn Truyện Kiều bằng chữ Nôm. Sau khi ông nội mất, bản Kiều cổ này được thân phụ tôi là Phạm Văn Mươi - làm nghề thầy cúng và bốc thuốc lưu giữ".

Ông tiếp: "Năm 1973, bố tôi mất, bản Kiều lại được giao lại cho bà chị gái tôi là Phạm Thị Cảnh. Năm 2004, qua truyền hình, cụ Bảo biết tin phát hiện cuốn Truyện Kiều cổ bằng chữ Nôm khắc in năm 1866 ở tỉnh Nghệ An. Nhớ lại bản Kiều cổ gia đình được cụ Sào Nam tặng năm xưa, cụ bèn về quê tìm lại và được biết trước khi mất, bà Cảnh đã giao lại cuốn sách cho con trai là Phạm Sĩ Nhị hiện ở làng Lương Ty, thị xã Đông Hưng, Quảng Tây (Trung Quốc). Cụ đã thuyết phục người cháu, đem cuốn Truyện Kiều cổ ấy về xã Bảo Lý, huyện Phú Bình. Hiện cuốn Truyện Kiều cổ của cụ Bảo được Bảo tàng tỉnh Thái Nguyên sưu tầm, lưu trữ để nghiên cứu và trưng bày".

Một số khác biệt

Theo Từ điển Văn học Việt Nam (NXB Giáo dục, 1995), Truyện Kiều của Nguyễn Du đã được in khắc ván bằng chữ Nôm trên 20 lần, bản sớm nhất in ở phố Hàng Gai (Hà Nội) và bản Kinh của Tự Đức in lần đầu cũng chưa tìm thấy. Hiện chỉ còn thấy bản in: Năm 1866 của Liễu Văn Đường; năm 1871 của Liễu Văn Đường Tự Đức thứ 19 ; năm 1879 của Thịnh Mỹ Đường Kỷ Mão,...
Bản Truyện Kiều cổ được cụ Bảo lưu giữ chất liệu bằng giấy dó được in trên bản khắc gỗ, đóng gáy bằng sợi gai, đã mất cả bìa đầu và bìa cuối, chữ khắc sắc nét, nét chữ đẫy, không bị nhoè như một số bản khác.

Sách có kích thước 13 x 22cm, có 98 tờ, in 2 mặt (196 trang), mỗi trang có 16 câu lục bát (tổng cộng là 3.136 câu). Phần bị mất không rõ, phần còn lại mở đầu bằng câu: "Đã lòng hiển hiện cho xem/ Tạ lòng này lại nối thêm vài lời...". Phần kết thúc với câu: "Lời quê chắp nhặt dông dài/ Mua vui cũng được một vài trống canh". Sau câu này, có một lời chua nhưng giấy đã bị nát không thể luận được chữ.
Sách được trình bày 2 phần chữ Hán và chữ Nôm, trong từng trang lại được chia ra làm 3 phần, mỗi phần được khuôn lại từng ô vuông. Phần 1 có số chữ khắc ít hơn so với 2 phần sau. Nội dung là lời văn theo lối hành văn của thể loại tiểu thuyết.

Qua nghiên cứu, đây có thể là lời văn của cuốn tiểu thuyết Kim Vân Kiều tân truyện của Thanh Tâm Tài Nhân (Trung Quốc).

Phần 2 có 8 câu thơ lục (6 tiếng). Phần 3 cũng trình bày 8 câu thơ bát (8 tiếng). Tức là nội dung cuốn Truyện Kiều cổ bằng chữ Nôm của đại thi hào Nguyễn Du bằng thơ theo thể lục bát, trên 6, dưới 8. Đem so sánh với bản Tự Đức 19 (1866) (tác giả Bùi Thiết công bố trong bài: Phát hiện Truyện Kiều bản in cổ nhất tại Vinh (Nghệ An), tập san Văn hoá Hà Tĩnh, số tháng 5.2004), bản Tự Đức 19 có đầy đủ cả bìa nhưng lại mất nhiều số trang, số câu hơn bản này (bản Tự Đức 19 mất đến hơn 1000 câu thơ, bản mới tìm thấy ở Thái Nguyên này thiếu có 118 câu thơ).
Qua bước đầu khảo sát, chúng tôi phát hiện bản Kiều phát hiện ở Thái Nguyên có nhiều câu khác hẳn với các bản Nôm khác, đặc biệt là với bản Truyện Kiều niên đại 1871 do Giáo sư (GS) Nguyễn Thạch Giang khảo đính - NXB Hà Nội, năm 1999.

Hy vọng bản Kiều cổ mới tìm thấy này sẽ được các chuyên gia nghiên cứu, thẩm định, là một tài liệu tham khảo quý giá để tìm hiểu thêm về áng "thiên cổ kỳ văn" của Nguyễn Du.
(Lao Động)

NỔI BẬT TRANG CHỦ