(Tổ Quốc) - Với khung cảnh thiên nhiên đẹp cùng các nét văn hóa đặc sắc từ người dân bản địa, thung lũng đang được nhắc tới xứng đáng được nhiều du khách biết tới và ghé thăm nhiều hơn.
Nhắc tới các tỉnh miền núi phía Bắc nước ta có thế mạnh về du lịch, không thể không nhắc tới cái tên Yên Bái. Ở Yên Bái có những cánh đồng ruộng bậc thang mênh mông, có những con đèo quanh co, khúc khuỷu, có hồ Thác Bà được mệnh danh là kỳ quan trên núi, có những con thác, dòng suối trong xanh, hay còn có Tà Xùa - nơi được gọi là "thiên đường mây".
Song thời gian gần đây, cũng ở Yên Bái, nhiều du khách lại dành sự quan tâm cho một địa điểm vô cùng "lạ mặt". Qua những bức ảnh, có thể thấy nơi đây chủ yếu được phủ một màu xanh ngát từ những cánh đồng lúa, từ những cánh rừng đại ngàn. Điểm xuyết trong đó là những mái nhà sàn của người dân bản địa. Tất cả những điều này khiến nhiều du khách phải nhận xét, cảnh vật nơi đây thật sự yên bình và trông như bước ra từ trong truyện.
Khung cảnh tại địa điểm du lịch ít ai biết ở Yên Bái - xã Lâm Thượng, huyện Lục Yên (Ảnh Ngọc Tuyết Trần)
Địa điểm đang được nhắc tới là thung lũng xã Lâm Thượng, thuộc huyện Lục Yên, tỉnh Yên Bái. Cách thủ đô Hà Nội khoảng 250km, theo lời những du khách đã từng đến đây, có thể chọn xe khách giường nằm hoặc ô tô để di chuyển, thời gian từ 4-5 giờ đồng hồ.
Có gì ở thung lũng Lâm Thượng?
Những hoạt động ở thung lũng Lâm Thượng chủ yếu là các hoạt động hòa mình với thiên nhiên hoặc đời sống bản địa của người dân nơi đây - đồng bào người Tày.
Theo du khách Trần Ngọc Tuyết, hiện đang sinh sống tại Hà Nội, người có chuyến đi tới Lâm Thượng vào giữa tháng 9 vừa qua, hoạt động ở Lâm Thượng dành cho những người yêu thiên nhiên, từ những cung đường đi bộ, leo đồi, núi, thảo nguyên hay khám phá những hang động hoang sơ, kỳ vĩ.
Bên cạnh đó du khách cũng có thể lựa chọn trải nghiệm đạp xe thư giãn trên những con đường mòn mang vẻ đẹp thơ mộng hay đơn giản là ngồi trên chiếc bè tre lững lờ trôi trên mặt nước.
"Nếu trekking, có thể lựa chọn trekking đồi Pù Lung Trạng, trekking rồi cắm trại trên thảo nguyên Tông Lăm hay trekking cung Tà Pèng xuyên rừng măng mai, thăm cây cổ thụ. Nếu yêu thích khám phá các hang động, có thể chọn hang Thẳm Dường, hang Nà Kèn hay hang Tát Én. Còn đạp xe thì có thể đạp ở cung đường thác Nặm Chắn hoặc đạp quanh bản làng ngắm núi rừng là đồng lúa", du khách Ngọc Tuyết nói thêm.
Ảnh Hoang Thi Xoi - Group Check in Việt Nam
Khung cảnh thiên nhiên mang ở Lâm Thượng vẻ đẹp mộc mạc, giản dị hấp dẫn du khách (Ảnh Ngọc Tuyết Trần)
Trong đó, trải nghiệm được du khách yêu thích cũng như đánh giá là độc đáo, đặc sắc đó chính là hái măng. Bởi lẽ, Lâm Thượng là xã có diện tích trồng măng mai lớn nhất huyện. Vụ măng thường bắt đầu từ khoảng đầu tháng 8.
Kể về trải nghiệm của mình, du khách Ngọc Tuyết nói: "Bọn mình theo chân chị Tý - một nông dân, hướng dẫn viên bản địa - đi bộ từ nơi ở đến Khéo Lẹng, từ đây bắt đầu xuyên qua rừng cọ, lạc lối giữa rừng măng mai, măng ngọt và leo qua những dốc đá tai mèo. Con đường nhỏ, phủ đầy cây và dương xỉ. Tiếp tục trekking một đoạn đi qua cả những con thác".
"Nếu đi vào tháng 6, có thể hái được nấm mối, nhiều đủ cho một bữa tối no nê. Năm ngoái mình đã được trải nghiệm rồi. Còn mùa này ở Lâm Thượng toàn măng là măng, từ măng nứa, măng mai, măng le, măng đắng đến măng ống". Dọc đường đi chúng mình cũng gặp rất nhiều bà con đang gánh măng từ núi đồi về. Trên vai họ là những sọt măng nặng trĩu, mùi măng tươi thơm phức".
Du khách đặt biệt yêu thích trải nghiệm đi hái măng cùng người dân bản địa (Ảnh Ngọc Tuyết Trần)
Thời gian phù hợp để hái măng là vào những ngày nắng ráo, không có mưa. Toàn bộ thời gian trekking và hái măng sẽ mất khoảng một buổi và du khách sẽ có sự hướng dẫn của người dân bản địa.
Măng sau khi hái về có thể phục vụ cho chính bữa tối của du khách. Người dân nơi đây có thể chế biến thành những món như măng luộc, măng xào tỏi, măng nhồi thịt hay canh măng. Kết hợp với đó là những món đặc sản khác của núi rừng như cá suối, gà đồi, lợn bản, cơm lam...
Măng sẽ được mang về, chế biến thành những món đặc sản, phục vụ du khách (Ảnh Ngọc Tuyết Trần)
"Ngôi sao mới" của du lịch Yên Bái
Có tiềm năng phát triển du lịch mạnh mẽ, song nhiều bà con sinh sống tại Lâm Thượng chia sẻ, nơi đây gần như "chưa hề xuất hiện trên bản đồ du lịch Việt Nam". Nhận thấy được điều này, trong những năm gần đây, chính quyền các cấp đã chú trọng, quan tâm hơn trong việc phát triển, đẩy mạnh du lịch địa phương, dựa trên tiềm năng vốn có.
Theo thông tin trên Cổng thông tin điện tử Tỉnh Yên Bái, Lâm Thượng đã, đang và sẽ trở thành xã trọng điểm trong Đề án phát triển du lịch của huyện Lục Yên, giai đoạn 2021 - 2025. Các sản phẩm du lịch hiện nay tại xã đang dần được hoàn thiện, không chỉ phục vụ du khách mà còn góp phần quảng bá nét đẹp văn hóa, cảnh quan hay các nông sản đặc sản của địa phương. Từ đó, thúc đẩy kinh tế - xã hội, tạo thêm sinh kế, nâng cao thu nhập cho người dân.
Có thể thấy rõ rệt nhất chính là tại các hộ dân bắt đầu chủ động hình thành những homestay cho du khách. Tại thôn Khéo Lẹng - xã Lâm Thượng có 202 hộ dân, người dân tộc Tày chiếm 97%. Các hộ dân vẫn giữ được hệ thống nhà sàn truyền thống bằng gỗ, lợp bằng lá cọ và lưu giữ được các giá trị của nhiều loại hình văn hóa dân gian. Chính vì vậy, chuyển thành các homestay, đồng thời phát triển du lịch cộng đồng là rất phù hợp.
Những ngôi nhà truyền thống của người Tày trở thành homestay phục vụ du khách (Ảnh Báo Yên Bái)
Anh Tăng Viết Dũng - chủ một homestay thôn Nậm Chắn, xã Lâm Thượng cho biết: "Tại đây, du khách có thể nghỉ dưỡng tại các nhà sàn truyền thống thưởng thức ẩm thực dân tộc, trải nghiệm các hoạt động cộng đồng, bản sắc văn hóa dân tộc như: nghi lễ dân gian, dân ca, dân nhạc, dân vũ, trang phục dân tộc, thưởng thức các món ăn đặc sản nổi tiếng của xã như: măng mai, vịt bầu, cá bỗng, gà thiến, rêu đá, rau rừng, rượu thuốc…”.
Bên cạnh đó, các hoạt động du lịch khám phá thiên nhiên cũng cần được triển khai một cách bài bản, chất lượng hơn, quảng bá rộng rãi để nhiều du khách biết tới. Từ đó đưa Lâm Thượng trở thành cái tên hấp dẫn, một ngôi sao mới trên bản đồ du lịch Việt Nam nói chung cũng như vùng núi phía Bắc nói riêng.
Một số chi phí du khách có thể tham khảo để có chuyến đi tới Lâm Thượng:
- Di chuyển: Xe khách từ Hà Nội - Lục Yên, giá 220.000 - 360.000/2 chiều, tùy nhà xe. Sau đó đi taxi hoặc xe ôm đến Lâm Thượng, quãng đường 20km khoảng 200.000 - 300.000 đồng.
- Phòng nghỉ: 200.000 - 400.000 đồng/người/đêm, tùy loại phòng
- Hoạt động trekking, hái măng, thuê xe đạp: Có thể liên hệ trực tiếp với chủ phòng nghỉ
- Thuê xe máy: 120.000 đồng/ngày
- Ngâm chân, tắm thảo dược: 50.000 - 200.000/lần